|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá phân bón tăng đột biến, có tình trạng găm hàng thổi giá?

14:54 | 29/06/2021
Chia sẻ
Giá phân bón sản xuất trong nước tăng từ 8% - 55% tùy loại, giá phân bón xuất khẩu tăng 11% trong 5 tháng đầu năm. Cả giá phân bón trong nước và xuất khẩu đều tăng đột biến, một số ý kiến cho rằng liệu có hiện tượng đầu cơ tạo sốt ảo giá phân bón để trục lợi?

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) trong gần 5 tháng đầu năm, giá phân bón thị trường trong nước và thế giới liên tục leo thang.

Tại thị trường trong nước, giá phân bón sản xuất trong nước tăng từ 8% - 55% tùy loại so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, phân urê tăng từ 7.100 đồng/kg lên 11.000 đồng/kg, tăng 55%; phân DAP tăng từ 8.600 đồng/kg lên 11.800 đồng/kg, tăng 37%; phân NPK tăng 15% - 20%.

Đối với phân bón nhập khẩu, tỷ lệ tăng cao hơn so với phân bón sản xuất trong nước, tăng từ 43%-77% tùy theo loại phân bón. 

Cụ thể, phân SA tăng 79%; phân DAP tăng từ 10.500 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg, tăng 43%; phân kali clorua dạng bột tăng từ 6.100 đồng/kg lên 8.800 đồng/kg, tăng 44%...

Đặc biệt, xuất khẩu phân bón mức tăng trưởng kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, xuất khẩu phân bón đạt gần 616 tấn, tương đương giá trị gần 213 triệu USD, tăng gần 50% về lượng và tăng gần 1,8 lần về trị giá.

Giá phân bón xuất khẩu trong tháng 5 đạt trung bình 342 USD/tấn, tăng 14% so với tháng 5/2020. Tính chung trong cả 5 tháng, giá xuất khẩu đạt 322 USD/tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá phân bón trong nước và xuất khẩu đều tăng đột biến, một số ý kiến cho rằng liệu có hiện tượng đầu cơ tạo sốt ảo giá phân bón để trục lợi?

Trao đổi với người viết, ông Phùng Hà, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: "Trước tình hình giá phân bón tăng cao, nơi này nơi khác có thể thiếu hàng cho vụ mùa mới. Do đó, hiện tượng các doanh nghiệp, đại lý găm hàng, thổi giá có thể xảy ra".

Tuy nhiên, đại diện FAV cho biết tình trạng găm hàng, tích trữ chỉ là một yếu tố khiến giá phân bón tăng đột biến, không phải nguyên nhân chính.

Theo ông Hà, giá phân bón tăng phần lớn do giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, lưu huỳnh và amoniac là hai nguyên vật liệu chiếm tỷ lệ chi phí cao để sản xuất 2 loại phân bón DAP và MAP tăng giá khá nhanh.

Tháng 10/2020, giá lưu huỳnh nhập khẩu chỉ đạt 95 USD/tấn nhưng đến tháng 4 giá tăng mạnh lên 210 USD/tấn, tăng hơn 2 lần, giá amoniac tăng tới 60%.

Theo FAV, Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất đạm ure với tổng công suất thiết kế 2,7 triệu tấn ure/năm, trong khi đó nhu cầu nước ta cần khoảng 1,6 – 1,8 triệu tấn ure/năm. Như vậy, nếu sản xuất tối đa công suất thiết kế, mỗi năm Việt Nam thừa khoảng 1 triệu tấn đạm.

Báo cáo của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), giá khí sản xuất đầu vào trong quý I tăng 24% so cùng kỳ 2020. Chi phí nhập than sản xuất ure của Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010.

Giá phân bón tăng đột biến, có tình trạng găm hàng thổi giá? - Ảnh 1.

So sánh công suất của các nhà máy sản xuất đạm của Việt Nam (Số liệu: FAV, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Còn DAP, Việt Nam có 3 nhà máy với tổng công suất thiết kế 760.000 tấn/năm, trong khi đó mỗi năm nước ta cần khoảng 900.000 - 1 triệu tấn/năm, thiếu 140.000 - 240.000 tấn/năm.

Giá phân bón tăng đột biến, có tình trạng găm hàng thổi giá? - Ảnh 2.

So sánh công suất của các nhà máy sản xuất phân DAP của Việt Nam (Số liệu: FAV, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Đặc biệt, những thay đổi trong chính sách và sản lượng phân bón sản xuất tại Trung Quốc, cường quốc về sản xuất và tiêu thụ phân bón cũng ảnh hưởng chung đến thị trường thế giới.

"Nhiều nguồn tin cho biết trong trường hợp lượng phân bón xuất khẩu tăng mạnh, Chính phủ Trung Quốc sẽ áp thuế xuất khẩu với một số mặt hàng phân bón từ tháng 7", ông Hà cho biết.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 khiến nhiều nhà máy phải dừng hoặc phải giảm công suất sản xuất khiến nguồn cung phân bón thế giới và trong nước đều sụt giảm mạnh.

Ngoài ra, việc thiếu container đội chi phí logistics tăng vài lần cũng là một nhân tố khiến giá phân bón tăng cao.

Việc giá phân bón tăng đột biến sẽ trở thành mối lo của nông dân khi đầu vào tăng cao, đầu ra, giá cả biến động do dịch bệnh COVID-19.

Để ổn định giá phân bón trong nước trước thềm vụ hè thu, vào cuối tháng 3, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và FAV đã đề xuất các doanh nghiệp ngừng xuất khẩu phân bón, ưu tiên nguồn hàng cho thị trường trong nước tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đẩy giá. 

Tuy nhiên, giá phân bón vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Do đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị Chính phủ sử dụng linh hoạt công cụ thuế suất như giảm thuế nhập khẩu, tăng thuế xuất khẩu, tính toán cụ thể và minh bạch thuế phòng vệ thương mại... tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Hoàng Anh