|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Game' thoái vốn lại nóng trở lại, thận trọng với doanh nghiệp kinh doanh vẫn kém sắc

08:52 | 03/12/2020
Chia sẻ
Nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh khi nhà nước có kế hoạch thoái vốn trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, "game" thoái vốn đã đẩy thị giá và thanh khoản của nhiều cổ phiếu tăng mạnh, mặc dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Cổ phiếu tăng mạnh nhờ 'game' thoái vốn

Theo thống kê, trong vài tháng trở lại đây, nhiều mã chứng khoán tăng giá mạnh nhờ hoạt động thoái vốn. Đơn cử như cổ phiếu AFX của CTCP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (Afiex). Chỉ tính riêng tháng 11, giá mã này đã tăng khoảng 64% từ 7.700 đồng/cp lên 12.600 đồng/cp.

Cổ phiếu nổi sóng nhờ game thoái vốn - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu AFX trong vài tháng trở lại đây. Nguồn: Tradingview.

Hỗ trợ cho đà tăng của AFX là thông tin Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thông báo đăng kí bán toàn bộ 17,85 triệu cổ phiếu AFX nắm giữ, tương đương 51% vốn điều lệ nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Đợt đấu giá được thực hiện theo hình thức đấu giá cả lô, giá khởi điểm là 18.900 đồng/cp.

Lô thoái vốn của SCIC tại Afiex đã thu hút được hai nhà đầu tư tham gia gồm ông Hứa Minh Trí và Quỹ Đàu tư Hạ tầng PVI (quản lí bởi Công ty Cổ phần Quản lỹ Quỹ PVI).

Bên cạnh Afiex, SCIC cũng sẽ đưa hơn 44,2 triệu cổ phần, tương đương 36,3% vốn điều lệ của Tổng Công ty Dầu thực vật Việt Nam – CTCP (Vocarimex - Mã: VOC) ra bán đấu giá trọn lô. Với giá bán khởi điểm là 18.540 đồng/cp, nếu thương vụ thành công, SCIC sẽ thu về tối thiểu hơn 819 tỉ đồng.

Đây là lần thứ ba SCIC bán đấu giá cổ phần tại Dầu thực vật Việt Nam. Hai lần thoái vốn trước đó đều bất thành do không có nhà đầu tư nào đăng kí mua. 

Theo ghi nhận, giá cổ phiếu VOC theo đó cũng nổi sóng, dừng tại 20.500 đồng/cp khi chốt phiên 2/12, tương ứng tỉ lệ tăng 5,13% so với phiên liền trước và tăng khoảng 40% trong một tháng trở lại đây. 

Không riêng SCIC, hoạt động thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước những ngày cuối năm trở nên nhộn nhịp hơn khi Bộ xây dựng thông báo thoái vốn tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp - Mã: HAN) và Tổng Công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC). 

Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ bán đấu giá 139 triệu cổ phiếu HAN, tương đương 98,83% vốn điều lệ với giá khởi điểm 19.930 đồng/cp, dự kiến diễn ra vào ngày 16/12. 

Kì vọng về phiên đấu giá thành công đã giúp cổ phiếu HAN bất ngờ tăng dựng đứng và dừng tại 24.000 đồng/cp phiên 2/12, mức giá cao nhất kể từ khi giao dịch trên thị trường UPCoM. Đi cùng với đà tăng giá, thanh khoản của mã này cũng đột biến, đạt mức kỉ lục gần 254.230 đơn vị.

Đối với IDICO, ngày 27/11 vừa qua, Bộ Xây dựng đã đấu giá thành công toàn bộ 108 triệu cổ phiếu IDC (tương đương 36% vốn điều lệ) với giá đấu thành công bình quân là 26.936 đồng/cp, thu về khoảng 2.909 tỉ đồng. Theo ghi nhận, thị giá của cổ phiếu IDC đã tăng gần gấp đôi mạnh kể từ đầu tháng 6, đóng cửa phiên 2/12 tại 32.400 đồng/cp. 

Một cổ phiếu cũng đang bứt tốc là VRG của CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (Vinaruco) nhờ hoạt động thoái vốn của  Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (Mã: GVR) và các đơn vị thành viên. 

Sau khi điều chỉnh nhẹ vào cuối tháng 10, giá cổ phiếu VRG đã lấy lại đà tăng, chốt phiên 2/12 tại 27.100 đồng/cp, cao gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm và gần chạm mức giá đỉnh lịch sử kể từ khi lên UPCoM vào cuối năm 2014.

Cổ phiếu nổi sóng nhờ game thoái vốn - Ảnh 2.

Cổ phiếu VRG bật tăng mạnh từ đầu tháng 10 sau thông tin GVR muốn thoái vốn. Nguồn: Fireant

Một sự kiện cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong tháng qua là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thoái vốn tại ba công ty con gồm Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post – Mã: VTP), Tổng CTCP Công trình Viettel (Mã: CTR) và CTCP Tư vấn thiết kế Viettel (Mã: VTK).

Tuy nhiên, game thoái vốn "họ Viettel" đã giảm sức nóng khi cả ba cổ phiếu này đều đang bước vào giai đoạn điều chỉnh sau khi tăng mạnh trong những tháng trước. 

Nhiều mã tăng nóng, lấn lướt kết quả kinh doanh

Theo ghi nhận, một số doanh nghiệp được nhà nước thoái vốn có kết quả kinh doanh khởi sắc như Vinaruco (VRG), "họ Viettel". Mặc dù vậy, lại có một số trường hợp tăng giá trong ngắn hạn nhưng không gắn liền với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. 

Điển hình, Tổng công ty IDICO có kết quả kinh doanh đi ngang trong những năm gần đây. Hoạt động chính của công ty là kinh doanh điện năng (chiếm hơn 60% doanh thu mỗi năm của doanh nghiệp). Ngoài ra khu công nghiệp cũng là mảng mang lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp này.

Công ty hiện vận hành 5 nhà máy thủy điện tại tỉnh Quảng Nam và tỉnh Bình Phước và đang cho thuê đất tại 11 dự án khu công nghiệp.

Trong giai đoạn 2015 – 2019, doanh thu IDICO tăng trưởng 7% từ 4.610 tỉ đồng lên 4.931 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh gấp 1,8 lần từ 270 tỉ đồng lên 477 tỉ đồng.

Cổ phiếu nổi sóng nhờ game thoái vốn - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, kết quả kinh doanh của IDICO lại không mấy khởi sắc với doanh thu thuần 3.357 tỉ đồng, giảm 5,5% so với 9 tháng năm ngoài. Trong đó, doanh thu kinh doanh điện đạt 2.073 tỉ đồng, giảm 8% so với cùng kì. Ngược lại, doanh thu từ dịch vụ khu công nghiệp tăng 6% lên 492 tỉ đồng.

Lợi nhuận sau thuế IDICO giảm mạnh 28% còn 307 tỉ đồng chủ yếu do doanh thu tài chính trong kì giảm còn một nửa so với cùng kì năm ngoái trong khi chi phí lãi vay tăng 24%.

Có cùng hoạt động khu công nghiệp, kết quả kinh doanh của Vinaruco (VRG) lại cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt trong những năm gần đây. Theo đó, doanh thu Vinaruco năm 2019 gấp 6,4 lần con số năm 2015; doanh nghiệp cũng báo lãi 27,6 tỉ đồng thay vì lỗ 1,5 tỉ đồng như năm 2015.

Kế hoạch kinh doanh trong năm 2020 của công ty cũng đạt mức tăng trưởng 42% cho chỉ tiêu doanh thu và 16% cho chỉ tiêu lợi nhuận.

Cổ phiếu nổi sóng nhờ game thoái vốn - Ảnh 4.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Trong nhóm cổ phiếu "dậy sóng" nhờ game thoái vốn, các mã họ Viettel thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các thương vụ thoái vốn, IPO lớn. Nhóm doanh nghiệp này cũng cho thấy tình hình kinh doanh khá tích cực trước thời điểm Tập đoàn Viettel thoái vốn.

Cập nhật ba quí đầu năm, Viettel Post (VTP) đạt 11.687 tỉ đồng doanh thu, tăng 130% so với cùng kì; lãi sau thuế đạt 307 tỉ đồng, tăng 15%. Viettel Post tham vọng mở rộng qui mô doanh thu lên 25.000 tỉ đồng và lợi nhuận 1.500 tỉ đồng vào năm 2025. 

Phía Công trình Viettel (CTR), doanh thu 4.235 tỉ đồng, lãi sau thuế 125 tỉ đồng; tăng lần lượt 15% và 35% so với 9 tháng năm 2019. Đến năm 2025, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu từ 10.000 - 11.400 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế từ 300 - 500 tỉ đồng.

Bên cạnh những doanh nghiệp "ăn nên làm ra" trước thềm thoái vốn, một số doanh nghiệp cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh xuống dốc từng năm.

Trường hợp Afiex, doanh thu công ty liên tục lao dốc trong giai đoạn 2015 – 2019, từ 1.427 tỉ đồng giảm về 785 tỉ đồng, lợi nhuận các năm hầu hết ở mức thấp, chỉ duy nhất năm 2017 ghi nhận tăng trưởng đột biến nhờ lãi thanh lí tài sản cố định.

Cổ phiếu nổi sóng nhờ game thoái vốn - Ảnh 5.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Năm 2020, Afiex đặt mục tiêu doanh thu 925 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 10 tỉ đồng. Tỉ lệ thực hiện kế hoạch kinh doanh sau 9 tháng lần lượt ở mức 65% cho doanh thu và 80% cho lợi nhuận.

Tương tự với Vocarimex, giai đoạn 5 năm gần đây, doanh thu công ty sụt giảm 50% từ 5.041 tỉ đồng vào năm 2015 còn 2.549 tỉ đồng năm 2019, lãi sau thuế cũng mất 22% xuống 243 tỉ đồng.

Cổ phiếu nổi sóng nhờ game thoái vốn - Ảnh 6.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Năm 2020, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 2.910 tỉ đồng, tăng 14% so với thực hiện năm 2019. Tuy nhiên chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng trưởng không đáng kể (0,4%) so với kết quả năm 2019, ước đạt 243 tỉ đồng.

Theo chia sẻ của một số nhà đầu tư lâu năm trên thị trường, dòng tiền đầu cơ tìm đến một số cổ phiếu có câu chuyện riêng, điển hình như thoái vốn nhà nước. Dòng tiền ngắn hạn đẩy giá cổ phiếu tăng nóng nhưng có thể điều chỉnh mạnh sau đó. Do đó, những nhà đầu tư khi tham gia giao dịch nên thận trọng với những cổ phiếu này.

Linh Giang - Thu Thuỷ

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.