Agribank: Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 9 đạt 5,2%, muốn nhanh được tăng vốn trong năm 2020
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Agribank)
Theo thông tin từ Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sáng nay (11/10), Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết tính đến 30/9/2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 1.290 nghìn tỉ đồng, tăng 7,1% so đầu năm; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.057 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 5,2%.
Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng pháp nhân đạt 311.582 tỉ đồng, chiếm 29,5%, tăng 4,4% so với đầu năm; dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đạt 745.309 tỉ đồng, chiếm 70,5% và tăng 5,5% so với đầu năm.
Riêng khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, dư nợ đạt 211.000 tỉ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 3,4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ khách hàng pháp nhân là 104.000 tỉ đồng, chiếm 49,5% tổng dư nợ của khu vực, tăng 3,4% so với đầu năm; dư nợ khách hàng cá nhân đạt 107.000 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 50,5% tổng dư nợ của khu vực và tăng 2,8% so với đầu năm.
Ngân hàng cho biết trong thời gian qua Agribank đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng trưởng tín dụng trong tầm kiểm soát, đảm bảo chất lượng trong toàn hệ thống.
Cụ thể, ngân hàng triển khai các ưu đãi về lãi suất, phí cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên; chương trình tín dụng xanh để thúc đẩy doanh nghiệp bảo vệ môi trường; chính sách cho vay liên kết, cho vay theo chuỗi.
Khó khăn trong quá trong việc tuân thủ hệ số CAR
Agribank cho biết việc tuân thủ tỉ lệ an toàn vốn (CAR) theo qui định của NHNN dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng các tiêu chí lựa chọn khách hàng để giảm tài sản có hệ số rủi ro cao.
Trong đó, tài sản bảo đảm (TSBĐ) luôn là điều kiện khó có thể đáp ứng được của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đối với các khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại hay khách hàng cá nhân kinh doanh thì TSBĐ hầu hết là tài sản của bên thứ ba (bất động sản của chủ doanh nghiệp hay người thân của khách hàng) nhưng các khoản vay được đảm bảo bằng tài sản này đang được áp dụng hệ số rủi ro 100%.
Điều này ảnh hưởng đến việc tuân thủ hệ số CAR, khiến Agribank gặp khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng.
Kiến nghị sớm được tăng vốn điều lệ thêm 20.200 tỉ đồng
Ngân hàng cũng đưa ra kiến nghị NHNN xem xét trình Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sớm cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank theo phương án bổ sung vốn điều lệ đã trình. Dự kiến từ nay đến năm 2020 xin cấp 20.200 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Trong thời gian chưa được cấp bổ sung vốn điều lệ, cho phép Agribank được áp dụng cơ chế đặc thù nhằm xác định hệ số rủi ro cho các khoản vay không có TSBĐ đối với khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn Agribank thông qua việc ưu tiên cho Agribank làm ngân hàng phục vụ các dự án uỷ thác đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; được nhận vốn nhàn rỗi từ các quĩ của nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, quĩ hỗ trợ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp.