|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Manulife tăng nhanh về thị phần trong 5 năm qua, Baoviet Life và Prudential mất dần vị thế

09:16 | 26/09/2021
Chia sẻ
Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, Baoviet Life và Prudential đang mất dần thị phần vào Manulife và một số cái tên mới khác. Trong khi đó, PVI đã vượt Bảo hiểm Bảo Việt, quay lại dẫn đầu về thị phần trên thị trường phi nhân thọ.

Các công ty bảo hiểm nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị trường bảo hiểm nhân thọ

Trong báo cáo cập nhật về ngành bảo hiểm mới công bố, Công ty Chứng khoán BSC cho biết trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 66.818 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo cũng chỉ ra cuộc chiến giành thị phần giữa các công ty bảo hiểm nhân thọ đã diễn ra gay gắt trong 5 năm trở lại. Theo đó, các công ty bảo hiểm nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Cụ thể, Bảo Việt Nhân Thọ (Baoviet Life) tuy vẫn đứng đầu về thị phần trong 6 tháng đầu năm nay với mức 20,8%; song, công ty con của Tập đoàn Bảo Việt này đã mất 6% thị phần trong 5 năm qua. Cùng trong khoảng thời gian này, Prudential đã mất tới 10,7% thị phần, hiện chỉ còn 16%.

Trong khi đó, thị phần của Manulife đã tăng thêm 6,9% trong 5 năm qua lên mức 19%, cao thứ hai thị trường. Tính riêng từ đầu năm tới nay, thị phần của công ty này đã tăng thêm 3,5%.

Manulife tăng nhanh về thị phần trong 5 năm qua, Baoviet Life và Prudential mất dần vị thế - Ảnh 1.

Thị phần của các công ty bảo hiểm nhân thọ. (Ảnh: Báo cáo BSC).

Mặc dù gia nhập sau, nhưng FWD, MB Ageas cũng có tốc độ tăng trưởng tích cực trong 5 năm qua.

Bên cạnh đó, BSC cũng chỉ ra rằng kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong 5 năm qua, tỷ lệ thâm nhập của kênh bancassurance đã tăng khoảng 5 lần lên mức 28,8% tính đến nửa đầu năm nay.

PVI quay trở lại dẫn đầu thị phần bảo hiểm phi nhân thọ

Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu phí của ngành bảo hiểm phi nhân thọ tăng đạt 29.981 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Tương tự, cuộc chiến thị phần giữa các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng diễn ra "sôi động".

Cụ thể, Bảo hiểm PVI sau 5 năm đã lấy lại vị trí đứng đầu về thị phần của Bảo hiểm Bảo Việt. Trong khi Bảo hiểm Bảo Minh và PJICO có xu hướng giảm dần về thị phần trong 5 năm trở lại, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) từ năm 2018 đã bứt lên, xếp thứ ba toàn ngành. Trong nửa đầu năm nay, thị phần của Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng đã vượt qua PJICO.

Song, 60% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chủ yếu trong tay 6 doanh nghiệp hàng đầu.

Manulife tăng nhanh về thị phần trong 5 năm qua, Baoviet Life và Prudential mất dần vị thế - Ảnh 2.

Thị phần của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. (Ảnh: Báo cáo BSC).

Xét về cơ cấu nguồn thu, bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của bảo hiểm phi nhân thọ. Mặt khác, doanh thu phí từ sản phẩm bảo hiểm sức khỏe có xu hướng tăng mạnh qua các năm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ bồi thường có xu hướng giảm thời gian gần đây. Trong đó, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe có tỷ lệ bồi thường thấp hơn đáng kể so với các sản phẩm bảo hiểm xe.

Các chuyên gia của BSC cũng cho hay thị trường chứng khoán sôi động giúp hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong khi lãi suất thấp làm giảm thu nhập tài chính của các công ty bảo hiểm tập trung vào tiền gửi.

Cơ cấu đầu tư của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng có nhiều điểm khác nhau. Như ABI tập trung toàn bộ vào tiền gửi, còn BIC tập trung vào trái phiếu. Trong khi MIC đa dạng hóa thông qua ủy thác đầu tư tại MB Capital, PVI có xu hướng tăng dần tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu.

Manulife tăng nhanh về thị phần trong 5 năm qua, Baoviet Life và Prudential mất dần vị thế - Ảnh 3.

Đánh giá chung, BSC cho rằng hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều đặt mục tiêu tăng trưởng âm hoặc thấp trong năm 2021 do môi trường lãi suất thấp. Trong thời gian tới, việc nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp các công ty bảo hiểm được định giá lại. Hai doanh nghiệp có tiềm năng thoái vốn bao gồm Bảo hiểm Bảo Minh mà MIC.

Lê Huy