CNBC: Từ 'rung lắc' 2018, Trung Quốc sẽ 'thấm đòn' thuế Mỹ năm 2019
Trung Quốc muốn chuyển hàng sang Việt Nam để né thuế Mỹ | |
Trung Quốc đánh thuế trả đũa 25% lên 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ |
Công nhân Trung Quốc làm việc trong một nhà máy giày ở Quảng Đông - Ảnh: AFP |
Theo Đài CNBC, các chuyên gia giải thích rằng cho đến nay, xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ vẫn còn tốt nhờ các đơn hàng xuất sớm, nhưng khi xuất khẩu bắt đầu chậm lại trong năm sau (do ảnh hưởng của thuế), tăng trưởng của Trung Quốc sẽ bị đe dọa.
"Chúng ta chưa nhìn thấy tác động trực tiếp (của thuế), nhưng chúng ta sẽ chứng kiến trong năm sau. Rủi ro ở đây là tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại rõ rệt trong năm 2019. Nhu cầu toàn cầu sẽ giảm từ 1 đến 2 bậc" - nhà kinh tế Tom Rafferty, thuộc Hãng The Economist Intelligence Unit, dự báo.
Ngành sản xuất và xuất khẩu đã giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng khó khăn ngày càng chồng chất trong bối cảnh tăng trưởng chung toàn cầu đang bước qua giai đoạn suy giảm.
GDP Trung Quốc đang tăng chậm nhất trong hơn 20 năm, và Bắc Kinh đang cố lèo lái nền kinh tế sang hướng tiêu dùng, song song đó giảm sự lệ thuộc vào vay nợ để kích tăng trưởng. Giữa lúc này, cuộc chiến thương mại với Mỹ càng làm thị trường bất an.
Năm vừa qua, Mỹ đã áp thuế lên 250 tỉ USD hàng Trung Quốc - bằng 2/3 giá trị thâm hụt hàng hóa song phương năm 2017. Bắc Kinh trả đũa bằng cách áp thuế lên 110 tỉ USD hàng Mỹ.
Trên lý thuyết, thuế của Tổng thống Donald Trump khiến người tiêu dùng Mỹ phải chi nhiều tiền hơn, và làm giảm nhu cầu đối với hàng Trung Quốc.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đạt mức kỷ lục trong tháng 11 vì các nhà xuất khẩu nước này chạy đua gửi hàng sang Mỹ sớm trước hạn để né thuế. Nhưng điều này sẽ không kéo dài được lâu.
"Trung Quốc còn ổn là nhờ xuất khẩu, chính xác là nhờ các đơn hàng xuất sớm" - giáo sư kinh tế Zhu Ning thuộc Đại học Thanh Hoa giải thích.
Giống nhiều chuyên gia khác, ông Zhu dự báo căng thẳng thương mại với Mỹ sẽ tác động mạnh hơn lên kinh tế Trung Quốc trong năm sau, chủ yếu do xuất khẩu giảm.
Hiện đã có một vài dấu hiệu "rung lắc", chẳng hạn tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 11 của Trung Quốc giảm mạnh, chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (hai tháng trước đó là 14,4% và 15,6%).
Tỉnh Quảng Đông, thủ phủ hàng xuất khẩu của Trung Quốc, đã ngừng công bố chỉ số hoạt động doanh nghiệp hồi tháng 10. Tháng trước đó, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Quảng Đông là 50,20 (dưới 50 là suy giảm). PMI quốc gia của Trung Quốc chạm mốc 50 hồi tháng 11.
"Năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến xuất khẩu rớt xuống mức chậm, tăng trưởng thì 1 con số" - chuyên gia Larry Wu thuộc Macquarie Group dự đoán.
Ông Wu cho biết ông kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận, và điều làm ông lo lắng hơn không phải thuế, mà đó là thị trường bất động sản Trung Quốc đang bị xì hơi.