|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: MBB và VPB dẫn đầu thanh khoản

15:03 | 06/10/2019
Chia sẻ
Trong tuần từ ngày 30/9 đến 4/10, giá trị vốn hóa 18 cổ phiếu ngân hàng niêm yết tăng 0,6%, đạt 885.885 tỉ đồng. Khối lượng giao dịch ở mức 178,9 triệu cp, tương ứng với giá trị là 4.034 tỉ đồng.
2348_0424_4325_2035_vay-tien-bang-the-tin-dung-mb-bank-3

Ảnh minh họa (Nguồn: MBBank)

Vốn hóa các ngân hàng tăng hơn 5.500 tỉ đồng

Kết thúc tuần tuần giao dịch vừa qua (30/9 - 4/10), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên các sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM đạt 885.885 tỉ đồng, tăng 5.550 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 27/9), tương ứng với mức tăng 0,6%.

Trong đó, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 307.837 tỉ đồng. Đứng sau Vietcombank về giá trị vốn hóa lần lượt là BIDV với 138.458 tỉ đồng, Techcombank (82.520 tỉ đồng), VietinBank (76.702 tỉ đồng)…

Ở chiều ngược lại, NCB, Kienlongbank và VietBank đang là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất lần lượt 2.589 tỉ đồng, 3.205 tỉ đồng và 6.285 tỉ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: MBB và VPB dẫn đầu thanh khoản  - Ảnh 2.

Vốn hóa các ngân hàng tại ngày 4/10 (Nguồn: QT tổng hợp)

MBB và VPB dẫn đầu thanh khoản

Trong tuần qua, có 13/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá; trong đó, VBB là cổ phiếu tăng mạnh nhất (tăng 7,1%). Đứng sau VBB về mức tăng giá là KLB (tăng 6,5%), MBB (tăng 5%) và HDB (tăng 3,2%)…

Ở chiều ngược lại, có 4 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần với LPB là mã giảm mạnh nhất (giảm 3,9%). Ngoài ra, CTG, STB và SHB cũng giảm trên 1%. Cổ phiếu duy nhất đứng giá trong tuần này là TPB.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: MBB và VPB dẫn đầu thanh khoản  - Ảnh 3.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 30/9 - 4/10 (Nguồn: QT tổng hợp)

Xét về thanh khoản, trong tuần có tổng cộng gần 178,9 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị 4.034 tỉ đồng, giảm 9% về khối lượng nhưng lại tăng 3% về giá trị so với tuần trước. Trong đó, MBB là mã có khối lượng giao dịch nhiều nhất với gần 31,3 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng với giá trị hơn 723 tỉ đồng.

Xếp tiếp sau MBB về thanh khoản là VPB với gần hơn 26 triệu cp được giao dịch trong tuần qua, HDB (15,1 triệu cp), STB (15 triệu cp), CTG (13,3 triệu cp), TCB (12,3 triệu cp) và VIB (10,4 triệu cp)…

Trong khi đó, KLB, VBB và BAB tiếp tục là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất, lần lượt ở mức 420.000 cp, 290.000 cp và 20.000 cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: MBB và VPB dẫn đầu thanh khoản  - Ảnh 4.

Khối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần 30/9 - 4/10 (Nguồn: PV tổng hợp)

EIB tiếp tục giao dịch thỏa thuận "khủng"

Tuần qua có gần 157 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 3.511 tỉ đồng, chiếm gần 88% về khối lượng và 87% về giá trị. Gần 22 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 522 tỉ đồng.

Các mã có lượng giao dịch khớp lệnh lớn trong tuần gồm MBB với hơn 26,9 triệu cp; VPB với 23 triệu cp, STB với 14,6 triệu cp, HDB với 14,6 triệu cp, CTG với gần 12,6 triệu cp và TCB với 12,2 triệu cp.

Mặt khác, các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB tiếp tục diễn ra "nhộn nhịp" trong tuần qua với gần 8,5 triệu cp được trao tay, gấp hơn 20 lần khối lượng giao dịch khớp lệnh.Trong tuần trước, hơn 7 triệu cp EIB cũng đã được giao dịch thông qua phương thức này.

Bên cạnh EIB, một số mã cổ phiếu khác cũng có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn như MBB (4,4 triệu cp), VPB (3,1 triệu cp)…

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: MBB và VPB dẫn đầu thanh khoản  - Ảnh 5.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

KLB đột biến khối lượng

Trong tuần qua 11/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, khối lượng giao dịch KLB (Kienlongbank) tăng mạnh nhất với hơn 420.000 cp được trao tay, gấp hơn 3 lần tuần trước.

Đáng chú ý, đây là tuần thứ hai liên tiếp KLB dẫn đầu về tốc độ tăng thanh khoản. Trong tuần 23/9 – 27/9, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này cũng đã tăng gấp 11 lần tuần trước đó.

Bên cạnh KLB, một số mã khác cũng có khổi lượng giao dịch tăng mạnh theo cấp số nhân gồm VBB (tăng 2,5 lần), LPB (tăng 2,3 lần) và HDB (tăng 2 lần).

Ngoài ra, một số cổ phiếu khác có thanh khoản tăng hơn 50% như NVB (tăng 72%) và VIB (tăng 66%).

Ở chiều ngược lại, có 7 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản trong tuần. Trong đó, SHB là mã có khối lượng giao dịch giảm mạnh nhất (66%). Cùng với SHB thì TCB, TPB và STB cũng là những mã có thanh khoản giảm hơn 20% trong tuần qua.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: MBB và VPB dẫn đầu thanh khoản  - Ảnh 6.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

Hơn 87% TCTD kì vọng tình hình kinh doanh năm 2019 cải thiện hơn so với năm 2018

Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy 82,3% TCTD kì vọng tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện" trong quí IV và 87,1% TCTD kì vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 "cải thiện" hơn so với năm 2018. 

Dự kiến đến cuối năm 2019, có 91% TCTD kì vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2018, 3% TCTD kì vọng không đổi và 6% TCTD lo ngại suy giảm.

Từ ngày 1/10, ngân hàng dừng cho vay ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước

Theo Thông tư 42 được NHNN ban hành vào ngày 28/12/2018, các tổ chức tín dụng (TCTD) chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ phải dừng hoạt động cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh kể từ ngày 1/10.

Theo NHNN, đây là bước đi nhằm cụ thể hóa chủ trương hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

VietinBank, BIDV phát hành thành công hàng nghìn tỉ đồng trái phiếu

VietinBank thông báo phát hành thành công 4.000 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 7 năm và 10 năm với giá chào bán bằng mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu. Trong đó, trái phiếu 7 năm là 2.000 tỉ đồng và trái phiếu 10 năm là 2.000 tỉ đồng.

Cũng trong tuần qua, BIDV cho biết đã phát hành thành công gần 3.000 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 7 năm và 10 năm.

TPBank lãi trước thuế 2.400 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm

TPBank cho biết hết 9 tháng năm 2019, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.400 tỉ đồng, bằng 75% kế hoạch năm.

Tín dụng vẫn trên đà tăng trưởng và tỉ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát ở mức 1,5%. Tổng huy động đạt gần 135.000 tỉ đồng, bằng 95% kế hoạch đề ra. Tổng tài sản đạt gần 150.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, vào đầu tháng 9, với việc tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC, TPBank đã trở thành thành viên thứ 7 trong nhóm các ngân hàng sạch nợ VAMC gồm: Vietcombank, Techcombank, MBBank, OCB, VIB, Nam A Bank.

Quốc Thụy