Cổ phiếu dược tăng trần 9 phiên liên tiếp sau tin nhập khẩu vắc xin COVID-19 về Việt Nam
Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan hỗ trợ Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (Mã: VMD) mua vắc xin Sputnik V vào ngày 7/8, cổ phiếu VMD ngay lập tức ghi nhận chuỗi tăng trần 9 phiên liên tiếp trên HOSE.
Theo đó, VMD liên tục tăng kịch biên độ từ phiên 9/8 đến hết phiên 18/8. Sang ngày 19/8, lực tăng có phần "hạ nhiệt" nhưng cổ phiếu này vẫn tiệm cận mức trần, tăng 6,64% lên 45.000 đồng/cp. Thanh khoản trong phiên tăng đột biến lên tới 288.100 đơn vị được giao dịch so với mức trung bình gần 9.000 cp.
Như vậy chỉ sau 10 phiên giao dịch, giá cổ phiếu VMD trên thị trường đã tăng 82,19%, từ 24.700 đồng/cp lên 45.000 đồng/cp, tương ứng mức tăng 20.300 đồng trên mỗi đơn vị. Đây là vùng giá cao nhất kể từ khi Y Dược phẩm Vimedimex được giao dịch lần đầu tại HOSE vào ngày 30/9/2010.
Tháng 6 vừa qua, mã này cũng từng có chuỗi tăng kịch trần 5 phiên liên tiếp, đẩy giá từ 26.000 đồng/cp lên 36.300 đồng/cp. Tuy vậy, với thanh khoản đỉnh điểm cũng chỉ vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên, cổ phiếu VMD không được nhiều nhà đầu tư chú ý.
Liên quan đến hoạt động nhập khẩu vắc xin, Tổng Giám đốc của Y Dược phẩm Vimedimex đã chia sẻ với VOV về việc Công ty Royal Strategics Partners (UAE) đã đồng ý bán và ký hợp đồng nhập khẩu 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Janssen (Johnson & Johnson's Janssen), 5 triệu liều vắc xin Pfizer và 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Sputnik V với Y Dược phẩm Vimedimex.
Hiện các bên đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để Bộ Y tế xem xét cấp phép nhập khẩu. Đơn hàng đầu tiên dự kiến về Việt Nam vào cuối tháng 8/2021.
Trở lại hoạt động kinh doanh của Y Dược phẩm Vimedimex, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 của công ty là 18.168 tỷ đồng, tương đương năm 2019 và đã tăng gấp 3 lần thời điểm niêm yết.
So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành năm 2020, doanh thu của VMD lớn hơn loạt công ty dược phẩm lớn khác như Dược Hậu Giang (Mã: DHG) với 3.756 tỷ đồng, Pymepharco (Mã: PME) với 1.934 tỷ đồng, Traphaco (Mã: TRA) với 1.909 tỷ đồng, Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) 1.369 tỷ đồng...
Mặc dù vậy, đặc thù biên lợi nhuận ròng của công ty phân phối dược phẩm rất thấp. Lợi nhuận sau thuế hàng năm của Y Dược phẩm Vimedimex chỉ quanh 30 tỷ đồng. Năm 2020, công ty báo lãi ròng 37,3 tỷ đồng, con số nửa đầu năm nay đạt 19,2 tỷ đồng.