|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cơ hội vàng từ bài toán logistics hóc búa ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á

15:25 | 27/06/2019
Chia sẻ
Thừa nhận đến với ngành logistics nhờ sự tình cờ và may mắn, Abivin đang nắm công nghệ mang tính thay đổi cuộc chơi.

Tình cờ đến với câu chuyện giải pháp logistic

abivin1

Phạm Nam Long (phải) và Nguyễn Hoàng Anh (trái) trong chương trình Shark Tank Việt Nam. (Ảnh: VTV)

4 năm sau cú rẽ hướng đầy bất ngờ khi nhìn thấy cơ hội ở mảng logistic, người sáng lập Abivin Phạm Nam Long và Nguyễn Hoàng Anh đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng phạm vi hoạt động sang các thị trường khác thuộc khu vực Đông Nam Á. 

Tháng trước, công ty của cặp vợ chồng trẻ này đã nhận được giải thưởng 1 triệu USD tại 2019 Startup World Cup cho nền tảng quản lý phương tiện và tối ưu lộ trình sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Phạm Nam Long và Nguyễn Hoàng Anh cho biết đang nhận được đề nghị từ nhiều khách hàng tiềm năng. 

"Một trong những giấc mơ của mọi startup là trở thành một công ty kì lân ở Đông Nam Á", Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ. Cô nói thêm rằng mục tiêu "tham vọng" đạt mức định giá 1 tỷ USD chính là động lực của công ty.

"Mục tiêu của chúng tôi là giảm thiểu chi phí logistics đang đè nặng lên nhiều quốc gia tại Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại", Phạm Nam Long nói. 

"Nó chiếm từ 15% đến 20% GDP vì thế Abivin có thể đạt được tác động lớn, đó là một trong những mục tiêu của chúng tôi". Cặp đôi này là một trong số rất nhiều những doanh nhân công nghệ Đông Nam Á trở về quê hương sau khi học tập và làm việc ở nước ngoài để khởi nghiệp. 

Phạm Nam Long trở về sau khi có những trải nghiệm tại Thung lũng Silicon, bao gồm cả làm việc trong vai trò kĩ sư phần mềm ở Google.

Giải quyết vấn đề nhức nhối của logistics dù vậy không phải kế hoạch ban đầu của Abivin. Dự tính phát triển công cụ phân tích dữ liệu và thuật toán áp dụng cho các sản phẩm khác nhau, Abivin làm việc cùng công ty đa quốc gia của Mỹ Procter & Gamble vào năm 2015 để phát triển hệ thống quản lý vận chuyển, một dự án mà sau đó phát triển thành sản phẩm vRoute. 

"Chúng tôi đã tình cờ chọn ngành logistics, với một sự may mắn, thành thực mà nói", Phạm Nam Long chia sẻ, người từng tốt nghiệp cử nhân khoa học máy tính tại Đại học Cambridge và có bằng thạc sĩ ngành máy học tại Đại học Bristol. "Nó chọn chúng tôi chứ không phải chúng tôi chọn nó."

Abivin đã phát triển vRoute để giải quyết vấn đề định tuyến phương tiện và các vấn đề liên quan đến giao nhận. Những người đồng sáng lập của Abivin nói điều độc đáo của phần mềm này là tốc độ. 

Mặc dù có nhiều thông số - bao gồm khung thời gian, trọng lượng, khối lượng, thời gian làm việc và điều kiện đường xá, giao thông – vRoute có thể đưa ra định tuyến tối ưu chỉ trong thời gian tính bằng phút thay vì bằng giờ.

P&G hiện là một trong 10 khách hàng quan trọng nhất của Abivin. Phần mềm quản lý kho hàng, theo dõi thời gian thực và định tuyến của họ ngoài ra còn phục vụ một số ông lớn khác như FrieslandCampina và AO Smith.

Cơ hội vàng từ những thách

abivin2

(Nguồn: World Bank)

Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ giải thưởng 1 triệu USD sẽ giúp công ty này thực hiện kế hoạch phát triển vào các thị trường mới như Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Chúng sẽ được dùng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển với kế hoạch mở rộng từ logistics vận chuyển sang logistics kho hàng.

Vào tháng 8 tới, Abivin cũng lên kế hoạch sẽ đưa vào hoạt động phần mềm đầu tiên cho vận chuyển đường biển cùng Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Đây là cơ hội vàng cho Abivin bởi các chuỗi cung ứng đang dịch chuyển về Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ Trung leo thang. 

"Vận chuyển đường biển đang phát triển ở Việt Nam và chúng tôi sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại", Phạm Nam Long nói thêm. Từ chối chia sẻ về doanh thu công ty – ngoài chi tiết cho rằng doanh thu thường niên đang tăng trưởng 300% mỗi năm trong nhiều năm liên tiếp – Nguyễn Hoàng Anh nói công ty mà cô cùng chồng sáng lập hiện đang có 40 nhân sự toàn thời gian và đang có lãi.

Cô chia sẻ thêm rằng hiện Abivin đang có hai dòng doanh thu bao gồm phí thiết lập hệ thống trả một lần, dao động từ 10.000 USD đến 100.000 USD, tuỳ vào mức độ tuỳ biến; và phí bản quyền, dao động từ 10 USD đến 20 USD mỗi tháng cho tài khoản người dùng thông thường và 100 USD đến 150 USD mỗi tháng cho tài khoản cao cấp. 

Công ty này hiện đang gọi vốn được 450.000 USD, bao gồm 300.000 USD đến từ công ty quỹ đầu tư Hàn Quốc Access Ventures.

Nguyễn Hoàng Anh thừa nhận Abivin được hưởng lợi từ nhiều nỗ lực của chính phủ trong việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm khoản tài trợ 150.000 USD từ Chương trình Hợp tác Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan và các ưu đãi thuế. 

Dù vậy, vẫn có một số khó khăn tồn đọng, ví dụ như giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cần duy trì dưới 50% và hệ thống tiêu chuẩn kế toán của Việt Nam, Hoàng Anh chia sẻ thêm.

"Đây là rào cản lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài", cựu sinh viên quản trị kinh doanh tại Đại học Khoa học Ứng dụng Đông Nam Phần Lan nói.

Dù sao đi nữa, Abivin cũng đang ở một vị trí thuận lợi. Theo một báo cáo vào tháng 4, thị trường logistics bên thứ ba của Đông Nam Á đạt dung lượng 34,6 tỷ USD vào năm 2017 và được kì vọng sẽ tăng lên 55,7 tỷ USD vào năm 2025 khi thương mại điện tử và bán lẻ trong khu vực tiếp tục tăng trưởng.

Đây cũng là một lĩnh vực cần sự sáng tạo. Trong khi Singapore đang xếp thứ 7 toàn cầu trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực logistics quốc gia của World Bank, các quốc gia còn lại trong khu vực đều nằm ở phía sau bảng xếp hạng như Thái Lan (32), Việt Nam (39), Malaysia (41), Indonesia (46) và Philippines (60). 

Nam Long và Hoàng Anh nhìn nhận các vấn đề về logistics ở thị trường của mình như một cơ hội để thu hút khách hàng ở các quốc gia với thách thức tương tự. Abivin khẳng định đã giúp giảm thiểu chi phí logistics của khách hàng tới 30%.

Thái Sơn