Cơ hội từ EVFTA dưới góc nhìn của doanh nghiệp châu Âu
Doanh nghiệp châu Âu kì vọng EVFTA sớm thực thi
Được đánh giá là hiệp định có những cam kết cao nhất trong các hiệp định thương mại tự do mà cả Việt Nam và châu Âu kí với các đối tác, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là cầu nối của thị trường rộng lớn với hơn 600 triệu dân gồm hơn 500 triệu nguời dân châu Âu và hơn 100 triệu nguời Việt Nam.
Những thỏa thuận của Hiệp định xung quanh các nội dung về thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động, công đoàn, biến đổi khí hậu...
Theo đó, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng kì vọng Hiệp định EVFTA sẽ giảm các hàng rào thuế quan, chú trọng đến môi trường, cải thiện thủ tục hành chính... khi đi vào thực thi.
Trao đổi với người viết bên lề buổi tọa đàm The EVFTA: What's next?, ông Mario Archidiacono, Tổng giám đốc Công ty TNHH BONCAFE Việt Nam cho biết: "Việc xóa bỏ thuế nhập khẩu vào Việt Nam sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp chúng tôi so với các đối thủ đến từ những nước được hưởng thuế suất thấp hơn doanh nghiệp Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đang chịu.
Tôi hi vọng những ưu đãi này sẽ sớm được áp dụng từ đầu năm sau như đã được hứa hẹn".
Ông Mario Archidiacono, Tổng giám đốc Công ty TNHH BONCAFE Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Guru Mallikarjuna, Giám đốc điều hành Bosch Việt Nam, một trong những nhà đầu tư lớn nhất châu Âu hiện đang hoạt động trong bốn lĩnh vực gồm nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất, bán hàng và dịch vụ tại Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi kì vọng Hiệp định thương mại EVFTA sẽ mang lại lợi ích và cơ hội lớn cho thương mại và đầu tư giữa các công ty, người lao động và người tiêu dùng tại châu Âu và Việt Nam.
Hiệp định này dự kiến sẽ loại bỏ hầu hết hàng rào thuế quan đối với hàng hóa giao dịch giữa Việt Nam và các nước thuộc liên minh châu Âu. Do đó, việc nhập khẩu linh kiện và máy móc từ EU và xuất khẩu các sản phẩm của Bosch Việt Nam sang các nước EU sẽ dễ dàng hơn".
Ông Guru Mallikarjuna, Giám đốc điều hành Bosch Việt Nam.
Theo ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), sự mong chờ của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu là điều dễ hiểu, bởi nếu EVFTA chậm thực thi, doanh nghiệp châu Âu lo mất sức cạnh tranh.
Hiện số doanh nghiệp thành viên EuroCham đạt trên 1.000. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp châu Âu, nhờ tăng trưởng và phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cải cách trong nước.
Khảo sát của EuroCham cũng cho thấy gần 80% doanh nghiệp phản hồi EVFTA sẽ có tác động đến hoạt động kinh doanh trong trung hạn hoặc dài hạn. Trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của châu Âu đang chủ động tìm kiếm cơ hội.
"Trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư châu Âu phải đối mặt với sự cạnh tranh của bên thứ ba, vốn đã được hưởng lợi từ các FTA ưu đãi như Hiệp định thương mại tự do ASEAN hoặc CPTPP.
Do đó, tôi cũng mong muốn hiệp định được thực thi vào đầu năm 2020 nhưng nếu Nghị viện châu Âu bỏ phiếu sau thời điểm tháng 10 thì các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục chờ đợi việc thực thi tại Việt Nam khoảng tháng 5/2020", ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Eurocham cho hay.
63 tỉnh, thành Việt Nam sẽ tiếp cận EVFTA
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam), chia sẻ với người viết: "Chúng tôi nhận thấy tín hiệu tích cực đó là sự quan tâm sâu sắc của các doanh nghiệp châu Âu tới EVFTA.
Và một điều đáng mừng nữa là có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam và đó cũng là các doanh nghiệp chúng tôi muốn hướng tới".
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.
Theo đó một trong những nỗ lực mà Chính phủ Châu Âu và Việt Nam hướng đến là đảm bảo tinh thần, nội dung của hiệp định được phổ biến tới các cấp, tỉnh thành của Việt Nam.
"Sau khi kí kết, để doanh nghiệp được tiếp cận các thủ tục đầu tư đơn giản và đúng theo cam kết EVFTA, EuroCham sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho các công ty muốn đến làm ăn, đầu tư tại Việt Nam, thúc đẩy tối đa hoạt động giao thương giữa hai bên", Chủ tịch Eurocham nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Việt Nam có 63 tỉnh, thành và mỗi địa phương sẽ có những đặc thù khác nhau; trong khi đó, nhà xuất khẩu châu Âu chỉ bán được hàng khi họ hiểu được thị trường, hiểu thị hiếu tiêu dùng người Việt Nam.
Do đó thời gian tới, EuroCham sẽ tiếp tục cung cấp các thông tin về thị trường, về cam kết trong hiệp định tới 63 địa phương của Việt Nam, đảm bảo cách hiểu thống nhất, hiểu rõ về cam kết của EVFTA cũng như những tiêu chuẩn mà các nhà xuất khẩu Việt Nam muốn xuất sang thị trường châu Âu và ngược lại.
Bên cạnh đó, đại diện EuroCham Việt Nam cũng nhận định: "Việt Nam đang là điểm đến của các cơ sở sản xuất, thương hiệu lớn nhất thế giới, các công ty đa quốc gia cũng từng có những bước tuần tự khi vào thị trường Việt Nam và họ cần thời gian để mọi thứ thẩm thấu".
Vì vậy, các doanh nghiệp cần xem xét những tiêu chuẩn châu Âu và tìm cách áp dụng vào sản phẩm, đồng thời cần bắt đầu tìm kiếm đối tác ở EU để có thể dễ dàng tiếp cận thị trường, cũng như người tiêu dùng của khu vực này, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu tại Việt Nam lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Với EVFTA, Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu EU sang Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ dần trong thời gian tối đa là 10 năm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp của EU cũng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ các cam kết khác của Việt Nam như các cam kết cắt giảm một số hàng rào phi thuế quan trong ngành ô tô, cam kết về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống của EU, cam kết về mở cửa thị trường mua sắm công…
Đổi lại, EU cũng cam kết xóa bỏ 71% thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Việt Nam kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm dần theo lộ trình tối đa là 7 năm và áp dụng hạn ngạch thuế quan với một số hàng hóa đặc biệt. EU cũng cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 39 sản phẩm của Việt Nam.