|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cơ hội việc làm tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm

07:15 | 02/08/2023
Chia sẻ
Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 1/8, cơ hội việc làm của nước này trong tháng 6/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, nhưng vẫn ở mức phù hợp với điều kiện thị trường lao động thắt chặt.

Cơ hội việc làm, thước đo nhu cầu lao động, tính đến ngày 30/6, đã giảm 34.000 xuống còn 9,582 triệu, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Số liệu của tháng 5/2023 được điều chỉnh thấp hơn với 9,616 triệu cơ hội việc làm, thay vì 9,824 triệu được báo cáo trước đó. Tỷ lệ cơ hội việc làm cho những người thất nghiệp trong tháng Sáu cũng ít có sự thay đổi với mức 1,6, vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch COVID-19 là khoảng 1,2.

Sự sụt giảm về cơ hội việc làm chủ yếu trong các ngành sản xuất hàng hóa, trong khi một số ngành dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, nghệ thuật và giải trí, ghi nhận sự gia tăng. Một báo cáo khác được công bố hôm 1/8 cho thấy hoạt động của các nhà máy Mỹ trong tháng 7/2023 đã giảm tháng thứ 9 liên tiếp, cho thấy nhu cầu ảm đạm đối với hàng hóa của nước này trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, tỷ lệ sa thải lao động cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022, cho thấy các nhà tuyển dụng không muốn sa thải nhân viên. Tỷ lệ lao động bỏ việc cũng giảm xuống mức 2,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Theo ông Nick Bunker, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Indeed Hiring Lab, dữ liệu về tình trạng sa thải cho thấy nhu cầu sử dụng lao động tại Mỹ vẫn ổn định. Các chuyên gia kinh tế đang kỳ vọng báo cáo việc làm của chính phủ Mỹ dự kiến công bố vào ngày 4/8 tới sẽ cho thấy có khoảng 200.000 việc làm được tạo thêm trong tháng Bảy, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.

Cơ hội việc làm ở mức cao là một động lực quan trọng thúc đẩy chiến dịch thắt chặt mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) trong 16 tháng qua. Các nhà đầu tư kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 9, sau khi nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm vào tuần trước.

Hồng Nguyên

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.