|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu bảo hiểm bùng nổ, sẽ có sóng trong những tháng tới?

19:19 | 19/10/2021
Chia sẻ
Không có vốn hóa lớn như các cổ phiếu tài chính khác, cổ phiếu bảo hiểm vẫn gây ấn tượng khi bùng nổ về giá trong thời gian gần đây.
Cổ phiếu bảo hiểm bùng nổ, sẽ có sóng trong những tháng tới? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Lê Huy).

Phiên giao dịch 19/10, hàng loạt mã cổ phiếu ngân hàng chứng kiến sự bùng nổ cả về giá lẫn thanh khoản.

Trong đó, cổ phiếu PVI tăng mạnh nhất toàn ngành (+7,5%), kết phiên tại mức giá 50.000 đồng/cp, chỉ kém 1% so với mức đỉnh hồi giữa tháng 9. 

Đồng thời, phiên hôm nay cũng ghi nhận khối lượng giao dịch cao nhất trong hơn 3 năm trở lại của cổ phiếu này với hơn 2,3 triệu đơn vị được trao tay giữa các nhà đầu tư. Giá trị giao dịch tương đương đạt hơn 113 tỷ đồng.

Kể từ khi PVI được niêm yết từ năm 2007 tới nay, sau nhiều giai đoạn trồi sụt, đây cũng là lần đầu tiên giá cổ phiếu này trở lại vùng giá 45.000 - 50.000 đồng/cp.

Cổ phiếu bảo hiểm bùng nổ, sẽ có sóng trong những tháng tới? - Ảnh 2.

Cả giá và thanh khoản của cổ phiếu PVI tăng vọt trong phiên 19/10. (Ảnh: TradingView).

Trong khi đó, cổ phiếu MIG của Bảo hiểm Quân đội là mã duy nhất tăng kịch trần trong phiên hôm nay, tiếp tục lập đỉnh mới tại mức 28.200 đồng/cp. Thanh khoản của cổ phiếu này cũng tăng mạnh lên 2,2 triệu đơn vị, gấp 3 - 4 lần trung bình vài tuần trước đó. Với mức tăng 6,2%, cổ phiếu ABI của Bảo hiểm Agribank cũng xác lập mức giá cao kỷ lục tại 68.900 đồng/cp. 

Hay cổ phiếu BIC của Bảo hiểm BIDV cũng có thời điểm lộ trần lại mức 30.850 đồng/cp; tuy nhiên, đà bán tăng lên trong phiên chiều khiến giá kết phiên giảm còn 30.500 đồng/cp (tăng 5,7%).

Là mã bảo hiểm duy nhất trong VN30, BVH tuy vẫn chưa quay về được vùng giá 70.000 đồng/cp như hồi đầu năm cũng như còn cách xa vùng đỉnh lịch sử 105.000 đồng/cp hồi năm 2015, song, kể từ tháng 7 tới nay, cổ phiếu này đã có sự hồi phục rõ rệt. Kết phiên hôm nay, giá cổ phiếu BVH tăng 3% lên 61.400 đồng/cp, cao hơn 28% so với phiên 19/7.

Cổ phiếu bảo hiểm bùng nổ, sẽ có sóng trong những tháng tới? - Ảnh 3.

BVH, cổ phiếu bảo hiểm duy nhất góp mặt trong VN30, có sự hồi phục từ giữa tháng 7 tới nay. (Ảnh: TradingView).

Tính trong 3 tháng trở lại, nhóm cổ phiếu bảo hiểm đang cho thấy hiệu suất sinh lời ấn tượng không thua gì các ngành khác như thép, phân bón... với mức tăng trưởng tích cực ít nhất là 26%.

Cổ phiếu bảo hiểm bùng nổ, sẽ có sóng trong những tháng tới? - Ảnh 4.

(Ảnh: TradingView).

Triển vọng cổ phiếu bảo hiểm

Khi các nhóm cổ phiếu tài chính khác như ngân hàng và chứng khoán dần bão hòa và bước sang giai đoạn phân hóa, các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ nhóm ngành mới vẫn còn nhiều dư địa tăng giá.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 13%. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%.

Theo nhận định của giới phân tích, trong những tháng cuối năm, ngành bảo hiểm vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Một mặt, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá lãi suất tiền gửi thấp ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Trung bình hơn 60% lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm đến từ lợi nhuận hoạt động tài chính, trong đó chủ yếu là doanh thu tiền gửi (hơn 80% danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng).

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, mặt bằng lãi suất được dự báo vẫn sẽ duy trì ổn định ở mức thấp. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Cổ phiếu bảo hiểm bùng nổ, sẽ có sóng trong những tháng tới? - Ảnh 5.

Mặt khác, thu nhập người dân giảm sút là thách thức lớn cho hoạt động khai thác bảo hiểm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính riêng trong quý I/2021, số người bị giảm thu nhập lên tới 6,5 triệu người (xấp xỉ 1/3 tổng số người bị ảnh hưởng trong cả năm 2020).

Thống kê này đã cho thấy túi tiền của khách hàng thực sự trở nên eo hẹp hơn rất nhiều so với năm trước, dẫn đến nhu cầu cho các sản phẩm bảo hiểm cá nhân tạm thời giảm sút trong giai đoạn này.

Chưa kể cạnh tranh trong ngành gia tăng. Các doanh nghiệp ngành bảo hiểm cũng đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Trong những năm trở lại đây, các doanh nghiệp trong top đầu đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thị phần liên tục bị chia sẻ cho các doanh nghiệp nhỏ hơn trong ngành.

Cổ phiếu bảo hiểm bùng nổ, sẽ có sóng trong những tháng tới? - Ảnh 6.

Thị phần của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. (Ảnh: Báo cáo BSC).

Dù vậy, về mặt tích cực, BVSC cho rằng nghiệp vụ bán buôn dẫn dắt tăng trưởng doanh thu phí phi nhân thọ 6 tháng cuối năm. Cùng với đó, bancassurance và kênh kỹ thuật số sẽ là kênh phân phối quan trọng của các doanh nghiệp trong tương lai.

Nhóm phân tích cũng dự báo tỷ lệ bồi thường thấp sẽ giúp bù đắp cho lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong nửa đầu năm 2021, tỷ lệ bồi thường toàn ngành chỉ là 32,7%, thấp hơn mức 33,5% cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. 

BVSC cho rằng việc giãn cách xã hội trong quý III ở một số tỉnh thành khiến tỷ lệ bồi thường có thể còn thấp hơn trong nửa cuối năm. Do đó, ước tính tỷ lệ bồi thường cả năm 2021 có thể giảm xuống 32%, tác động tích cực đến những doanh nghiệp có tỷ trọng sản phẩm bảo hiểm cá nhân lớn.

Cùng với đó, dưới góc nhìn của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp sẽ phục hồi từ quý IV khi tỷ lệ tiêm chủng cao hơn cho phép mở cửa dần các hoạt động kinh tế.

Cuối cùng, trong thời gian tới, việc nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài có thể tạo động lực tăng giá cho cổ phiếu bảo hiểm ngắn hạn. Một số các doanh nghiệp có kế hoạch thoái một phần vốn như Bảo hiểm Bảo Minh, PTI, Bảo Việt và Bảo hiểm Quân đội.

Về dài hạn, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các thay đổi trong Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ năm 2023 cho thấy một sự cởi mở trong tư duy quản lý đồng thời đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ đó mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các chủ thể tham gia thị trường.

Lê Huy