Lợi nhuận 9 tháng BIDV giảm 3% so với cùng kì, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 5.000 tỉ đồng
Ảnh minh họa (Nguồn: BIDV)
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí III với lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm đạt 5.645 tỉ đồng, giảm 3% so với cùng kì năm 2018.
Trong ba quí đầu năm, nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần chỉ tăng nhẹ 3,1%, đạt 26.398 tỉ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 18,8%, mang về 3.019 tỉ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận khoản lãi 1.077 tỉ đồng, tăng 35%.
Các hoạt động kinh doanh không thường xuyên trong 3 quí vừa qua tạo ra cho BIDV khoản lãi thuần 3.592 tỉ đồng, tăng 25,3%. Trong khi, hoạt động góp vốn và mua cổ phần cũng mang về cho ngân hàng khoản thu nhập 177 tỉ đồng, tăng 24,3%.
Ngược lại, hoạt động chứng khoán đầu tư của ngân hàng ghi nhận mức lỗ 266 tỉ đồng; trong khi cùng kì năm trước lãi 221 tỉ đồng. Đồng thời, hoạt động chứng khoán kinh doanh cũng đi xuống khi chỉ mang về khoản lãi thuần 263 tỉ đồng, giảm 61,5%.
Tổng hợp các mảng kinh doanh, tổng thu nhu nhập hoạt động của BIDV trong 9 tháng đầu năm tăng 4,2%, đạt 34.259 tỉ đồng; trong khi chi phí hoạt động của ngân hàng giảm 4,6%, ở mức 10.729 tỉ đồng. Qua đó giúp lợi nhuận thuần tăng 8,8% lên mức 23.530 tỉ đồng.
Mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng tuy nhiên trong 3 quí vừa qua BIDV đã trích tới hơn 16.500 tỉ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, tăng gần 15% so với cùng kì. Kết quả khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm 3,1% xuống còn 7.028 tỉ đồng. Với mức lợi nhuận này, BIDV mới chỉ thực hiện được 67% kế hoạch lợi nhuận năm nay (10.500 tỉ đồng).
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của BIDV (Nguồn: BCTC)
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 1,425 triệu tỉ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm 2018. Trong đó, cho vay khách hàng đạt gần 1,074 triệu tỉ đồng tăng 8,6%. Tiền gửi khách hàng ở mức gần 1,085 triệu tỉ, tăng 9,6%.
Một số chỉ tiêu tài sản của BIDV (Nguồn: BCTC)
Đến cuối quí III, giá trị các khoản nợ xấu nội bảng của BIDV ở mức 22.437 tỉ đồng, tăng hơn 3.600 tỉ đồng so với cuối năm 2018 (tương đương 19,3%); trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 5.024 tỉ đồng (tương đương 70%). Qua đó kéo tỉ lệ nợ xấu nội bảng trên dư nợ cho vay tăng từ 1,9% lên mức 2,09%.
BIDV không công bố số dư nợ xấu tại VAMC. Theo số liệu của báo cáo tài chính bán niên trước đó, tại thời điểm cuối tháng 6, ngân hàng còn nắm giữ 12.854 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, trong đó đã trích lập dự phòng 7.879 tỉ đồng.
Nguồn: BCTC BIDV