|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cổ phiếu một ngân hàng Mỹ lao dốc 38%, nhà đầu tư lo khủng hoảng năm 2023 lặp lại

11:49 | 01/02/2024
Chia sẻ
New York Community Bancorp đã mua lại phần lớn tài sản của Signature Bank trong vụ khủng hoảng ngân hàng khu vực đầu năm ngoái. Sau khi ngân hàng này báo lỗ lớn vào quý IV/2023, giá cổ phiếu ngay lập tức giảm mạnh.

Logo New York Community Bancorp. (Ảnh: Shutterstock). 

Khoản lỗ bất ngờ

Cổ phiếu New York Community Bancorp (NYCB) cắm đầu giảm 38% trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1 sau khi ngân hàng này báo lỗ trong quý IV/2023 và giảm cổ tức để củng cố nguồn vốn.

NYCB báo cáo khoản lỗ 252 triệu USD trong ba tháng cuối năm 2023. Cùng kỳ năm trước, ngân hàng ghi nhận khoản lãi 172 triệu USD. Trước khi ngân hàng công bố báo cáo tài chính, các nhà phân tích đã kỳ vọng NYCB sẽ đạt lợi nhuận khoảng 189 triệu USD.

Lỗ vì các khoản cho vay của NYCB tăng mạnh. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dành thêm hàng triệu USD để dự phòng rủi ro tín dụng. Kết phiên 30/1, NYCB giảm 38% xuống còn 6,47 USD/cp, mức thấp nhất trong lịch sử.

 

CEO Thomas Cangemi cho biết NYCB đang điều chỉnh theo yêu cầu của cơ quan quản lý đối với một ngân hàng lớn sau khi họ mua lại tài sản và nợ của Signature Bank. Singnature Bank là một trong ba nhà băng sụp đổ trong vụ khủng hoảng ngân hàng khu vực Mỹ hồi đầu năm 2023.

Sau khi thương vụ mua lại khép lại, tổng tài sản của NYCB đã vượt quá 100 tỷ USD - cột mốc quan trọng đi kèm với các tiêu chuẩn về vốn và thanh khoản chặt chẽ hơn trước. NYCB cũng mua lại ngân hàng Flagstar Bancorp vào cuối năm 2022.

Nhằm củng cố vốn và thanh khoản, NYCB mạnh tay giảm cổ tức hàng quý từ 0,17 USD/cp xuống còn 0,05 USD/cp. CEO Cangemi nói: “Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để bồi đắp vốn, củng cố bảng cân đối kế toán và tăng cường quy trình quản lý rủi ro”.

Rắc rối vì bất động sản thương mại

Khoản lỗ bất ngờ của NYCB gợi cho một số nhà đầu tư nhớ về khoảng thời gian đầu năm 2023, khi Signature Bank, Silicon Valley Bank và First Republic Bank sụp đổ trong chưa đầy hai tháng.

Tại ba ngân hàng nói trên, quy mô khoản lỗ vì đầu tư trái phiếu và lượng tiền gửi không được bảo hiểm đã khiến khách hàng hoảng sợ và ồ ạt rút tiền.

Giá chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF và chỉ số KBW Nasdaq Regional Banking Index đều sụt khoảng 6% trong phiên 31/1, mạnh hơn mức giảm của chỉ số S&P 500 là 1,6%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sụt xuống mức thấp nhất trong nhiều tuần.

Trong quý IV, tiền gửi tại NYCB giảm 2% so với quý trước đó, chủ yếu vì lượng tiền gửi lưu ký liên quan tới thương vụ mua lại Signature Bank giảm 1,8 tỷ USD.

Ông Casey Haire, nhà phân tích thuộc Jefferies, bình luận: “Mùa xuân năm ngoái, tiền gửi chạy ra khỏi cửa ngân hàng. Còn lần này, NYCB đang chuẩn bị để trở thành ngân hàng có quy mô 100 tỷ USD và phải phòng ngừa rủi ro tín dụng". 

NYCB cho biết rủi ro từ các khoản cho vay bất động sản của ngân hàng này đã tăng lên. NYCB cũng tăng cường dự trữ cho các khoản lỗ tiềm tàng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản thương mại. Nhà phân tích Haire nói tiếp: “Mức độ tổn thất tín dụng của NYCB vẫn là câu hỏi mở”.

Các khoản khoanh nợ ròng (khoản nợ mà chủ nợ không có khả năng thu lại được) của NYCB nhảy vọt từ 1 triệu USD lên 185 triệu USD trong vòng một năm, nguyên nhân chính là hai khoản cho vay bất động sản.

Ông Mark Fitzgibbon, trưởng bộ phận nghiên cứu dịch vụ tài chính tại Piper Sandler, cho biết: “Tôi chưa thấy vấn đề mang tính hệ thống đáng ngại nào trong danh mục khoản vay của NYCB. Có vẻ như NYCB vừa tiến hành thanh lọc trong quý trước”.

Giang