|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín dụng bất động sản tăng gần 15% trong 8 tháng đầu năm

18:49 | 21/10/2019
Chia sẻ
Theo số liệu của NHNN đến tháng 8/2019, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế.
Tín dụng bất động sản tăng gần 15% trong 9 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Dân Trí)

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi đến các đại biểu Quốc hội cho biết đến tháng 8/2019, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế. Ước đến tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4%.

Tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán lũy kế 8 tháng đầu năm tăng 8,7%, chiếm tỉ trọng 0,4%. Trong khi tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%, chiếm 20,69%.

Phân loại tín dụng theo ngành, NHNN cho biết đến tháng 8/2019, tín dụng đối với ngành công nghiệp tăng 6,76% so với cuối năm 2018, chiếm tỉ trọng 19,61%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,4%, chiếm 14,98%; tín dụng đối với ngành xây dựng tăng 7,61%, chiếm 9,66%. Trong khi đó, tín dụng đối với ngành dịch vụ tăng 9,27%, chiếm 61,8%.

Đối với lĩnh vực ưu tiên, đến tháng 8/2019, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 24,26% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%, chiếm 18,67%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,21%, chiếm 3,16%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%, chiếm 2,91%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%, chiếm 0,41%.

Báo cáo với Quốc hội, NHNN cho biết năm 2019 cơ quan này định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lí.

Cụ thể, cơ quan này đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến từng tổ chức tín dụng (TCTD) trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tín dụng lành mạnh. Trong đó, ưu tiên chỉ tiêu cao hơn đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các qui định về tỉ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41 (Basel II) và các TCTD hỗ trợ quĩ tín dụng nhân dân yếu kém…

"Trong quá trình điều hành, NHNN xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một số TCTD nhằm đảm bảo hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân", Báo cáo của NHNN cho hay.

Cùng với đó, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; Tăng cường quản lí rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông; Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và đưa ra lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.

Bên cạnh đó, triển khai nhiều giải pháp căn cơ, cụ thể nhằm mở rộng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Chỉ đạo các TCTD đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo, ngành chăn nuôi lợn, ngành hồ tiêu…

Quốc Thụy

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.