|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu họ FLC đồng loạt kịch trần, có tiền cũng không mua được

17:48 | 29/03/2021
Chia sẻ
Cổ phiếu Tập đoàn FLC và các doanh nghiệp liên quan như KLF, AMD, ROS, ART và HAI tăng kịch biên độ phiên giao dịch 29/3, nhiều người đặt mua giá trần nhưng không khớp.
Cổ phiếu họ FLC đồng loạt kịch trần, có tiền cũng không mua được - Ảnh 1.

Một góc quần thể FLC Quy Nhơn. (Ảnh: Song Ngọc).

Ngày đầu tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khởi sắc khi cả ba chỉ số chính là VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều đóng cửa trong sắc xanh. Sàn HOSE giao dịch suôn sẻ cho tới cuối phiên, không gặp tình trạng tắc nghẽn như những phiên trước. Rổ bluechip VN30 có 29 mã cổ phiếu đi lên và chỉ có một mã giảm là PLX (Petrolimex).

Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường hôm nay lại nằm ở nhóm penny có tính đầu cơ. Cụ thể, 6 mã cổ phiếu của Tập đoàn FLC và các doanh nghiệp liên quan gồm Chứng khoán BOS (Mã: ART), Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS), Nông dược HAI (Mã: HAI), Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (Mã: KLF), Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD) đều đồng loạt tăng kịch trần và trắng bên bán.

Kết phiên, còn 19 triệu cổ phiếu FLC và 6,5 triệu cổ phiếu ROS dư mua giá trần, tức là các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra hơn 250 tỷ đồng để mua với giá cao kịch biên độ nhưng không mua được.

Các mã HAI, AMD, KLF, ART cũng dư mua trần từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đơn vị. Mã cổ phiếu GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC là thành viên duy nhất của "họ FLC" đóng cửa trong sắc đỏ phiên hôm nay.

Tuần trước cổ phiếu FLC vượt mệnh giá 10.000 đồng/cp sau nhiều năm dài chờ đợi.

Cổ phiếu họ FLC đồng loạt kịch trần, có tiền cũng không mua được - Ảnh 2.

Giá cổ phiếu họ FLC tăng kịch trần hàng loạt trong phiên 29/3. (Nguồn: VNDirect).

Cuối tuần trước, Tập đoàn FLC công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 với tổng doanh thu 15.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.100 tỷ; đều tăng mạnh so với mục tiêu vừa công bố ít ngày trước cũng như kết quả thực hiện năm ngoái.

Ngoài ra, ban lãnh đạo FLC cũng đề nghị không trả cổ tức năm 2020 và trả cổ tức tỷ lệ 10% năm 2021. Trước đó, FLC đề xuất không trả cổ tức trong cả hai năm 2020 và 2021.

Ngày 26/3 vừa qua, Bamboo Airways - hãng hàng không do Tập đoàn FLC thành lập và đang sở hữu 39,4% vốn - đã được nhà chức trách Anh cấp slot khai thác 6 chuyến bay mỗi tuần từ sân bay London Heathrow, tạo tiền đề để hãng bay thẳng Việt Nam - Anh.

Năm 2021, Bamboo Airways đặt mục tiêu vận chuyển 20 triệu lượt khách trên 110.000 chuyến bay, chiếm 30% thị phần hàng không nội địa. Hãng còn có kế hoạch niêm yết trong quý III với vốn hóa ban đầu 2,7 tỷ USD.

Ngoài họ FLC, hai mã cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội cũng tăng kịch trần. 

Đây là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của SHB sau chuỗi 4 phiên đỏ lửa. Thanh khoản phiên nay đạt gần 56 triệu đơn vị, phiên trước là xấp xỉ 80 triệu đơn vị. Tổng giá trị giao dịch hai phiên gần đây là gần 2.700 tỷ đồng.

Cổ phiếu họ FLC đồng loạt kịch trần, có tiền cũng không mua được - Ảnh 3.

Một phòng giao dịch của SHB tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Cổ phiếu SSB của SeABank đã kịch trần liên tiếp 4 phiên kể từ khi chào sàn HOSE ngày 24/3 đến nay. Tổng mức tăng đạt gần 47%.

Trước khi lên sàn, cơ cấu cổ đông của SeABank tương đối cô đặc khi chỉ 27 cổ đông tổ chức trong nước đã nắm giữ tới gần 84% vốn điều lệ. Các cá nhân trong nước chỉ nắm hơn 16% vốn. Năm 2020, SeABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.729 tỷ đồng, tăng 24,3% so với năm 2019.

Nhiều mã cổ phiếu ngân hàng khác cũng khởi sắc trong phiên hôm nay như CTG, VPB, MBB đều tăng hơn 2%; ACB, STB, BID cùng tăng hơn 1%.

Song Ngọc