|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB tăng giá mạnh nhất, VPB dẫn đầu thanh khoản ba tuần liên tiếp

08:05 | 27/10/2019
Chia sẻ
Trong tuần từ ngày 21/10 đến 25/10, giá trị vốn hóa 18 cổ phiếu ngân hàng niêm yết tăng 1,8%, đạt 918.241 tỉ đồng. Khối lượng giao dịch ở mức hơn 150 triệu cp, tương ứng với giá trị là 3.228 tỉ đồng.
photo1515726166762-1515726166763

Ảnh minh họa (Nguồn: Vietcombank)

Vốn hóa ngành ngân hàng tăng thêm hơn 16.000 tỉ đồng

Kết thúc tuần tuần giao dịch vừa qua (21/10 - 25/10), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên các sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM đạt 918.241 tỉ đồng, tăng 16.239 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 18/10), tương ứng với mức tăng 1,8%.

Trong đó, Vietcombank tiếp tục là nhà băng có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 326.381 tỉ đồng, chiếm gần 36% tổng vốn hóa ngành ngân hàng; đứng thứ hai và thứ ba lần lượt là BIDV (137.432 tỉ đồng) và Techcombank (83.394 tỉ đồng).

Ngược lại, NCB, Kienlongbank và VietBank tiếp tục là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất lần lượt ở mức 2.709 tỉ đồng, 3.237 tỉ đồng và 6.411 tỉ đồng.

Trong tuần qua, vốn hóa thị trường của MBBank đã tăng gần 4.400 tỉ sau khi có thêm 169 triệu cp được niêm yết bổ sung. Tương tự, vốn hóa VIB cũng tăng thêm hơn 2.500 tỉ đồng sau khi niêm yết bố sung hơn 141 triệu cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB quán quân tăng giá, VPB tuần thứ ba liên tiếp đứng đầu thanh khoản - Ảnh 2.

Vốn hóa các ngân hàng tại ngày 25/10 (Nguồn: QT tổng hợp)

7/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần

Trong tuần qua, chỉ có 7/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá; trong đó, VCB là cổ phiếu tăng mạnh nhất (tăng 3,5%). Đứng sau VCB về mức tăng giá lần lượt là HDB (tăng 3,4%), NVB (tăng 2,3%) và CTG (tăng 1,9%)...

Ở chiều ngược lại, có 8 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần với VBB (VietBank) là mã giảm mạnh nhất (giảm 5%). Bên cạnh VBB thì LPB trong tuần cũng giảm gần 3,9%; TCB và ACB giảm lần lượt 2,3% và 2,1%.

Ngoài ra, VPB, SHB và TPB cũng là hai mã giảm hơn 1% trong tuần qua. Ba cổ phiếu đứng giá trong tuần này gồm VIB, BAB và KLB.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB quán quân tăng giá, VPB tuần thứ ba liên tiếp đứng đầu thanh khoản - Ảnh 3.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 21/10 - 25/10 (Nguồn: QT tổng hợp)

VPB tuần thứ ba liên tiếp dẫn đầu thanh khoản

Xét về thanh khoản, trong tuần có tổng cộng hơn 150 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị đạt 3.228 tỉ đồng, giảm 32% về khối lượng và giảm 30% về giá trị so với tuần trước. Trong đó, VPB tiếp tục là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với hơn 31,3 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng với giá trị hơn 685 tỉ đồng.

Đáng chú ý, đây là tuần thứ ba liên tiếp VPB dẫn đầu thanh khoản nhóm ngành ngân hàng. Trong tuần hai trước, lần lượt 38,5 triệu và 41,9 triệu cổ phiếu VPB cũng đã được trao tay giữa các nhà đầu tư.

Thanh khoản VPB tăng mạnh trong những tuần gần đây trong bối cảnh VPBank đang thực mua cổ phiếu quĩ với khối lượng dự kiến mua tối đa là 50 triệu cổ phiếu. Theo dữ liệu cập nhật của HOSE, tính đến ngày 23/10, VPBank đã mua xong toàn bộ 50 triệu cổ phiếu đăng kí.

Xếp tiếp sau VPB về thanh khoản lần lượt là MBB với gần 16,2 triệu cp, CTG (15,9 triệu cp), STB (13,1 triệu cp), SHB (12,3 triệu cp), TCB (12,2 triệu cp) và HDB (11,2 triệu cp)…

Trong khi đó, TPB, VBB và KLB vẫn là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất, lần lượt ở mức 940.000 cp, 141.000 cp và 14.600 cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB quán quân tăng giá, VPB tuần thứ ba liên tiếp đứng đầu thanh khoản - Ảnh 4.

Khối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần 21/10 - 25/10 (Nguồn: PV tổng hợp)

Tuần qua có hơn 122 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 2.586 tỉ đồng, chiếm 82% về khối lượng và 80% về giá trị. Gần 28 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 642 tỉ đồng.

Các mã có lượng giao dịch khớp lệnh lớn trong tuần gồm VPB với hơn 21,3 triệu cp, MBB với gần 15,9 triệu cp, CTG với hơn 13,3 triệu cp, STB với 12,7 triệu cp, SHB với 11,3 triệu cp và HDB với 11,1 triệu cp.

Mặt khác, trong tuần qua, giao dịch thỏa thuận tại cổ phiếu VPB cũng diễn ra "nhộn nhịp" với hơn 10 triệu cp được trao tay, chiếm 1/3 tổng khối lượng giao dịch trong tuần.

Bên cạnh MBB, một số mã cổ phiếu khác cũng có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn như EIB (6 triệu cp), TCB (5,3 triệu cp), CTG (2,5 triệu cp), VCB (1,2 triệu cp) và SHB với 1 triệu cp …

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB quán quân tăng giá, VPB tuần thứ ba liên tiếp đứng đầu thanh khoản - Ảnh 5.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Thanh khoản sụt giảm mạnh

Trong tuần qua có tới 14/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản. Trong đó, BAB là mã có khối lượng giao dịch giảm mạnh nhất (gần 76%). Cùng với BAB thì EIB, TPB, LPB và MBB cũng là những mã có thanh khoản giảm hơn 50% trong tuần qua.

Ngược lại, chỉ có 4/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, khối lượng giao dịch NVB tăng mạnh gần 70% với gần 7,8 triệu cp được trao tay. Cùng với NVB thì KLB, HDB và VCB là ba mã có thanh khoản tăng trong tuần.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB quán quân tăng giá, VPB tuần thứ ba liên tiếp đứng đầu thanh khoản - Ảnh 6.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

BIDV dự chi hơn 4.700 tỉ đồng tiền mặt trả cổ tức năm 2017 và 2018

BIDV thông báo Hội đồng quản trị ngân hàng đã chính thức phê duyệt Nghị quyết trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng tiền mặt với tổng tỉ lệ 14% trong đó năm 2017, 2018 cùng có mức cổ tức là 7%/cổ phiếu.

BIDV sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức vào 8/11/2019. Ngày thanh toán cổ tức là 12/12/2019.

Hiện trên thị trường có khoảng 3,4 tỉ cổ phiếu BID đang lưu hành, theo đó số tiền mà BIDV sẽ phải chi trả khoảng hơn 4.700 tỉ đồng.

Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV sở hữu 43% tổng tài sản và 48% dư nợ cho vay toàn hệ thống

Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản của Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV đạt 5,081 triệu tỉ đồng, chiếm 43,01% toàn hệ thống. Trong đó, dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 3,652 triệu tỉ đồng, chiếm 47,9%.

Về phía các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản có đạt 4,918 triệu tỉ đồng, tăng 8,0% so với cuối năm 2018; vốn điều lệ đạt 270 nghìn tỉ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2018; cho vay thị trường 1 đạt 3,033 triệu tỉ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2018.

Tín dụng bất động sản tăng gần 15% trong 8 tháng đầu năm

Theo số liệu của NHNN đến tháng 8/2019, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế. 

VPBank đã mua xong 50 triệu cổ phiếu quĩ

Theo dữ liệu của HOSE, VPBank đã mua xong 50 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quĩ, đạt 100% khối lượng đăng kí. Toàn bộ lượng cổ phiếu trên được mua trong thời gian từ ngày 2/10 đến ngày 23/10. Ước tính, VPBank đã chi ra khoảng 1.100 tỉ đồng để thực hiện giao dịch này.

BIDV, Techcombank,VPBank, MBBank... công bố kết quả kinh doanh quí III/2019

Tuần qua, một loạt ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí III/2019. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế BIDV đạt 5.645 tỉ đồng, giảm 3% so với cùng kì năm 2018.

VPBank lãi trước thuế 7.199 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng 17,5% so với cùng kì 2018 và thực hiện được 76% kế hoạch năm. Lãi sau thuế đạt 5.753 tỉ đồng, tăng 17,4%.

Techcombank công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí III/2019 với lãi sau thuế 9 tháng đạt 7.107 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kì 2018.

Tại MBBank, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm  đạt 6.142 tỉ đồng, tăng 27,9%.


Quốc Thụy

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.