PVI ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 3.000 tỷ đồng
Tính đến ngày 23/9/2024, Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 751 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới và con người, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 3.000 tỷ đồng sau cơn bão Yagi.
Công ty cho biết việc đánh giá tổn lần này là không dễ dàng, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, do sức tàn phá quá khủng khiếp của cơn bão.
Trước đó, sau hơn 10 ngày từ khi cơn bão số 3 đổ bộ vào tỉnh miền Bắc, Bảo hiểm PVI bắt đầu tiến hành tạm ứng chi trả cho những khách hàng bị tổn thất tài sản với số tiền là 15 tỷ đồng.
Yagi là cơn bão ngoài dự kiến về ảnh hưởng kết quả kinh doanh của công ty. Do đó, với con số bồi thường lên đến 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận của PVI trong năm 2024 sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của PVI ở mức 777,3 tỷ đồng, tăng 12,2%;lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 365,4 tỷ đồng, tăng 25,3%.
Năm 2024, PVI đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.080 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ là 765 tỷ đồng. Như vậy, qua nửa đầu năm, công ty đã thực hiện được gần 72% kế hoạch hợp nhất và 47,8% kế hoạch riêng lẻ.
Theo thống kê sơ bộ, các công ty bảo hiểm đã tiếp nhận hàng nghìn yêu cầu bồi thường bao gồm các thiệt hại về nhà cửa, phương tiện, cơ sở sản xuất và con người sau cơn bão số 3 (Yagi) và nhanh chóng kích hoạt hệ thống đánh giá thiệt hại, xử lý yêu cầu bồi thường.
Trong bối cảnh thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, việc sớm chi trả tạm ứng bồi thường trở thành vấn đề cấp bách, không chỉ giúp người dân và doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, mà còn là thước đo về hiệu quả và trách nhiệm của các công ty bảo hiểm trước rủi ro.
Theo thông tin Bộ Tài chính, đến 17h ngày 12/9, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.
Trước đó, bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Ngay sau khi bão tan, ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có công văn gửi Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Việc nhanh chóng thực hiện tạm ứng trong thời gian ngắn phản ánh năng lực và khả năng đáp ứng nhu cầu chi trả bồi thường của doanh nghiệp sau thiên tai đồng thời giúp người dân, khách hàng phần nào giảm bớt gánh nặng tài chính trong gia đoạn khó khăn.