Hà Nội 23 °C | 08:27AM, 09/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơ hội và thách thức của ngành khai thác hải sản - Bài 2: Tận dụng cơ hội mới

08:00 | 25/06/2018
Chia sẻ
Qua những thống kê của lịch sử phát triển nghề cá, hầu như ngành đánh bắt, khai thác xuất phát từ những tàu nhỏ, nhưng hiệu quả kinh tế mang về cho Việt Nam là rất lớn.
co hoi va thach thuc cua nganh khai thac hai san bai 2 tan dung co hoi moi

Nhiều cơ hội và thách thức của ngành khai thác hải sản đang ở phía trước. Ảnh: TTXVN

Mặc dù, ngành xuất khẩu hải sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu giơ "thẻ vàng" mang tính cảnh cáo, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và ngư dân nghề cá, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, đây chính là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nghề cá, đáp ứng tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo tồn nguồn lợi hải sản, duy trì lợi ích về biển bền vững trong tương lai.

*Mở ra cơ hội mới

Qua những thống kê của lịch sử phát triển nghề cá, hầu như ngành đánh bắt, khai thác xuất phát từ những tàu nhỏ, nhưng hiệu quả kinh tế mang về cho Việt Nam là rất lớn.

Như vậy, nếu nguồn lợi hải sản vẫn còn duy trì mức độ phát triển bền vững, thì với hệ thống tàu cá vỏ sắt được Chính phủ hỗ trợ cho ngư dân theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản chắc chắn sẽ mang lại nguồn kim ngạch lớn hơn cho Việt Nam so với trước đây.Không những thế, nguồn hải sản được khai thác có xuất xứ, nguồn gốc sẽ giúp cho Chính phủ Việt Nam thống kê chính xác nguồn lợi hiện có và có nhiều quy hoạch mới trong phát triển về biển, môi trường và kinh tế.Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Trưởng ban điều hành chống khai thác bất hợp pháp, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, với nguồn nguyên liệu từ đánh bắt tự nhiên thì việc quản lý sẽ gặp khó khăn hơn so với các sản phẩm nuôi trồng cố định khác.

Thế nhưng, những quy định chống khai thác bất hợp pháp đã tạo ra những thử thách và bước ngoặt lớn cho toàn ngành hải khai thác hải sản phải nhìn lại, từng bước xây dựng lại ngành có hệ thống và quy củ, với mục tiêu sẵn sàng đồng hành với xu hướng phát triển chung của thế giới.Bên cạnh đó, các quy định về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp cũng sẽ tạo nên một tập quán khai thác, đánh bắt cho ngư dân văn minh, tiến bộ hơn, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản sẽ ngày càng thận trọng hơn trong việc sử dụng nguyên liệu hải sản khai thác, cũng như thu mua nguyên liệu chất lượng, thận trọng về nguồn gốc, xuất xứ trước khi đưa vào chế biến để đáp ứng các yêu cầu quản lý kiểm tra của nhà nhập khẩu một cách chặt chẽ.

Có như vậy mới tránh gây áp lực lên chi phí và thời gian của từng lô hàng xuất đi, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và nhân lực.Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa), thị trường châu Âu là thị trường rất quan trọng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hải sản. Dù họ yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm khắt khe, nhưng bù lại họ sẵn sàng trả chi phí cao cho từng sản phẩm hải sản được lưu thông tại đây.

Do đó, khi thực hiện nghiêm các yêu cầu của châu Âu là một cơ hội lớn khẳng định uy tín ngành hải sản Việt Nam tại thị trường này nói riêng và toàn thế giới nói chung. Khi sản phẩm hải sản của Việt Nam bước vào châu Âu một cách hợp pháp và đúng tiêu chuẩn, cơ hội mở rộng thị trường cho ngành chế biến, xuất khẩu hải sản của Việt Nam ra các quốc gia khác là rất lớn.

*Rà soát đồng bộ để gỡ bỏ "thẻ vàng"

Với những nỗ lực trong 6 tháng qua của cả Chính phủ Việt Nam lẫn các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản, các địa phương có hoạt động đánh bắt hải sản, phía Việt Nam đã dần hoàn thiện 9 tiêu chí về chống khai thác, đánh bắt hải sản do Ủy ban châu Âu đưa ra.

Tuy nhiên, sau đợt kiểm tra chính thức của phái đoàn châu Âu sang Việt Nam từ ngày 15 đến 23 tháng 5 vừa qua cho đến nay, phía Ủy ban châu Âu chưa có phản hồi về việc gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào thị trường này.Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho đến nay, phía châu Âu vẫn "im lặng" và chưa có một thông báo chính thức nào về việc gỡ bỏ hoặc duy trì "thẻ vàng" đối với hải sản Việt Nam cho Chính phủ Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Thay vào đó, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản chỉ nhận được thông tin Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục duy trì "thẻ vàng" với hải sản Việt Nam cho đến tháng 1/2019 thông qua một kênh truyền hình tại châu Âu.Đây là vấn đề nan giải đối với việc thực thi các điều khoản và tiêu chí trong quy định chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp. Do đó, Hiệp hội cũng đã cùng doanh nghiệp, phối hợp với các địa phương tuyên truyền ngư dân đảm bảo nhật trình khai thác, đánh bắt cũng như thu mua các loại hải sản.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ đắc lực hơn nữa về cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ cho người khai thác, đánh bắt để đảm bảo đúng yêu cầu về nhật trình khai thác và tính an toàn bền vững đối với ngành hải sản.Đánh giá về những điều đã làm được trong 6 tháng qua của ngành khai thác, đánh bắt hải sản, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, các địa phương phải rà soát đồng bộ lại hệ thống giám sát tàu cá, cũng như giấy phép hoạt động tàu cá, nậu vựa, tàu thu mua trên biển.

Ngành khai thác, đánh bắt hải sản cần cố gắng, có chương trình hành động quyết liệt hơn nữa, sớm xây dựng một nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập, để đến tháng 1/2019, phía châu Âu gửi công bố chính thức gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam.Để giám sát chặt chẽ hơn việc khai thác, đánh bắt trên biển của ngư dân, áp dụng công nghệ giám sát và tập huấn ngư dân giám sát lẫn nhau rất quan trọng, giúp nghề cá phát triển bền vững và nguồn nguyên liệu dễ dàng xác định được nguồn gốc.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Tổng cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, thu hồi và bảo dưỡng hệ thống giám sát tàu cá (Movimar) đã được lắp đặt trong thời gian qua trên các tàu cá, đồng thời nâng cấp tính năng của các thiết bị giám sát, tiếp tục duy trì cài đặt hệ thống này cho tàu cá đến giai đoạn 2018-2020, để giúp nhà chức năng quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động khai thác của tàu cá, cũng như dự báo ngư trường, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cho tàu cá vươn khơi./.

Hồng Nhung

[LIVE] Data Talk: Bản đồ tài sản 2025 - Chiến lược từ các quỹ lớn phát sóng 14h30 chiều nay
Data Talk số tháng 1/2025 với sự tham gia của các diễn giả đến từ những quỹ đầu tư hàng đầu Việt Nam hiện nay, mục tiêu giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin tham khảo để tối ưu hóa tài sản trong năm mới. Đón xem vào lúc 14h30, Thứ Năm, ngày 9/1/2025.