|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

AI có thể giành lấy 300 triệu việc làm ở Mỹ và châu Âu, Việt Nam thì sao?

07:01 | 30/03/2023
Chia sẻ
Việt Nam nằm trong nhóm ít bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, nhưng người lao động cũng cần phải chú ý tới việc thay đổi tư duy, bổ sung kiến thức, nâng cao khả năng suy luận để không bị bỏ lại phía sau.

Ngày 27/3, Goldman Sachs đã công bố một khảo sát tại khu vực châu Âu và Mỹ, chỉ ra các siêu AI như ChatGPT có thể tạo sản phẩm với sản lượng lớn và chất lượng tương đương con người. Theo Financial Times, báo cáo của Goldman Sachs dựa trên phân tích dữ liệu công việc trong hàng nghìn nghề nghiệp khác nhau. 

Công nghệ AI sẽ giúp nâng GDP toàn cầu hàng năm lên 7% trong vòng 10 năm bằng cách tự động hóa khoảng 1/4 những công việc hiện tại.

Đáng chú ý, theo kết quả nghiên cứu, nếu không gặp bất cứ trở ngại nào, AI có thể khiến 300 triệu lao động toàn thời gian ở Mỹ và châu Âu mất việc. Và khoảng 2/3 số lượng công việc mới tại hai khu vực kể trên sẽ được tự động hóa bằng AI. Công nghệ sẽ giúp thực hiện những việc mà có thể phải cần đến hàng nghìn người làm cùng lúc.

Nghiên cứu chỉ ra rằng tại Mỹ, 63% lực lượng lao động có thể bị ảnh hưởng bởi AI. Tờ FT cũng đưa ra một số ví dụ để nêu bật khả năng của AI như việc nó có thể hoàn thành tờ khai thuế cho một doanh nghiệp nhỏ, đánh giá yêu cầu bảo hiểm phức tạp hoặc ghi lại kết quả điều tra hiện trường vụ án.

Những việc mà AI chưa thể thực hiện được là các công việc đặc thù như phán quyết của tòa án, kiểm tra tình trạng sức khỏe bệnh nhân. 

 (Nguồn: Telstyle/Đồ họa: Doanh Chính).

Trong một nghiên cứu về người tiêu dùng số của công ty Telsyte (Úc), đưa ra kết quả rằng 35% người lao động dự đoán công việc của họ có thể được thực hiện hoàn toàn bằng máy móc, trí tuệ nhân tạo hoặc robot trong tương lai.

Gần 1/3 người tham gia khảo sát tin rằng họ có thể bị máy móc hoặc AI thay thế hoàn toàn sau 10 năm tới. Con số đó tăng lên 57% khi khung thời gian được kéo dài đến 20 năm. Trong số những người đồng ý rằng công việc của họ có thể được thực hiện bằng máy móc, 42% tin rằng một phần công việc của họ sẽ bị thay thế trong vòng 5 năm, trong khi 71% tin rằng điều này sẽ xảy ra trong vòng 10 năm.

Cuộc khảo sát với hơn 1000 người tiêu dùng được thực hiện vào giữa tháng 1 cho thấy 20% người Úc từ 16 tuổi trở lên đã biết về ChatGPT và 1 triệu người Úc đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo này, chỉ 6 tuần sau khi chatbot của OpenAI ra mắt.

Một phần ba người tham gia khảo sát đã tìm hiểu việc sử dụng các chatbot AI như ChatGPT để hỗ trợ công việc của họ. Trong số đó, 33% người lao động muốn sử dụng AI để giúp họ thực hiện công việc của mình.

Foad Fadaghi, Nhà phân tích chính và Giám đốc điều hành tại Telsyte cho biết: “Lực lượng lao động Úc đang cố gắng giảm khối lượng công việc, họ rất vui khi giao một phần khối lượng công việc của họ cho AI, nhưng đồng thời cũng lo sợ bị thay thế. Người tiêu dùng cảm thấy họ không thể cản trở sự tiến bộ nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và đây là một tình cảnh khó xử".

Việt Nam nằm trong nhóm ít bị ảnh hưởng nhất

Báo cáo của Goldman Sachs cũng cho biết có ít việc làm ở các EM [thị trường mới nổi] bị ảnh hưởng bởi công nghệ hơn ở các DM [các thị trường đã phát triển], nhưng 18% công việc trên toàn cầu có thể được thực hiện bằng AI trên cơ sở số việc làm bình quân.

Báo cáo dự đoán Hong Kong, Israel, Nhật Bản, Thụy Điển và Mỹ có thể là 5 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong khi đó, lao động ở Trung Quốc đại lục, Nigeria, Việt Nam, Kenya và ở vị trí cuối cùng là Ấn Độ, ít có khả năng bị công nghệ AI "giành lấy" việc làm nhất.

Nghiên cứu của ngân hàng này cho rằng chưa thể kết luận mức đột phá thực sự của AI dù chúng ta đã nhìn thấy tác động của công nghệ này tới thị trường lao động.

"Tác động của AI cuối cùng sẽ phụ thuộc vào khả năng và thời gian áp dụng của nó,” báo cáo của Goldman Sachs nêu.

Theo đó, hai yếu tố chính quyếtđịnh tới tương lai là công nghệ AI sẽ "tiến hóa" tới mức nào và mức độ sử dụng trí tuệ nhân tạo trong thực tế. Do đó, người lao động cũng cần phải chuẩn bị kiến thức và kỹ năng mới để đáp ứng với tốc độ phát triển của công nghệ.

"Trong đầu bạn có cái gì cuối cùng nó vẫn quan trọng hơn. Khi đầu bạn không có cái gì, bạn không thể tận dụng khả năng kết nối thông tin của não người và khả năng suy luận - hai đặc tính khiến bạn khác biệt với AI. Muốn suy luận hay kết nối thông tin thì phải có chất liệu cho não làm việc. Ba phút [xem] TikTok chỉ đủ để bạn học mấy mẹo vặt hoặc kiến thức không hoàn chỉnh, mà mẹo vặt hay kiến thức không hoàn chỉnh thì không phải là kiến thức. Não kết nối những thứ đó lại thì sẽ thành một sản phẩm rất là sai. Hãy chịu khó đọc dài hơn, nghe dài hơn", trích bình luận của TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol về báo cáo của Goldman Sachs.

Doanh Chính