Cổ phiếu ngân hàng giao dịch ảm đạm, bộ đôi VCB và CTG đè nặng lên VN-Index
Trong phiên giao dịch hôm nay (25/3), VN-Index liên tục giằng co và thử thách lại mốc 1.500 điểm nhưng lực cầu khá yếu, cùng với việc thiếu sự hậu thuẫn của nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường chào thua trước ngưỡng tâm lý quan trọng.
Kết phiên cuối tuần, VN-Index xanh nhẹ tại 1.498,5 điểm và vẫn đứng vững trên vùng hỗ trợ MA20 – 50 (1.485 – 1.490 điểm), điều này cho thấy xu hướng tăng vẫn được duy trì và thị trường có thể tìm về vùng đỉnh cũ.
Mặc sức kéo của cổ phiếu thuỷ sản và dệt may, các nhóm cổ phiếu trụ cột giao dịch không mấy tích cực, điển hình là dòng ngân hàng chứng kiến sắc đỏ chiếm tới 2/3 toàn ngành, tuy nhiên biên độ giao dịch trên cả 3 sàn không quá đáng kể.
Bộ đôi ngân hàng quốc doanh là VCB và CTG giảm mạnh nhất toàn ngành với tỷ lệ tương ứng 1,2% và 1,1%, theo đó lấy đi của VN-Index hơn 0,1%.
Nhiều mã cùng ngành khác cũng mất điểm trong phiên như OCB, LPB, MBB, ACB... trong khi SSB, STB, SHB đứng giá tham chiếu. Ngược lại, sắc xanh xuất hiện trên các cổ phiếu EIB (tỷ lệ tăng 1,5%), VPB (1,1%) và BID (0,8%), tuy nhiên đà tăng này đã thu hẹp so với đầu phiên.
Dòng tiền có xu hướng tiếp tục rút khỏi cổ phiếu ngân hàng với giao dịch ảm đạm, đạt 2.863 tỷ đồng. Dẫn đầu thanh khoản là STB chỉ với hơn 11 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Các mã còn lại đều có khối lượng giao dịch dưới 10 triệu đơn vị.
Không nằm ngoài xu hướng, NĐT nước ngoài cũng đảo chiều bán ròng nhẹ nhóm cổ phiếu nhà băng với quy mô hơn 14 tỷ đồng, đáng chú ý nhất là VCB (23 tỷ đồng). Trong khi đó, STB vẫn là khẩu vị ưa thích của khối này khi được gom mua gần 23 tỷ đồng.
Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), tăng trưởng lợi nhuận quý I/2022 sẽ có sự phân hóa lớn giữa các ngân hàng.
Cụ thể, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân chỉ đạt khoảng 9% -11%, phần lớn là do hai ngân hàng VietinBank (chưa tính đến banca) và Vietcombank có lợi nhuận giảm từ nền so sánh cao trong cùng kỳ năm 2021.
Các ngân hàng còn lại có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân khoảng 25 - 27% so với cùng kỳ. Trong đó, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao nhất được kỳ vọng tại SHB, Sacombank, MSB, VPBank và LienVietPostBank.
Ngoài ra, VPBank đã gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA cùng với một khoản phí trả trước bổ sung, giúp ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý I/2022.