Kế hoạch vượt mặt ChatGPT bằng cách ‘nhét’ AI vào mọi thứ của Google
Trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là một “đặc sản” của Google. Google vốn nổi tiếng với việc đầu tư dài hạn vào những thứ công nghệ “viển vông” như vậy và phần lớn những nghiên cứu đằng sau các chatbot AI hiện tại đều đã diễn ra trong phòng thí nghiệm của công ty này.
Dù vậy, một startup có tên OpenAI đã nổi lên như một công ty tiên phong ở mảng AI tạo sinh (generative AI) bằng cách ra mắt ChatGPT vào tháng 11 năm ngoái. ChatGPT là một phần mềm có thể tự sản xuất các đoạn văn bản, hình ảnh và video.
Thành công bất ngờ của ChatGPT đã khiến Alphabet, công ty mẹ của Google, phải tăng tốc để bắt kịp trong một mảng công nghệ mà ông Sundar Pichai, CEO Alphabet, nhận định là “sẽ có ý nghĩa lớn lao hơn cả lửa và điện”.
ChatGPT, dịch vụ mà nhiều người cho rằng có thể là một thách thức với cỗ máy tìm kiếm truyền thống của Google, dường như thực sự là một mối đe dọa trong bối cảnh OpenAI có mối quan hệ thân thiết với Microsoft. Theo nguồn tin nội bộ, Google đang chìm trong tâm lý lo lắng vì cảm giác mình có thể tụt lại phía sau trong một lĩnh vực từng được coi là thế mạnh cốt lõi.
“Có một sư kết hợp không lành mạnh giữa kỳ vọng cao bất thường và nỗi bất an lớn đối với bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến AI”, một nhân viên nói.
Theo một cựu nhân viên, nỗ lực này đã khiến Pichai sống lại những ngày còn là giám đốc sản phẩm, khi ông phải cân nhắc trực tiếp các chi tiết của tính năng sản phẩm, một nhiệm vụ thường thấp hơn nhiều so với mức lương của ông.
Larry Page và Sergey Brin, hai người đồng sáng lập của Google, cũng tham gia với công ty nhiều hơn họ đã từng trong nhiều năm trở lại đây. Brin thậm chí còn thay đổi các đoạn lập trình với Bard, một chatbot theo kiểu ChatGPT của Google.
Các quản lý cấp cao của công ty đã phát đi báo động đỏ cùng mệnh lệnh rằng tất cả sản phẩm quan trọng nhất, tức là các sản phẩm có hơn một tỷ người dùng, sẽ phải tích hợp AI tạo sinh trong vòng vài tháng. Ví dụ hồi tháng 3, Google công bố các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube có thể dùng công nghệ này để thay đổi quần áo trong video.
Một số cựu nhân viên Google nhớ lại về lần cuối cùng công ty thực hiện một nhiệm vụ nội bộ để bổ sung một ý tưởng mới vào mọi sản phẩm chính. Nỗ lực này bắt đầu vào năm 2011 để thúc đẩy mạng xã hội “yểu mệnh” Google+. Dù vậy, đây vẫn là một so sánh khập khiễng bởi Google chưa từng được xem là một công ty dẫn đầu ở mảng mạng xã hội, trong khi chuyên môn Google nó ở mảng AI là không thể chối cãi. Dù vậy, đâu đó điều này vẫn mang lại một cảm giác tương tự.
Tiền thưởng cho nhân viên Google từng gắn liền với sự thành công của Google+. Một số nhân viên và cựu nhân viên Google nói rằng ít nhất một phần đánh giá thực hiện công việc chịu ảnh hưởng bởi khả năng tích hợp AI tạo sinh vào các công việc mà họ đang làm. Lệnh báo động đỏ đã mang đến khoảng 20 dự án tích hợp AI tạo sinh. “Chúng tôi đang thực hiện nhiều nỗ lực”, một nhân viên Google nói. “Thế nhưng nó không đạt đến điểm để chuyển đổi công ty và nâng cao mức độ cạnh tranh”.
Cuối cùng, những ồn ào dành cho Google+ thất bại. Mạng xã hội này không thể thu hút được người dùng và Google tuyên bố sẽ chấm dứt triển khai sản phẩm này cho người dùng đại trà vào năm 2018. Một cựu nhân sự Google nhìn nhận sự thất bại này như một bài học cẩn trọng. “Yêu cầu từ Larry rằng tất cả sản phẩm đều phải có yếu tố xã hội hóa ra lại có kết cục tồi tệ”, người này nói.
Một người phát ngôn của Google phủ nhận so sánh giữa “báo động đỏ” AI và chiến dịch Google+. Trong khi Google+ liên quan đến tất cả sản phẩm, thúc đẩy AI lần này chỉ phần lớn liên quan đến việc khuyến khích thử nghiệm các công cụ AI nội bộ. Phần lớn nhân sự Google chưa được chỉ đạo để dành nhiều thời gian hơn cho AI.
Google không đơn độc khi tin rằng AI là tất cả. Cả Thung lũng Silicon giờ đây tràn ngập các nhà đầu tư mạo hiểm và các doanh nhân đột nhiên tự nhận mình là những người có tầm nhìn về AI, tạm quên đi những công nghệ như blockchain. Các công ty công bố tích hợp AI cũng có giá cổ phiếu tăng mạnh. Trong vài tuần trở lại đây, Mark Zuckerberg, CEO Meta, tập trung vào AI nhiều hơn cả metaverse, theo nguồn tin thân cận.
Trong dài hạn, việc OpenAI có được sự chú ý lớn trong vòng vài tháng không phải điều quá quan trọng, nhất là khi so sánh với tất cả những gì mà Google đã làm. Ông Pichai đã bắt đầu gọi Google là một công ty “ưu tiên AI” vào năm 2016. Google dùng công nghệ học máy để thúc đẩy mảng kinh doanh quảng cáo suốt nhiều năm, trong khi đó AI cũng được tích hợp vào nhiều sản phẩm đại trà như Gmail hay Google Photos, nơi AI giúp người dùng soạn email hay sắp xếp hình ảnh.
Trong một phân tích gần đây, công ty Zeta Alpha đã rà soát top 100 nghiên cứu về AI được trích dẫn nhiều nhất và nhận thấy Google thống trị trong danh sách này. “Mọi người cho rằng Google như thế một gã khổng lồ ngủ quên và đang cố gắng bắt kịp nhưng thực tế thì không phải”, Amin Admad, một nhà nghiên cứu AI từng làm việc cho Google, nói. “Tôi cho rằng Google rất giỏi áp dụng công nghệ này vào các sản phẩm lõi của mình trước phần còn lại của ngành công nghiệp này nhiều năm”.
Google cũng vật lộn với sự căng thẳng giữa việc ưu tiên tính thương mại và yêu cầu xử lý các công nghệ mới nổi một cách có trách nhiệm. AI tạo sinh có những rủi ro mà Google không muốn vội vã triển khai. Ví dụ, trong tìm kiếm, một công cụ chatbot có thể đưa ra một câu trả lời dường như đến từ chính công ty đã tạo ra chatbot này, tương tự như việc ChatGPT không khác gì tiếng nói với OpenAI. Điều này về cơ bản rủi ro hơn một danh sách kết quả tìm kiếm dưới dạng các đường link tới các website khác.
Một số chuyên gia trong ngành lo ngại rằng lệnh báo động đỏ của Google có thể làm xáo trộn các tính toán về mức độ rủi ro trong lĩnh vực này. Về phần mình, một người phát ngôn của Google xác nhận các nỗ lực của công ty đều được thực hiện tuân thủ theo nguyên tắc AI, một bộ quy tắc để phát triển công nghệ này một cách trách nhiệm mà nó công bố năm 2018. Người này đồng thời khẳng định công ty vẫn đang tiếp cận vấn đề một cách thận trọng.
Việc một cá nhân hay tổ chức nào đó có rất nhiều đóng góp trong phát triển một công nghệ lớn chỉ để người khác thu nhận được lợi ích tài chính khong phải chuyện hiếm. Keval Desai, một cựu nhân sự Google hiện đang là giám đốc điều hành công ty đầu tư mạo hiểm Shakti, nhắc đến trường hợp của Xerox Parc, công ty nghiên cứu đã đặt các viên gạch nền móng cho mảng máy tính cá nhân, chỉ để tạo ra sự thành công cho Apple và Microsoft.
“Google không muốn trở thành một Xerox Parc trong thời đại của mình. Tất cả sáng tạo đã xảy ra ở Xerox nhưng việc thực thi thì không”, Desai nói.