PVI gửi 10.500 tỷ vào ngân hàng, rót hơn 3.500 tỷ vào trái phiếu
CTCP PVI (PVI Holdings - Mã: PVI) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 198 tỷ đồng, giảm 42,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế ở mức 981 tỷ đồng, giảm 5,6% so với cùng kỳ.
Với công ty mẹ, lợi nhuận trước thuế ở mức 160 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận PVI tăng 24,4% so với cùng kỳ, đạt 525,5 tỷ đồng.
Năm 2024, PVI đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.080 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ là 765 tỷ đồng. Như vậy, qua 9 tháng, công ty đã thực hiện được gần 91% kế hoạch hợp nhất và 68,7% kế hoạch riêng lẻ.
Trong quý III, doanh thu phí bảo hiểm gốc hợp nhất của PVI đạt 3.559 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu nhập tái bảo hiểm là 847 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ. Đồng thời, công ty cũng bỏ ra 2.720 tỷ đồng để nhượng tái bảo hiểm, tăng 54,6%.
Doanh thu thuần từ bán hàng và dịch vụ (chủ yếu từ bảo hiểm, tái bảo hiểm và một số nguồn thu khác) của PVI tăng 9%, đạt 1.931 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp (phần lớn là chi bồi thường bảo hiểm gốc, tái bảo hiểm và dự phòng ...) cũng vọt tăng thêm 19,3% lên 1.785 tỷ đồng, kéo theo lãi gộp từ bán hàng và dịch vụ giảm 47%, xuống 146 tỷ đồng.
Trong quý III, PVI đã phải tăng dự phòng bồi thường tăng 127% so với cùng kỳ, lên 342 tỷ đồng. PVI đang sở hữu hai doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm là Bảo hiểm PVI (100% vốn) và Tái Bảo hiểm Hà Nội (HanoiRe - 81% vốn).
Trong đó, riêng Bảo hiểm PVI ghi nhận mức tổn thất khoảng hơn 3.500 tỷ đồng từ bão Yagi, do tham gia bảo hiểm cho nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhiều dự án lớn. Tính đến ngày 11/10, Bảo hiểm PVI đã tạm ứng chi trả cho khách hàng với số tiền là 75 tỷ đồng.
Ngoài ra, lợi nhuận của HanoiRe cũng giảm khoảng một nửa so với cùng kỳ do khoảng lỗ gộp 4 tỷ đồng của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Trong khi đó, mảng kinh doanh tài chính của PVI ghi nhận lợi nhuận đi ngang so với cùng kỳ, mang về lãi gộp 235 tỷ đồng. Trong tài liệu ĐHĐCĐ 2024, PVI từng dự báo lãi suất tiền gửi sẽ dao động từ 4,5 đến 5,3%/năm và đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn kết quả năm 2023 một phần từ yếu tố này.
Phần lớn doanh thu hoạt động tài chính của PVI đến từ lãi tiền gửi tiền cho vay. Ngoài ra trong quý III, lãi từ chênh lệch tỷ giá của công ty ở mức 57 tỷ đồng, gấp hơn ba lần cùng kỳ.
Hoạt động khác đóng góp không đáng kể vào kết quả kinh doanh của PVI. Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng 8,6%, phần lớn do chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí nhân viên cao hơn.
Tăng đầu tư chứng khoán, tiền gửi ngắn hạn
Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của PVI đạt 33.547 tỷ đồng, tăng 24,5% so với đầu năm. Trong đó, trị giá các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 8.501 tỷ đồng, tăng 7,9% so với với đầu năm còn đầu tư tài chính dài hạn là 6.649 tỷ đồng, tăng tới hơn 58% so với đầu năm. So với giai đoạn cuối quý II, quy mô đầu tư ngắn hạn đã giảm đi, trong khi đầu tư dài hạn cao gấp đôi.
Đến cuối tháng 9, PVI gửi gần 10.500 tỷ đồng vào ngân hàng, tăng 23,5% so với đầu năm, trong đó 7.091 tỷ đồng là tiền gửi ngắn hạn và 3.376 tỷ đồng tiền gửi dài hạn.Đồng thời, PVI đầu tư khoảng 900 tỷ đồng vào chứng chỉ tiền gửi.
Công ty còn nắm giữ tổng cộng hơn 3.500 tỷ đồng trái phiếu, cao gấp ba lần đầu năm, 85% trong số đó là trái phiếu dài hạn (hơn 3.000 tỷ đồng). Trong khi đó, danh mục đầu tư cổ phiếu, trái phiếu kinh doanh của công ty giảm từ 784 tỷ đồng xuống 283 tỷ đồng sau 9 tháng.
Cuối tháng 9, nợ phải trả của PVI ở mức 25.424 tỷ đồng, tăng 34,9% so với đầu năm. Trong đó, số dư các khoản vay ngắn hạn là 1.142 tỷ đồng từ hai ngân hàng là Vietcombank và Shinhan Bank. Cuối năm 2023, PVI không có khoản vay ngắn hạn.