|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơ hội ‘tỷ đô’ của trái cây Việt

17:00 | 26/01/2023
Chia sẻ
Loạt trái cây Việt được cấp 'visa' vào thị trường lớn cho thấy dư địa của mặt hàng này còn rất lớn. Nhiều chuyên gia dự báo 2023 sẽ là năm 'bùng nổ' của ngành rau quả.

"Cửa" vào thị trường lớn rộng hơn với trái cây Việt

Sau thời gian bị tác động bởi dịch COVID-19, cơ hội tăng trưởng của ngành rau quả Việt đang ngày càng rõ nét khi các thị trường tiêu dùng lớn đều mở rộng cửa nhập hàng Việt. 

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn gần đây, nhiều loại trái cây của Việt Nam đã được Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch.

Quả sầu tiêng được chính thức thông quan nhập khẩu vào thị trường tỷ dân từ tháng 9. Tiếp đó đầu tháng 11, cơ hội xuất khẩu chuối cũng mở ra khi Nghị định thư về được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cùng tháng, Bộ NN&PTNN tiếp nhận thông tin về Nghị định thư xuất khẩu khoai lang sang Trung Quốc. Trước đó, chanh leo cũng đã được xuất khẩu thí điểm qua một số cửa khẩu được chỉ định từ tháng 7/2022. 

  Sầu riêng là mặt hàng trái cây vừa được Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch. (Ảnh: Như Huỳnh). 

 

Như vậy, tính đến nay Việt Nam có 13 loại nông sản xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Đây cũng là “khách hàng lớn nhất của ngành rau quả Việt, chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu. Trong tháng 10, giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường này cũng tăng trưởng mạnh, đạt 152 triệu USD, tăng 44% so với tháng 10/2021.

Không chỉ Trung Quốc, tại thị trường Mỹ, quả bưởi tươi đã chính thức tiếp cận người tiêu dùng nước này sau 5 năm đàm phán. Đây là trái cây thứ 7 của Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ và sắp tới sẽ đến trái dừa là loại quả tiếp theo tìm đường vào xứ cờ hoa.  

  Quả bưởi tươi Việt Nam được "rộng" cửa xuất khẩu vào Mỹ, New Zealand. (Ảnh: Như Huỳnh) 

Ngoài ra, ngày 24/11, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã công bố hoàn thành việc mở cửa thị trường Nhật Bản cho quả nhãn và thị trường New Zealand cho chanh và bưởi.

Mở ra triển vọng tăng trưởng cho năm 2023  

Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách Zero Covid khiến việc xuất khẩu rau quả Việt Nam gặp khó, kim ngạch 9 tháng năm 2022 giảm đến 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất mặt hàng này của Việt Nam nên kéo kim ngạch toàn ngành sụt giảm 12% so với trong 9 tháng năm 2021, giá trị mang về chỉ đạt hơn 2,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, tới tháng 10, xuất khẩu rau quả Việt Nam đã ghi nhận đạt 310 triệu USD, tăng 23% so với tháng trước và tăng 28% so với tháng 10 năm ngoái, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan. 

Các doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng việc mở cửa hàng loạt cho trái cây Việt Nam sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu rau quả trong những tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023. 

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho rằng năm 2023 tiềm năng xuất khẩu của rau quả là rất lớn.

"Với trái sầu riêng, hàng năm, Trung Quốc chi khoảng 4,5 tỷ USD để nhập khẩu từ các nước. Việt Nam có lợi thế nhất định về địa lý gần, việc vận chuyển nhanh hơn nhiều nước nên loại quả này được kỳ vọng sẽ mang về lợi nhuận, doanh số cao cho ngành nông nghiệp", ông Tùng chia sẻ.

  Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group. (Ảnh: Như Huỳnh) 

Sự sôi động của ngành hàng sầu riêng thời gian qua đã cho thấy rõ nhận định trên hoàn toàn có cơ sở. Ở thị trường xuất khẩu, giá sầu riêng của Việt Nam đạt bình quân 4.466 USD/tấn, khá cạnh tranh so với mức giá bình quân 5.033 USD/tấn của Thái Lan.

Ngoài việc thuận lợi về mặt vị trí địa lý, mùa vụ sầu riêng Việt Nam trải đều quanh năm và đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của người dân cũng là lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết những lô sầu riêng khi vào Trung Quốc được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực do giá rẻ hơn sầu riêng Thái Lan, Malaysia, trong khi chất lượng không thua kém, thậm chí còn ngon hơn.

"Sầu riêng Thái Lan thường có độ cứng của múi thịt, trong khi người Trung Quốc, Việt Nam thích ăn sầu riêng chín cây, có độ mềm, thơm nên khi xuất khẩu sang đây, người tiêu dùng đánh giá rất cao", Tổng thư ký Vinafruit cho hay.

Còn theo Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, trái sầu của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc trong năm nay có nghĩa là bắt đầu từ giai đoạn này và năm sau, xuất khẩu rau quả sẽ tăng trưởng nhiều nhờ vào đó.

"Nếu tiếp cận tốt vào thị trường này, tận dụng lợi thế trồng quanh năm so với sầu riêng Thái Lan chỉ một vụ và đảm bảo chất lượng xuất khẩu thì giá trị mang về có thể hơn 1 tỷ USD", ông Tùng nhận định.

Những năm gần đây, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc thường đạt kim ngạch từ 2 - 3 tỷ USD/năm. Các chuyên gia cho rằng cùng với việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch sẽ giúp thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan.    

Bên cạnh sầu riêng, trái bưởi của Việt Nam đã vào New Zealand và Mỹ cũng mở ra nhiều kỳ vọng khi công nghệ bảo quản lên đến 90 ngày, vùng nguyên liệu quanh năm tạo thuận lợi cho việc thâm nhập sâu vào các thị trường.

"Đây là các tín hiệu để dự doán 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả. Dự báo mức tăng trưởng toàn ngành năm sau có thể sẽ vào khoảng 20-30% khi Trung Quốc dần gỡ bỏ chính sách Zero COVID và các nước quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm tốt cho sức khỏe, mặt hàng tươi ngon, dinh dưỡng như trái cây Việt Nam", ông Tùng nhận định.

Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023 Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam.

Như Huỳnh

Dòng tiền vẫn dồi dào trên TTCK, song cần chắt lọc lựa chọn cổ phiếu
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán đang tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ dòng tiền dồi dào. Tuy nhiên, ở mức định giá cao, cơ hội sẽ trở nên khó hơn, nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn các cổ phiếu có mức định giá vẫn hấp dẫn.