Cách người lao động làm việc tại văn phòng sắp thay đổi vì AI
Chỉ vài tháng nữa, con người có thể yêu cầu một trợ lý ảo tóm tắt các email dài để nhanh chóng soạn thảo các câu trả lời, tạo nhanh một biểu đồ cụ thể trong Excel và biến tài liệu Word thành PowerPoint trong vài giây. Đó là những gì mà phần mềm dịch vụ Microsoft 365 phiên bản mới có thể làm được, theo CNN.
Trong tuần qua, cuộc đua trí tuệ nhân tạo dường như đã đạt được những bước tiến mới. Hai ông lớn Microsoft và Google đã tiết lộ các tính năng mới do AI cung cấp cho các công cụ đặc trưng của họ, trong khi OpenAI cũng đã giới thiệu phiên bản công nghệ thế hệ tiếp theo làm nền tảng cho công cụ chatbot ChatGPT.
Các công cụ AI, từ lâu đã hoạt động trên nền tảng của nhiều dịch vụ, giờ đây đã trở nên mạnh mẽ hơn và dễ nhận thấy hơn trên một loạt công cụ tại bàn làm việc hàng ngày của người lao động.
OpenAI, Microsoft và Google đang đi đầu trong xu hướng này, nhưng họ không phải là những người duy nhất. IBM, Amazon, Baidu và Tencent đang làm việc trên các công nghệ tương tự. Ngoài ra, hàng loạt công ty khởi nghiệp ngành AI cũng đang ra đời.
AI có thể giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn và loại bỏ những công việc nặng nhọc. Như CEO Microsoft Satya Nadella đã nói trong một bài thuyết trình gần đây: “Chúng tôi tin rằng thế hệ AI tiếp theo sẽ mở ra một làn sóng tăng trưởng năng suất mới đối với người lao động ở nhiều ngành nghề”.
Dù vậy, số lượng lớn công cụ AI được ra đời trong thời gian qua đặt ra câu hỏi liệu sự cường điệu về trí tuệ nhân tạo có làm gia tăng một số vấn đề tiêu cực, chẳng hạn như gian lận trong thi cử hay loại bỏ một số công việc mà trước đây được đảm nhiệm bởi con người.
Ngay cả lời hứa về việc gia tăng năng suất lao động cũng không rõ ràng. Rowan Curran, một nhà phân tích của Forrester cho biết: “Việc tích hợp AI vào các phần cơ bản mà hầu hết chúng ta sử dụng hàng ngày sẽ có tác động đáng kể đến cách chúng ta làm việc. Tuy nhiên, sự thay đổi đó sẽ không ảnh hưởng đến mọi thứ và mọi người vào ngày mai. Việc tìm hiểu cách tận dụng tốt nhất những khả năng này để nâng cao và điều chỉnh quy trình công việc hiện tại sẽ cần thời gian để thực hiện”.
Một sự thay đổi nhanh chóng trong các công cụ nơi làm việc
Bất kỳ ai đã từng sử dụng tùy chọn tự động hoàn thành khi nhập email hoặc gửi tin nhắn đều đã trải nghiệm cách AI có thể tăng tốc các tác vụ trên các phần mềm hoặc công cụ trên máy tính. Tuy nhiên, các công cụ mới được tích hợp AI thế hệ tiếp theo hứa hẹn sẽ làm được nhiều điều hơn thế.
Làn sóng ra mắt sản phẩm AI mới đã bắt đầu gần 4 tháng trước khi OpenAI ra mắt công cụ chatbot ChatGPT. Kể từ đó, hàng loạt cột mốc mới về AI đã xuất hiện. Đầu tuần này, OpenAI đã tiết lộ GPT-4, một phiên bản mạnh mẽ hơn của công nghệ làm nền tảng cho ChatGPT và hứa hẹn sẽ có hiệu năng vượt trội với phiên bản cũ.
Trong các thử nghiệm ban đầu và bản demo của công ty, GPT-4 được sử dụng để soạn thảo kịch bản về các vụ kiện, xây dựng trang web hoạt động từ bản phác thảo vẽ tay và tạo lại các trò chơi mang tính biểu tượng như Pong, Tetris hoặc Snake mà không cần hoặc có rất ít kinh nghiệm viết mã trước đó.
Đó cũng chính là công nghệ làm nền tảng cho hai tính năng mới của Microsoft: “Co-pilot”, sẽ giúp chỉnh sửa, tóm tắt, tạo và so sánh các tài liệu trên các nền tảng của hãng và Business Chat, một tác nhân về cơ bản đồng hành cùng người dùng khi họ làm việc.
Ông Curran cho biết các công cụ hỗ trợ AI này sẽ thay đổi cách con người làm việc, và mức độ của sự thay đổi này tùy thuộc vào từng ứng dụng. Ví dụ: Ứng dụng xử lý văn bản có thể giúp tạo đề cương và bản nháp, chương trình trình chiếu có thể giúp đẩy nhanh quá trình tạo nội dung và thiết kế, còn ứng dụng bảng tính sẽ giúp nhiều người dùng tương tác và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu hơn.
Thách thức phía trước
Mặc dù bản cập nhật GPT-4 của OpenAI hứa hẹn sẽ khắc phục một số lỗi trước đó, từ khả năng duy trì các thành kiến đôi khi không chính xác và nó vẫn có khả năng xảy ra một số vấn đề khi đặt vào nơi làm việc, đặc biệt là khi nói đến việc tương tác với người khác.
Arijit Sengupta, CEO và người sáng lập công ty giải pháp AI Aible, cho biết một vấn đề với bất kỳ mô hình ngôn ngữ lớn nào là nó cố gắng làm hài lòng người dùng và thường chấp nhận tiền đề của các tuyên bố của người dùng.
Trong một dòng tweet vào đầu tuần này, CEO OpenAI Sam Altman đã viết rằng công nghệ đằng sau các hệ thống này “vẫn còn thiếu sót và vẫn còn hạn chế”. Công ty đã nhắc lại trong một bài đăng trên blog rằng người dùng “cần hết sức cẩn thận khi sử dụng các kết quả đầu ra của mô hình ngôn ngữ lớn, đặc biệt là trong các ngữ cảnh chứa mức độ rủi ro cao”.
Arun Chandrasekaran, một nhà phân tích tại Gartner Research, cho biết các doanh nghiệp sẽ cần truyền đạt lại thông tin cho người lao động của họ về những điểm tốt của các giải pháp này và những hạn chế của chúng.
Chandrasekaran cho biết: “Việc đào tạo, giáo dục và quản lý thay đổi tổ chức là rất quan trọng để đảm bảo rằng nhân viên ủng hộ những nỗ lực và các công cụ được sử dụng theo cách mà họ mong muốn”.