|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Sau Quốc Tuấn - An Bình, Hải Dương sẽ phát triển những KCN nào?

06:34 | 25/02/2021
Chia sẻ
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 12 KCN đã được thành lập với tổng diện tích hơn 2.000 ha và 8 KCN nằm trong quy hoạch chưa được triển khai.
ff - Ảnh 1.

KCN Đại An tại TP Hải Dương. (Ảnh: Báo Công thương).

Nội lực phát triển KCN của Hải Dương

Năm 2021, thị trường bất động sản khu công nghiệp (KCN) được dự báo sẽ đón nhận nguồn cầu lớn khi nhiều nhà sản xuất đang tìm cách đầu tư vào các KCN tại Việt Nam, nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia.

Trong khi đó, báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường như CBRE Việt Nam hay Colliers International Việt Nam đều chỉ ra, nguồn cung đất KCN tại thị trường phía Bắc ngày càng hạn hẹp, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội.

Là một trong 5 tỉnh, thành phố công nghiệp chính của phía Bắc, Hải Dương nổi lên là một trong những địa phương vẫn còn nội lực để phát triển các KCN. Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao của JLL Việt Nam từng đưa ra nhận định, Hải Dương sẽ được tập trung phát triển các KCN để phục vụ ngược lại cho Hà Nội và Hải Phòng trong tương lai gần.

Tại báo cáo thuyết trình với nhà đầu tư do CTCP Vinhomes (Mã: VHM) vừa công bố mới đây, doanh nghiệp dẫn thống kê về tỷ lệ tăng trưởng hoạt động KCN tại một số địa phương.

Trong đó, Hải Dương dẫn đầu về tăng trưởng giá thuê ở khu vực miền Bắc với 15,2%, so với cả nước địa phương này chỉ đứng sau Bà Rịa - Vũng Tàu (18,2%). Công suất thuê tăng trưởng theo năm của Hải Dương đạt 7,9%, đứng sau Bà Rịa - Vũng Tàu (12,9%) và Bắc Ninh (11,8%).

Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam cho biết, trong quý IV/2020, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các KCN của Hải Dương đạt 89,7%; giá thuê trung bình tăng 20 - 30% so với cùng kỳ 2019.

Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương có 12 KCN đã được thành lập với tổng diện tích hơn 2.000 ha, gấp 4 lần về số lượng KCN và gấp hơn 6 lần về diện tích đất so với thời điểm năm 2003. Ngoài ra, tỉnh còn có 8 KCN nằm trong quy hoạch chưa được triển khai.

Hải Dương sẽ mở rộng hoạt động công nghiệp về phía Đông Nam

Sau Quốc Tuấn - An Bình, Hải Dương sẽ phát triển những KCN nào? - Ảnh 2.

Các KCN ở tỉnh Hải Dương. (Đồ họa: Đức Bùi).

Trong số các KCN đang hoạt động, huyện Cẩm Giàng là địa phương có nhiều KCN nhất với 6 dự án, bao gồm KCN Phúc Điền (83 ha); KCN Tân Trường (199 ha); KCN Đại An mở rộng (416 ha); KCN Lai Cách (135 ha); KCN Cẩm Điền - Lương Điền (149 ha) và KCN Tân Trường mở rộng (113 ha). 

Ngoài ra, huyện Cẩm Giàng còn có một dự án đã được duyệt quy hoạch, chưa được thành lập là KCN Lương Điền - Ngọc Liên (150 ha).

Khu vực có nhiều KCN tiếp theo là TP Hải Dương với ba dự án, bao gồm KCN Nam Sách (62 ha); KCN Đại An (136 ha) và KCN Kỹ thuật cao An Phát (46 ha).

Huyện Kim Thành có hai dự án đang hoạt động là KCN Lai Vu (213 ha) và KCN Phú Thái (57 ha). Ngoài ra, KCN Kim Thành (165 ha) hiện đã được duyệt quy hoạch, đang xin Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư.

Tại thị xã Chí Linh, hiện có một dự án đang hoạt động là KCN Cộng Hòa, quy mô hơn 201 ha, do CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (Vinaruco, Mã: VRG) làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, theo quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Hải Dương đến 2020, tỉnh sẽ mở rộng hoạt động KCN (chủ yếu về phía Nam và Đông Nam) với một số dự án như KCN Phúc Điền mở rộng (huyện Bình Giang, 215 ha); KCN Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc, 250 ha); KCN Gia Lộc (huyện Gia Lộc, 198 ha); KCN Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ, 200 ha); KCN Quốc Tuấn - An Bình (huyện Nam Sách, 180 ha).

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa duyệt chủ trương đầu tư KCN Quốc Tuấn - An Bình với tổng mức đầu tư 1.947 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là hơn 294 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là CTCP Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1.

Đồng thời, Thủ tướng đưa KCN Thanh Hà (huyện Thanh Hà, 150 ha) ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương; bổ sung vào quy hoạch KCN Bình Giang (huyện Bình Giang, 150 ha).

Nhìn sang một số tỉnh lân cận như Quảng Ninh hiện có 10 KCN đang hoạt động; Hà Nội (15 KCN); Vĩnh Phúc (9 KCN); Bắc Ninh (15 KCN); Phú Thọ (7 KCN); Hà Nam (8 KCN);... có thể thấy, hoạt động công nghiệp tại Hải Dương đang được đẩy mạnh so với mặt bằng chung.

Sáng 24/2, Hải Dương có thêm hai ca mắc COVID-19 là F1 liên quan đến ổ dịch tại Công ty TNHH điện tử Poyun thuộc Khu công nghiệp (KCN) Cộng Hòa. Đây là một trong hai điểm dịch lớn của Hải Dương hiện nay.

Tại KCN Phúc Điền, Công Ty TNHH Kuroda Kagaku Việt Nam cũng đã ghi nhận 27 trường hợp dương tính.

Một số chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng dịch tại Hải Dương trở nên khó khăn là do dịch xảy ra ở môi trường KCN nên lây nhiễm cao, kéo theo mối liên quan dịch tễ lớn với cộng đồng dân cư ở nhiều huyện khác nhau.

Hoàng Huy