Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPBank dẫn đầu thanh khoản, giao dịch thỏa thuận EIB tăng đột biến
Ảnh minh họa (Nguồn: VPBank)
Vốn hóa ngành ngân hàng vượt 900.000 tỉ đồng
Kết thúc tuần tuần giao dịch vừa qua (14/10 - 18/10), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên các sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM đạt 902.002 tỉ đồng, tăng 2.010 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 11/10), tương ứng với mức tăng 0,2%.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 315.255 tỉ đồng, gấp 2,3 lần ngân hàng đứng thứ là BIDV (137.090 tỉ đồng) và gấp 3,7 lần ngân hàng đứng thứ ba là Techcombank (80.426 tỉ đồng).
Ngược lại, NCB, Kienlongbank và VietBank đang là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất lần lượt ở mức 2.649 tỉ đồng, 3.237 tỉ đồng và 6.746 tỉ đồng.
Vốn hóa các ngân hàng tại ngày 18/10 (Nguồn: QT tổng hợp)
7/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần
Trong tuần qua, chỉ có 7/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá; trong đó, NVB (NCB) là cổ phiếu tăng mạnh nhất (tăng 4,8%). Đứng sau NVB về mức tăng giá lần lượt là TCB (tăng 3,4%), CTG (tăng 2,1%). Ngoài ra, một số cổ phiếu có mức tăng giá trên 1% trong tuần như VPB (tăng 1,4%), TPB (tăng 1,3%) và MBB (tăng 1,1%).
Ở chiều ngược lại, có 7 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần với STB là mã giảm mạnh nhất (giảm 1,8%). Ngoài ra, BID và VIB cũng là hai mã giảm hơn 1% trong tuần qua. 4 cổ phiếu đứng giá trong tuần này gồm VBB, SHB, LPB và KLB.
Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 14/10 - 18/10 (Nguồn: QT tổng hợp)
VPB tiếp tục dẫn đầu thanh khoản
Xét về thanh khoản, trong tuần có tổng cộng hơn 221 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị đạt 4.628 tỉ đồng, tăng 18,8% về khối lượng và tăng 18,7% về giá trị so với tuần trước. Trong đó, VPB là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với hơn 38,5 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng với giá trị hơn 847 tỉ đồng.
Đáng chú ý, đây là tuần thứ hai liên tiếp VPB dẫn đầu thanh khoản nhóm ngành ngân hàng. Trong tuần trước, hơn 41,9 triệu cổ phiếu VPB cũng đã được trao tay giữa các nhà đầu tư.
Thanh khoản VPB tăng mạnh trong những tuần gần đây trong bối cảnh VPBank đang thực mua cổ phiếu quĩ với khối lượng dự kiến mua tối đa là 50 triệu cổ phiếu.
Xếp tiếp sau VPB về thanh khoản lần lượt là MBB với gần 34,6 triệu cp, EIB (21,4 triệu cp), CTG (21,1 triệu cp), STB (19,3 triệu cp), TCB (16,2 triệu cp), SHB (15,5 triệu cp) và ACB (13 triệu cp)…
Trong khi đó, TPB, VBB và KLB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất, lần lượt ở mức 2,4 triệu cp, 190.000 cp và 8.700 cp.
Khối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần 14/10 - 18/10 (Nguồn: PV tổng hợp)
EIB giao dịch thỏa thuận "khủng"
Tuần qua có hơn 165 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 3.509 tỉ đồng, chiếm 75% về khối lượng và 76% về giá trị. Gần 56 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.118 tỉ đồng.
Các mã có lượng giao dịch khớp lệnh lớn trong tuần gồm MBB với hơn 27,9 triệu cp, VPB với 22,3 triệu cp, CTG với gần 20 triệu cp, STB với 19,2 triệu cp, SHB với 13,6 triệu cp, TCB với 13,3 triệu cp và ACB với 11,7 triệu cp.
Mặt khác, trong tuần qua, giao dịch thỏa thuận tại cổ phiếu EIB (Eximbank) diễn ra "sôi động" với hơn 21 triệu cp được trao tay, gấp hơn 7 lần tuần trước đó và chiếm 98% tổng khối lượng giao dịch trong tuần.
Bên cạnh EIB, một số mã cổ phiếu khác cũng có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn như VPB (16,2 triệu cp), MBB (6,6 triệu cp), TCB (2,9 triệu cp) và BAB với (2,2 triệu cp) …
Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)
Khối lượng giao dịch EIB tăng đột biến
Trong tuần qua có 11/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, khối lượng giao dịch EIB tăng mạnh nhất với hơn 21,4 triệu cp được trao tay, gấp hơn 7 lần tuần trước đó. Trong đó, phần lớn cổ phiếu được giao dịch theo phương thức thỏa thuận (chiếm 98%).
Cùng với EIB, LPB cũng là mã có khối lượng giao dịch tăng đột biến trong tuần với hơn 5,5 triệu cp được giao dịch, gấp 2 lần tuần trước. Ngoài ra, MBB, CTG và KLB cũng là ba mã có khổi lượng giao dịch tăng trên 50%.
Ngược lại, có tới 7/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản trong tuần. Trong đó, VBB là mã có khối lượng giao dịch giảm mạnh nhất (gần 55%). Cùng với VBB, STB, TPB và VCB cũng là những mã có thanh khoản giảm hơn 20% trong tuần qua.
Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)
Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
ACB muốn bán ra hơn 35 triệu cổ phiếu quĩ với giá không thấp hơn 23.100 đồng/cp
ACB dự tính bán ra hơn 35,2 triệu cổ phiếu quĩ thông qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trên sàn nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Thời gian giao dịch dự kiến là từ ngày 30/10 đến ngày 29/11.
Ngân hàng cho biết lượng cổ phiếu quĩ trên được chào bán với mức giá tối thiểu theo giá thị trường trung bình trong 20 ngày trước ngày giao dịch và không thấp hơn 23.100 đồng/cp.
MBBank lãi riêng lẻ hơn 5.700 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ MBBank đạt 5.748 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kì 2018.
Tổng tài sản MBBank tính đến hết ngày 30/9 đạt 385.516 tỉ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm 2018, trong đó cho vay khách hàng gần 230.143 tỉ đồng, tăng 11,2%. Tiền gửi khách hàng đạt gần 255.627 tỉ đồng, tăng 6,2%.
Lợi nhuận sau thuế VIB tăng 69% trong 9 tháng đầu năm
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế VIB đạt 2.332 tỉ đồng, tăng 69%. Tổng tài sản ngân hàng tính đến hết ngày 30/9 đạt gần 175.658 tỉ đồng, tăng 26,2% so với cuối năm 2018.
LienVietPostBank lãi sau thuế 1.311 tỉ đồng trong ba quí đầu năm
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế LienVietPostBank đạt 1.311 tỉ đồng, tăng 58,6%.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản LienVietPostBank đạt 193.536 tỉ đồng, tăng 10,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13%, ở mức 134.742 tỉ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt gần 132.997 tỉ đồng, tăng 6,4%.