|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu cảng biển nổi sóng tăng phi mã: Kì vọng đà hồi phục tiếp diễn quí cuối năm?

07:12 | 07/12/2020
Chia sẻ
Thời gian gần đây, hàng loạt cổ phiếu ngành cảng biển dậy sóng, trong đó có mã tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Dù chịu tác động trực tiếp từ đại dịch COVID-19, tình hình kinh doanh toàn ngành đang có tín hiệu khởi sắc từ quí III.

Cổ phiếu cảng biển dậy sóng

Quan sát giai đoạn gần đây, dù tình hình kinh doanh toàn ngành bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 song giá cổ phiếu của hầu hết doanh nghiệp cảng biển lại lội ngược dòng và tăng mạnh so với thời điểm đầu năm.

Đơn cử, giá cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept tăng mạnh trong một tháng trở lại đây. Khép lại phiên giao dịch 4/12, mã này dừng tại 28.800 đồng/cp, tăng gấp đôi so với vùng đáy cuối tháng 3 và 30% so với thời điểm đầu năm.

Thanh khoản của cổ phiếu GMD theo đó cũng tăng đột biến, đặc biệt kể từ đầu tháng 11. Ghi nhận trong phiên 3/12, khối lượng khớp lệnh của mã này đạt tới gần 5 triệu đơn vị, mức cao kỉ lục kể từ khi niêm yết trên sàn HOSE.

Cổ phiếu ngành cảng biển nổi sóng nhờ triển vọng - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu GMD kể từ đầu năm 2020. Nguồn: Tradingview.

Tương tự, một doanh nghiệp đầu ngành khác là CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC) chứng kiến giá cổ phiếu tăng phi mã (tỉ lệ tăng 108%) so với vùng giá 25.000 hồi đầu năm. Thanh khoản của mã này chỉ duy ở mức trung bình khoảng 300.000 đơn vị/phiên, không tăng đột biến như GMD. 

Cổ phiếu ngành cảng biển nổi sóng nhờ triển vọng - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu VSC kể từ đầu năm nay. Nguồn: Tradingview.

Ghi nhận tại các mã khác, cổ phiếu TCL của CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (Tân Cảng Logistic) nhanh chóng leo dốc trở lại sau khi điều chỉnh trong tháng 10. Theo đó, cổ phiếu này ghi nhận mức tăng tới 87% so với thời điểm đầu năm và hiện giao dịch tại 28.000 đồng/cổ phiếu, gần chạm mức đỉnh lịch sử.

Đà tăng cũng được thấy tại các cổ phiếu như SGP của CTCP Cảng sài Gòn, HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An và DXP của CTCP Cảng Đoạn Xá khi với tỉ lệ tăng giá lần lượt là 65%, 57% và 52% so với đầu năm. 

Ngoài ra, các mã VGR của CTCP Cảng Xanh VIP, VGP của CTCP Cảng Rau quả, PHP của CTCP Cảng Hải Phòng, TMS của CTCP Transimex... đang trên đà tăng giá theo "sóng" của ngành. Vậy yếu tố nào đã khiến cổ phiếu ngành cảng biển nổi sóng giai đoạn gần đây.

Vượt khó trong bối cảnh đại dịch, lợi nhuận quí III có sự cải thiện

Về hoạt động kinh doanh, tình hình đại dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp cũng như các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nam Mỹ... chưa thể liên thông như trước đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp ngành cảng biển. 

Một số ông lớn trong ngành báo cáo kết quả kinh doanh sụt giảm. Trong quí III/2020, Gemadept ghi nhận doanh thu thuần đạt 691 tỉ đồng, không biến động nhiều so với cùng kì năm ngoái nhưng lãi ròng giảm 40% xuống còn 121 tỉ đồng. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần và lãi ròng của Gemadept lần lượt đạt 1.901 tỉ đồng và 372 tỉ đồng, tương ứng giảm 5% và 32% so với cùng kì năm 2019.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp "vượt khó" và đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong quí III, điển hình như Transimex với doanh thu thuần tăng 64% lên hơn 961 tỉ đồng. Đáng chú ý, khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết tăng mạnh 68% lên hơn 44 tỉ đồng. Theo đó, doanh nghiệp lãi ròng 82 tỉ đồng trong quí III, tăng 53% so với cùng kì năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Transimex ghi nhận doanh thu thuần tăng 29% lên gần 2.291 tỉ đồng và lãi ròng tăng 38% lên 221 tỉ đồng.

'Say sóng' cổ phiếu cảng biển - Ảnh 3.

Nguồn: LG tổng hợp từ BCTC của Transimex.

Tương tự, Viconship báo lãi sau thuế quí III tăng nhẹ 0,3% lên 78 tỉ đồng. Theo đó, luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 219 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kì và thực hiện 91% kế hoạch lợi nhuận.

'Say sóng' cổ phiếu cảng biển - Ảnh 4.

Nguồn: LG tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp cảng biển.

Mặc dù kết quả kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong ngành trái chiều, hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận tín hiệu khởi sắc từ quí III. Theo thống kê, doanh thu của đa số công ty trong quí III đều cải thiện so với quí II dù đây không phải quí cao điểm của ngành cảng biển.

Transimex là doanh nghiệp dẫn đầu về tỉ lệ tăng trưởng doanh thu (tỉ lệ 22%), kế đến là Gemadept với tỉ lệ tăng 14%. Một số công ty cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng tích cực là Viconship, Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng, Vận tải và Xếp dỡ Hải An...

Triển vọng ngành cảng biển sắp tới

Theo báo cáo đánh giá ngành cảng biển mới nhất của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tình trạng thiếu hụt container rỗng sẽ kìm hãm đà tăng trưởng trong ngắn hạn.

Khan hiếm container rỗng thường xảy ra vào mùa cao điểm cuối năm khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Tuy nhiên, năm nay tình hình trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt đối với các tuyến xuất khẩu sang Mỹ và châu Á do ghi nhận mức thặng dư thương mại tới 20 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm 2020. 

Bên cạnh việc mất cân bằng xuất nhập khẩu, hàng loạt dịch vụ của các hãng tàu bị cắt giảm trong năm nay khiến thời gian luân chuyển container rỗng sang Việt Nam và các nước xuất khẩu khác trong khu vực châu Á bị kéo dài. 

Tuy nhiên, VDSC nhận định Việt Nam vẫn là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà sản xuất đa quốc gia đang di dời khỏi Trung Quốc, củng cố triển vọng dài hạn về sản lượng thông lượng cảng biển.

Còn theo Chứng khoán Ngân hàng BIDV, ngành cảng biển sẽ phục hồi rõ rệt hơn trong quí IV do một số yếu tố. 

Thứ nhất, cảng biển Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi khi sản lượng tàu container cập cảng trên thế giới đang phục hồi tích cực từ tháng 6. Bên cạnh đó, có sự tương quan về khả năng kiểm soát dịch và mức độ hồi phục sản lượng tàu container. Sang quí IV, BSC cho rằng xu hướng phục hồi ngành cảng biển thế giới sẽ tiếp diễn khi dịch bệnh khả quan.

Thứ hai, Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của các ngành hàng chủ chốt vận chuyển bằng đường biển. Số lượng các đơn hàng dệt may truyền thống đã quay trở lại. 

Tuy nhiên, do chưa đáp ứng yêu cầu về xuất xứ vải, nên hoạt động xuất khẩu chưa hưởng lợi lớn nhờ EVFTA. Đối với thủy sản, EVFTA đã giúp tăng đột biến từ mảng tôm. BSC kỳ vọng mức độ hưởng lợi từ EVFTA sẽ lớn hơn, hỗ trợ ngành cảng biển.

Thứ ba, yếu tố chu kỳ từ các đơn hàng xuất khẩu sẽ hỗ trợ ngành cảng biển quí IV. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng cuối năm thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu tăng lên trong dịp Lễ Giáng Sinh, và Tết Dương Lịch. 

Theo Tổng cục thống kê, đã có 79,6% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng và giữ ổn định trong quí IV so với quí III.

Linh Giang

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.