|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bảo Việt, Prudential, Dai-ichi,... đang mất dần thị phần vào tay Manulife trong mảng nhân thọ

21:47 | 08/09/2021
Chia sẻ
Doanh thu bảo hiểm trong 5 tháng đầu năm đã có sự phục hồi mạnh, cùng với đó là sự phân bổ lại thị phần giữa các "ông lớn" trong ngành. Bảo Việt, Dai-ichi, Prudential,... đang mất dần thị phần vào tay Manulife.

Dẫn số liệu từ Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (ISA), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng doanh thu bảo hiểm trong 5 tháng đầu năm 2021 đã có sự phục hồi mạnh. Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 82.727 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, đổi với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tổng phí bảo hiểm gốc là 58.031 tỷ đồng tăng 33,4%, dựa trên nền thấp cùng kỳ. Doanh thu phí mới đạt 20.528 tỷ đồng, tăng 58,2%.

Về thị phần, Manulife đã vươn lên dẫn đầu với 23% thị phần trong 5 tháng đầu năm 2021 (tăng từ 20% trong năm 2020).

Thị phần của Bảo Việt Nhân thọ sụt giảm dần qua các năm từ dẫn đầu thị phần với 21% năm 2017 giảm xuống 15% năm 2020 và xuống 13% trong 5 tháng đầu năm 2021.

Dai-ichi cũng chiếm khoảng 13% thị phần, tương đương với Bảo Việt và Prudential nối tiếp áu với 12% thị phần, AIA chiếm 8% thị phần trong 5 tháng đầu năm.

Nổi bật, các sản phẩm liên kết đầu tư tiếp tục thống trị doanh thu phí mới khi đạt mức tăng trưởng 77,7% do các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh sản phẩm này trong điều kiện lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2021. Trong khi đó, bảo hiểm hỗn hợp giảm mạnh 43,8% như một biện pháp để giảm gánh nặng dự phòng.

Theo VDSC, giãn cách xã hội “lỏng” hơn sau đợt bùng phát đầu tiên (tháng 3, 4/2020) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bán bảo hiểm. Cùng với đó, cạnh tranh khốc liệt tiếp tục thu hẹp và định hình lại thị phần giữa 5 công ty bảo hiểm hàng đầu trong khi tạo nhiều cơ hội hơn cho những công ty nhỏ.

VDSC: Doanh thu bán bảo hiểm nhiều khả năng chậm lại trong quý III, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe sẽ là động lực tăng trưởng thời gian tới - Ảnh 1.

Còn với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, phí gốc bảo hiểm trong 5 tháng đầu năm đạt 24.696 tỷ đồng, tăng 11,5%.

Trong đó, tăng trưởng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe hạ nhiệt xuống 8,4% từ mức tăng 19,5% của cùng kỳ năm ngoái do từ cuối tháng 3/2020, Bộ Tài chính yêu cầu các công ty bảo hiểm ngừng bán bảo hiểm chăm sóc sức khỏe liên quan đến COVID-19. 

Bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm tài sản và thiệt hại tăng trưởng ổn định lần lượt 4,8% và 8,4%. Bảo hiểm cháy nổ tăng 16,2% trên nền thấp cùng kỳ (tăng 10,5%). Bảo hiểm vận tải hàng hóa tăng mạnh 22,6% (cùng kỳ giảm 15,3%) nhờ xuất nhập khẩu hàng hóa phục hồi tốt trong nửa đầu năm.

Trái ngược với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, top 5 công ty đầu ngành bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục mất thị phần vào tay các công ty nhỏ hơn.

VDSC: Doanh thu bán bảo hiểm nhiều khả năng chậm lại trong quý III, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe sẽ là động lực tăng trưởng thời gian tới - Ảnh 2.

Doanh thu bán bảo hiểm nhiều khả năng sẽ chậm lại trong quý III trước khi phục hồi từ quý IV nhờ tiêm chủng diện rộng

Theo VDSC, các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt có thể dẫn đến sự suy yếu trong các động lực tăng trưởng doanh thu bảo hiểm (cả nhân thọ và phi nhân thọ) trong quý III này khi nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh trên quy mô lớn.

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động với công suất thấp, giá đầu vào cao và chi tiêu cho phòng chống lây nhiễm đang làm giảm lợi nhuận và do đó, thu nhập của người lao động giảm, dẫn đến việc cắt giảm các nhu cầu không thiết yếu, bao gồm bảo hiểm.

Ngoài ra, các chương trình đầu tư công của chính phủ bị chậm lại. Sự phục hồi sẽ bắt đầu từ quý IV khi tỷ lệ tiêm chủng cao hơn cho phép mở cửa dần các hoạt động kinh tế, theo các chuyên gia của VDSC.

Về cơ cấu sản phẩm, môi trường lãi suất thấp có khả năng kéo dài sau khi đại dịch được kiềm chế để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, nhóm phân tích cho rằng bảo hiểm liên kết đầu tư sẽ vẫn dẫn dắt tăng trưởng phí bảo hiểm mới của bảo hiểm nhân thọ. 

Trong khi đó, bảo hiểm con người mà chủ yếu là bảo hiểm chăm sóc sức khỏe là động lực tăng trưởng chính của bảo hiểm phi nhân thọ, được thúc đẩy bởi nhận thức cải thiện của người dân về các rủi ro sức khỏe bất ngờ và nghiêm trọng như dịch COVID-19.

Về dài hạn, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các thay đổi trong Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ năm 2023 cho thấy một sự cởi mở trong tư duy quản lý đồng thời đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ đó mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các chủ thể tham gia thị trường. 

Các thay đổi trọng yếu có thể tạo ra những thay đổi lớn, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, bao gồm hình thành cơ sở dữ liệu chung, mở rộng các định nghĩa về người được bảo hiểm, quyền lợi có thể được bảo hiểm,... 

Lê Huy