Chuyên gia Phố Wall vẫn tin tưởng vào cổ phiếu công nghệ dù bị bán tháo mạnh
Cổ phiếu công nghệ có cần điều chỉnh?
Các quán quân của thị trường chứng khoán Mỹ năm nay bỗng chấp trở thành những kẻ tụt hậu.
Cổ phiếu công nghệ tiếp tục lao dốc ngày 8/9. Tesla, Apple, Facebook, Microsoft, Amazon và Alphabet kéo các chỉ số chính đi xuống. Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn ghi nhận đợt bán tháo tồi tệ nhất trong hơn 5 tháng qua.
Chỉ trong ba ngày, hơn 1.000 tỉ USD đã "bay hơi" khỏi vốn hóa 6 gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ. Tuy nhiên, nếu so với đầu năm, giá trị thị trường của các công ty này vẫn lớn hơn khoảng 2.100 tỉ USD.
Thử nhìn vào nạn nhân đáng chú ý nhất của cuộc bán tháo là Tesla. Theo tờ Bloomberg, Tesla đang thách thức định nghĩa về "sự điều chỉnh" trong thị trường chứng khoán.
Thông thường, điều chỉnh trong đầu tư là hiện tượng giá chứng khoán giảm từ 10% trở lên so với đỉnh gần nhất.
Vốn hóa hãng xe điện của tỉ phú Elon Musk giảm hơn 1/3 trong 5 ngày giao dịch. Chắc hẳn rằng thị giá Tesla đang cao hơn giá trị hợp lí và cần được điều chỉnh. Nhưng từ điều chỉnh ngụ ý rằng giờ Tesla đã về đúng giá trị thực sự. Khi xét rằng Tesla vẫn tăng 16% trong vòng 4 tuần qua, khó có thể nghĩ rằng giá của Tesla đã được sửa lại cho đúng.
Nhìn chung, nhà đầu tư nghĩ rằng thị trường chứng khoán Mỹ đang điều chỉnh sai lầm là đã định giá quá cao một công ty. Nếu có cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng thì thị trường không điều chỉnh mà là phản ứng với thông tin mới, và có lẽ là rơi vào thị trường gấu.
Công bằng mà nói, giá cổ phiếu Tesla cần được điều chỉnh, vì nó đã vượt xa những ngưỡng được hỗ trợ bởi các yếu cố căn bản. Tuy nhiên, việc cho rằng giảm 10% là đủ lại là sai lầm.
Đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ đi kèm với hành vi lạ lùng của thị trường quyền chọn. Điều này được thể hiện rõ nhất khi nhìn vào chỉ số VIX – thước đo sự sợ hãi của thị trường chứng khoán. Chỉ số VIX đi lên khi trong những phiên S&P 500 tăng điểm vừa qua, nhưng lại đi xuống trong phiên giao dịch 8/9 khi đợt bán tháo càng dữ dội.
Theo Bloomberg, đồ thị trên có vẻ cho thấy nhà đầu tư đang nỗ lực để điều hòa các vị thế quyền chọn chứ không phải là đám đông quyết định rằng thị trường đã bị định giá quá cao. Không có lí do cụ thể nào để nghĩ rằng các cổ phiếu công nghệ lớn đã được điều chỉnh.
Giới chuyên gia vẫn lạc quan
Các nhà quan sát thị trường đang kêu gọi nhà đầu tư thận trọng, nhưng không cho rằng cú hụt chân mới nhất sẽ đặt dấu chấm hết cho hiệu suất sinh lời vượt trội lâu dài của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Ông Gene Munster, đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Loup Ventures nói với CNBC rằng những công ty nắm bắt được xu hướng mới trong bối cảnh người tiêu dùng hạn chế ra ngoài đang có lợi thế.
"Đây là những xu hướng toàn cảnh không thể phủ nhận và tôi nghĩ đó sẽ là điều tích cực. Các công ty như Google, Amazon là một cơ hội… Chúng là những cổ phiếu nhà đầu tư cần có. Tôi thích các công ty như Facebook và Zoom. Bộ phận này của thị trường tạo ra cơ hội. Tôi cho rằng nhịp thoái lui (pullback) này thực sự là cơ hội để sở hữu một số cái tên lớn".
Ông Dan Ives, nhà phân tích công nghệ kiêm Giám đốc Wedbush Securities lập luận rằng cổ phiếu công nghệ sẽ tiếp tục vượt trội so với thị trường chung.
"Phố Wall vẫn đang đánh giá thấp khả năng tiến xa của công ty công nghệ và những cái tên được hưởng lợi từ xu hướng làm việc tại nhà. Tôi nghĩ rằng thị trường đang đánh giá lại. Những gì chúng ta đang chứng kiến đối với cổ phiếu công nghệ là sự thay đổi về mô hình. Cổ phiếu công nghệ được thúc đẩy bởi các yếu tố cơ bản".
"Cuộc phục hồi từ COVID-19 của nền kinh tế sẽ diễn ra theo hai giai đoạn. Mặt khác, bạn đang ở trong một giai đoạn phục hồi. Do vậy, cổ phiếu công nghệ vẫn sẽ tiếp tục đi lên bất chấp những động thái mới đây".
Ông Reggie Browne, người đứng đầu GTS và được mệnh danh là "bố già của các quĩ ETF" nhận định thị trường chứng khoán Mỹ đang bước vào kỉ nguyên mới.
"Tôi nghĩ chúng ta đang ở trong chu kì đầu tư mới. Tôi chẳng thấy gì khác ngoài bầu trời trong xanh đang rộng mở".
Ông Mike Pyle, Giám đốc đầu tư toàn cầu của BlackRock nghĩ rằng việc tiếp tục nắm giữ cổ phiếu công nghệ sẽ đem lại trái ngọt.
"Chúng ta có thể thấy một số nguồn gốc quan trọng của sự không chắc chắn và biến động vào mùa thu: Việc mở cửa trở lại của trường học – hay rộng hơn là của toàn nền kinh tế, rủi ro về đại dịch COVID-19, về chính sách tài khóa và hỗ trợ của chính phủ, rủi ro xoay quanh cuộc bầu cử tổng thống trong 8 tuần tới", CNBC dẫn lời ông Mike Pyle nói.
"Diễn biến của cổ phiếu công nghệ trong tháng 8 thực chất là bình ổn hơn với những gì mà các yếu tố căn bản ám chỉ. Biến động quay trở lại trong tuần vừa qua chỉ là sự phản ánh rằng chúng ta đang ở trong môi trường bất ổn. Nhưng nhà đầu tư sẽ nhận được phần thưởng nếu tiếp tục đầu tư thông qua giai đoạn biến động".