|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phần hóa Đạm Ninh Bình trong giai đoạn 2016 – 2020

23:36 | 29/09/2016
Chia sẻ
Trong giai đoạn 2016 – 2020 Vinachem sẽ tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinachem và Công ty TNHH Đạm Ninh Bình.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) công bố, trong giai đoạn 2016 – 2020 Tập đoàn sẽ tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinachem và Công ty TNHH Đạm Ninh Bình.

Căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước, Vinachem đang xây dựng đề án, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp trực thuộc trong giai đoạn 2016 – 2020 để báo cáo Bộ Công thương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tính đến thời điểm 31/12/2015, vốn chủ sở hữu tại Công ty mẹ - Vinachem là 13.740 tỷ đồng và Đạm Ninh Bình là 60,2 tỷ đồng.

Đạm Ninh Bình thành lập vào tháng 11/2011 có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng. Hồi giữa tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị Thủ tướng có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Công ty.

Địa phương cho biết, trong nhiều năm qua, Đạm Ninh Bình kinh doanh thua lỗ. Tính đến giữa năm 2016, lỗ lũy kế của Công ty đã lên đến 2.693 tỷ đồng, âm vốn điều lệ 193 tỷ đồng.

Công ty đang vận hành nhà máy đạm Ninh Bình, đầu tư vào năm 2008 với tổng vốn trên 13.000 tỷ đồng. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012, tuy nhiên đến nay vẫn chưa quyết toán được gói thầu từ nhà thầu EPC của nhà thầu HQC (Trung Quốc).

co phan hoa dam ninh binh trong giai doan 2016 2020
Đạm Ninh Bình.

Tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn do giá dầu thế giới giảm, kéo theo giá phân bón, đặc biệt là phân ure giảm trong khi chi phí khấu hao, trả lãi vay, hạch toán chênh lệch tỷ giá… chiếm tỷ trọng cao trong giá thành, làm giá vốn sản xuất và giá thành tiêu thụ cao.

Dự kiến Công ty sẽ còn tiếp tục thua lỗ và có nguy cơ dừng sản xuất dài hạn do không cân đối được dòng tiền. Trước tình trạng này, Vinachem đề xuất nhiều biện pháp như đưa phân ure vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất là 0%, giảm giá bán than cho sản xuất phân bón bằng 80% giá hiện nay…

Ngoài ra, Tập đoàn còn kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình của Ngân hàng phát triển Việt Nam thành vốn góp Nhà nước tại Tập đoàn để giảm hệ số lãi vay với số tiền hơn 2.700 tỉ đồng.

Tiến Vũ