|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh: Tăng trưởng GDP quí II có thể sẽ âm, nhưng Việt Nam có đủ nguồn lực để giữ ổn định vĩ mô và thúc đẩy kinh tế

10:59 | 08/04/2020
Chia sẻ
Ban biên tập xin tiếp tục được gửi đến quí độc giả những nhận định cập nhật tiếp theo của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu dựa trên những số liệu mà ông quan sát, cùng với đó là những nhận định của ông về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những quí tiếp theo.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh: Tăng trưởng GDP quí II có thể sẽ âm, nhưng Việt Nam có đủ nguồn lực để giữ ổn định vĩ mô và thúc đẩy kinh tế  - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh. Ảnh: BizLive

Chưa khi nào Việt Nam lại phải chịu combo "tam tai" như năm nay, ngoài dịch bệnh là nguyên nhân chính, hai nguyên nhân khác đến từ giá dầu giảm sâu và tình trạng khô mặn tại ĐBSCL.

Tăng trưởng quí II có thể sẽ âm vì 6 ngành trụ cột giảm tốc

Tăng trưởng GDP trong quí I của Việt Nam đạt mức 3,82%, được ông Nguyễn Đức Hùng Linh đánh giá là có chút may mắn; trong quí II nếu tiếp tục may mắn Việt Nam có thể sẽ giữ được mức tăng 1%, nếu không sẽ tăng trưởng âm. 

Dưới đây là tóm tắt 6 ngành lớn nhất (chiếm 57% GDP) của chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh để thấy vì sao tăng trưởng GDP quí II hoàn toàn có thể âm.

Công nghiệp chế biến chế tạo (19% GDP).

Theo ông Linh, quí I may mắn đến với ngành này khi Điện tử (+14,3%) là ngành được hưởng lợi do các nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa. Tuy vậy khi các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc được nối lại cùng với đại dịch bùng phát toàn cầu, sản lượng điện tử tại Việt nam gần như chắc chắn sẽ giảm. 

Trong quí I/2009, ngành Công nghiệp chế biến chế tạo giảm 0,3% do suy thoái kinh tế trong khi quí I/2020, ngành này vẫn còn tăng 7,12% nhờ nhóm Điện tử có tỉ trọng cao.

Nông nghiệp (10% GDP) sẽ rất khó khăn vì khô hạn mặn.

Diện tích lúa Đông Xuân vụ 2020 cả nước đã giảm 3%. Xuất khẩu nông thủy sản quí I (gồm thủy sản, rau quả, gạo, hạt tiêu, chè, cà phê, hạt điều, sắn) đã giảm 48%, từ 9,5 tỉ USD xuống còn 4,9 tỉ USD. Theo ông Linh, tình trạng xâm nhập mặn và giảm cầu kéo dài có thể khiến tăng trưởng nông nghiệp quí II âm.

Bán buôn bán lẻ (9,8% GDP) khả năng cao là rất thấp hoặc âm.

Chỉ số bán lẻ trong tháng 3 đã giảm xuống 1,6% từ mức 7,2% của tháng 1. Với việc áp dụng cách li toàn xã hội trong tháng 4, ông Linh dự báo chỉ số bán lẻ chắc chắn sẽ giảm âm trong một vài tháng của quí II. Trong quí I, ngành này cũng chỉ tăng 5,69%, mức thấp nhất 6 năm.

Xây dựng (6,55% GDP) trong quí I chỉ tăng 4,37%, thấp hơn cả thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính 2009.

Nguyên nhân là do vốn đầu tư toàn xã hội và thị trường bất động sản chậm chạp. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quí I chỉ tăng 2,2% (cùng kỳ tăng 8,8%), còn thị trường bất động sản đang chịu sức ép ở cả phía cung và phía cầu. 

Ông Linh lưu ý rằng trong tổng đầu tư toàn xã hộ có đầu tư công. Thực tế đầu tư công đã tăng rất cao (16,4%) nhưng vì khoản mục lớn nhất là vốn tư nhân chỉ tăng 4,2%, còn FDI giảm 5,4% nên tổng thể lại thấp. Quí II, tổng vốn đầu tư rất có thể sẽ giảm âm.

Tài chính ngân hàng bảo hiểm (5,9% GDP) sẽ bị giảm tốc do các hoạt động kinh tế chậm lại.

Việc lĩnh vực tài chính bảo hiểm trong quí I vẫn tăng tới 7,2 theo ông Linh là khá bất thường. Chuyên gia này cho rằng, trong năm nay chính sách tiền tệ sẽ phải rất tích cực (vất vả) để hỗ trợ nền kinh tế, do đó dù chậm lại nhưng cũng không thể quá chậm.

Khai khoáng (5,6% GDP) sẽ rất khó khăn vì giá dầu

Sản lượng khai thác dầu thô tháng 3 giảm 16% và tính chung quí I giảm 11%. Với giá dầu giảm nhanh về chỉ còn 1/3 trung bình năm 2019 thì việc khai thác dầu tại Việt nam sẽ rất khó có lãi, do đó việc tiếp tục giảm sản lượng là đương nhiên.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh: Tăng trưởng GDP quí II có thể sẽ âm, nhưng Việt Nam có đủ nguồn lực để giữ ổn định vĩ mô và thúc đẩy kinh tế  - Ảnh 2.

Khai thác dầu khí sẽ giảm mạnh vì giá dầu xuống thấp. Ảnh: Vietnamplus

Như vậy, với việc 6 ngành lớn nhất có thể sẽ giảm tốc hoặc tăng trưởng âm (nông nghiệp, khai khoáng, lưu trú ăn uống và vận tải kho vận gần như chắc chắn âm). 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định, quí II năm nay có thể sẽ là quí đầu tiên trong hàng chục năm Việt Nam tăng trưởng kinh tế âm. Đây là điều mà ngay cả trong khủng khoảng 2009 và 2012 đều chưa từng xảy ra. 

Việt Nam có đủ nguồn lực để giữ ổn định vĩ mô, thậm chí thúc đẩy tăng trưởng

Tuy nhiên ông Linh cũng cho rằng, nếu so với hai giai đoạn nói trên, Việt Nam hiện tại lại có nhiều lợi thế hơn để ổn định vĩ mô, thậm chí là còn đủ nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng.

Thuận lợi số 1, quan trọng nhất là dư địa tài khóa và tiền tệ (hiểu nôm na là đang rủng rỉnh tiền bạc hơn).

Trước khi nổ ra dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế của thế giới và Việt nam đều đang trên đà tốt. Các chính sách điều hành kinh tế lớn của Việt nam đa phần đều đi đúng hướng. Điều này rất khác so với giai đoạn 2009 và 2012 khi những sai lầm trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa thời gian trước đó đã dẫn đến khủng hoảng và hao tổn rất nhiều nguồn lực.

Trong 5 năm trở lại đây, cùng với sự vươn lên của khối FDI và tư nhân, Việt Nam đã liên tục xuất siêu với giá trị xuất siêu tăng dần. Xuất siêu mang đến một lượng lớn ngoại tệ, giúp gia tăng cung tiền và ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng. Nhờ xuất siêu mà dự trữ ngoại hối hiện tại đã đạt 85 tỉ USD, bằng 4 tháng nhập khẩu, trong khi vào cuối năm 2008 và 2012, dự trữ ngoại hối là 24 tỉ USD và 26 tỉ USD, tương đương 3,6 và 2,7 tháng nhập khẩu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh: Tăng trưởng GDP quí II có thể sẽ âm, nhưng Việt Nam có đủ nguồn lực để giữ ổn định vĩ mô và thúc đẩy kinh tế  - Ảnh 3.

Khối FDI vươn lên mạnh mẽ trong 10 năm qua giúp Việt Nam rủng rỉnh ngoại tệ

Vốn đầu tư công giải ngân chậm trong năm 2018 và 2019 vô hình chung đã để lại số dư tiền lớn trong ngân sách, ước tính xấp xỉ 500 nghìn tỉ đồng, bằng 8% GDP. Với lượng tiền này, dù thu ngân sách 2020 có giảm mạnh, nguồn vốn cho hệ thống y tế cũng như các dự án hạ tầng trọng điểm sẽ không bị ảnh hưởng.

Thuận lợi thứ 2 là lạm phát thấp.

CPI quí I so với cuối năm 2019 (YTD) tăng 0,34%, là quí I có chỉ số CPI (YTD) thấp nhất 5 năm. Ngoài việc giá dầu đã giảm rất sâu, giá thịt lợn nhiều khả năng cũng sẽ giảm nhờ dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế và quyết tâm của Chính phủ (dù thực tế ở siêu thị giá thịt lợn lại tăng). Thực phẩm và nhiên liệu là hai nhóm hàng hóa có tác động lớn đến CPI, do đó nhận định của ông Linh cho rằng chỉ số này năm 2020 sẽ tăng thấp.

Lạm phát thấp là tiền đề quan trọng để giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa năm nay với 2009 và 2012.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh: Tăng trưởng GDP quí II có thể sẽ âm, nhưng Việt Nam có đủ nguồn lực để giữ ổn định vĩ mô và thúc đẩy kinh tế  - Ảnh 4.

Chính phủ đang định hướng giảm giá thịt lợn trong thời gian tới

Chính sách tiền tệ trong hai nhiệm kì qua có thể nói là đã hiệu quả hơn nhiều so với thời gian trước đó. Năm 2008 và 2011 lạm phát phi mã có nguyên nhân chính từ sai lầm của chính sách tiền tệ (kích tín dụng tăng quá mạnh và thiếu định hướng).

Thuận lợi thứ 3 là động lực tăng trưởng đã chuyển sang FDI và tư nhân, hai thành phần có sự năng động nhất.

Năm 2009, xuất khẩu của khối FDI chiếm 55% tổng xuất khẩu; năm 2019, tỉ lệ này là 68%. Kể từ năm 2017 (năm của Nghị quyết 10) kinh tế tư nhân đã vươn lên nhanh chóng. Tổng vốn đầu tư của khối tư nhân trong giai đoạn 2017 - 2019 đã tăng trung bình 18%/năm, cao hơn nhiều giai đoạn 2014 - 2016 là 12%. Ngược lại, khối doanh nghiệp nhà nước giảm từ 12%/năm xuống -2%/năm.

Theo ông Hùng Linh, có thuận lợi cũng sẽ đi kèm với khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là độ mở của nền kinh tế. 

Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt nam bằng hai lần GDP; năm 2009 tỉ lệ này mới là 1,2 lần. Do vậy, những cú sốc từ bên ngoài sẽ có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với năm 2009.

Với những thuận lợi và khó khăn như trên, theo ông Linh, việc ứng phó với dịch bệnh trong năm 2020 sẽ rất khác với hai đợt khủng hoảng 2009 và 2012. Việt Nam không cần đặt ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà hoàn toàn đủ khả năng thực hiện cả hai mục tiêu chiến lược là thúc đẩy tăng trưởng và ổn định vĩ mô, trong đó thúc đẩy tăng trưởng được ưu tiên cao hơn.

Tuy nhiên, câu hỏi là làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng khi dịch bệnh hoành hành? Ông Linh cho rằng, quí II năm nay dù có làm gì cũng sẽ không thể kéo được tăng trưởng, nhưng nhưng những hành động trong quí II sẽ giúp cho nền kinh tế hồi phục nhanh hơn trong nửa cuối năm và tăng tốc những năm tiếp theo.

Những việc Nhà nước có thể làm

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh: Tăng trưởng GDP quí II có thể sẽ âm, nhưng Việt Nam có đủ nguồn lực để giữ ổn định vĩ mô và thúc đẩy kinh tế  - Ảnh 5.

Đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, tuy vậy cần phải đảm bảo tính minh bạch và chống thất thoát triệt để. Ảnh: Báo Đầu tư

Đây là những gợi ý của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh về những việc Chính phủ có thể làm trong giai đoạn sắp tới để ứng phó khủng hoảng và thúc đẩy tăng trưởng.

- Thúc đẩy đầu tư công, tập trung các dự án hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa cao, nhất là trong khu vực phía Nam.

- Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lí các ngân hàng yếu kém để chặn đua lãi suất, đây là tiền đề cho giảm lãi suất một cách lâu dài.

- Phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ các tập đoàn tư nhân có sức cạnh tranh mạnh, tạo dựng 30 “con sếu lớn” làm đầu tàu kéo tăng trưởng.

- Sửa đổi luật đất đai, dỡ bỏ hạn điền, giải phóng hoàn toàn ngành nông nghiệp.

- Bảo hộ sản xuất trong nước, khuyến khích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trong nước, trong đó đặc biệt chú ý nhập siêu từ ASEAN. (Trong quí I người Việt Nam vẫn chi 1,4 tỉ USD cho du lịch quốc tế, chỉ giảm 2,9% trong khi xuất khẩu du lịch giảm 18,6%, đây là lí do khiến nhập siêu dịch vụ tăng gấp 3).

Những việc trên không hề tốn kém, nhưng theo ông Linh để làm được thì cần có sự tỉnh táo và quyết tâm rất lớn.

Đông A (ghi)

[LIVE] ĐHĐCĐ DIG: Chủ tịch cho biết đang xin làm hai thành phố y tế, nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa
Tính đến 16h32p, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG có sự tham dự của 2.101 cổ đông (trực tiếp, trực tuyến và ủy quyền), đại diện hơn 306 triệu cổ phần, tương đương 50,24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.