|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chuyên gia hiến kế khắc phục tình trạng 'đô thị ngủ'

11:20 | 14/11/2020
Chia sẻ
Những khu đô thị thông minh đang là xu hướng phát triển của nhiều nước trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu áp dụng không hiệu quả mô hình này có thể khiến các khu đô thị bị hoang hóa.
Chuyên gia hiến kế khắc phục tình trạng 'đô thị ngủ' - Ảnh 1.

KĐT Songdo (Hàn Quốc) là điển hình của đô thị thông minh "ngủ quên" trong nhiều năm. (Ảnh: ihg.com).

Ngày 13/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và một số đơn vị đã có cuộc thảo luận về kiến tạo mô hình Khu đô thị (KĐT) thông minh tại Việt Nam.

Hiện nay, ở nước ta có nhiều KĐT hạ tầng đã hoàn thiện nhưng không có người ở, hiệu quả sử dụng đất sụt giảm, hình thành nên những KĐT bỏ hoang… Khi qui hoạch bị phá vỡ, sức ép hạ tầng gây ra các hệ quả cho xã hội như tắc đường, kẹt xe, ngập lụt…

Tình trạng này diễn ra ở cả những KĐT được cho là đáng sống ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ hay Hàn Quốc.

Thực trạng này cho thấy, việc kiến tạo một KĐT thông minh là bài toán của cả Việt Nam lẫn các quốc gia trên thế giới nói chung.

Đô thị thông minh: Xu hướng mới của thị trường bất động sản

Đề cập đến khái niệm KĐT thông minh, ông Pablo Acebillo, Chuyên gia cao cấp về Qui hoạch và Hạ tầng của enCity cho rằng đây là một hệ sinh thái mang lại môi trường sống chất lượng cao cho người dân. 

Hệ sinh thái này bao gồm các bên cung cấp giải pháp, bên thụ hưởng và hệ thống hạ tầng thông minh, khác biệt bởi khả năng đưa ra các quyết định trong thời gian thực cho tất cả các bên một cách nhanh chóng, hiệu quả, bền vững và kinh tế.

Theo ông Pablo, một KĐT thông minh sẽ gồm bốn lớp gắn kết với nhau: Lớp thứ nhất là hạ tầng dịch vụ, gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tài chính, an ninh, giao thông, du lịch, bán lẻ, tư vấn...

Lớp thứ hai là hạ tầng số gồm thu thập, lưu trữ, phân tích, kết nối công nghệ thông tin và truyền thông  tự động hóa...

Lớp thứ ba là hạ tầng kĩ thuật gồm bất động sản, giao thông, năng lượng, cấp nước, xử lí rác thải, mảng xanh, đường sá, năng lượng… Và lớp thứ tư là nền tảng tự nhiên gồm nước, đất, khí hậu…

Theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia qui hoạch, Giám đốc điều hành enCity (Singapore), mô hình khu đô thị thông minh đã xuất hiện trên thế giới nhiều năm quá và sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới. 

KĐT Songdo (Hàn Quốc), KĐT công nghiệp Suzhou (Trung Quốc) hay KĐT Punggol Northshore (Singapore)... là những ví dụ điển hình.

Tuy nhiên ở Việt Nam, việc tạo lập KĐT thông minh vẫn còn đó những thách thức, từ việc thu hút cư dân, xây dựng cộng đồng; thu hẹp khoảng cách với thành phố trung tâm; đa dạng hoạt động kinh tế; linh hoạt với các biến động của thị trường; xây dựng mô hình vận hành và gia tăng giá trị đất đai theo thời gian.

9 chiến lược kiến tạo nên một đô thị thông minh

Ở Việt Nam, không có nhiều dự án thành công trong việc trở thành KĐT thông minh. Ông Dũng cho rằng, để tránh xảy ra tình trạng "đô thị ngủ", các chủ đầu tư cần tập trung vào 9 chiến lược.

Các chiến lược này bao gồm địa điểm chiến lược; kết nối vùng; phân khu và phân kì; đa dạng sản phẩm; tạo hệ sinh thái; tập trung tiện ích; môi trường thân thiện; vận hành bền vững và gắn kết cộng đồng.

Chuyên gia hiến kế cải thiện tình trạng 'khu đô thị ngủ'? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia qui hoạch, Giám đốc điều hành Encity (Singapore). (Ảnh: Hoàng Huy).

Ông Nguyễn Công Hồng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark cho rằng, đối với một KĐT thông minh thì việc chọn vị trí cho dự án là tiêu chí tối quan trọng. 

Các nhà đầu tư khác nhau sẽ có những triết lí chọn vị trí khác nhau. Do đó, các KĐT cần lắng nghe triết lí của mỗi nhà đầu tư để chọn ra được vị trí thích hợp.

Tiếp theo, một dự án phải chọn được nhà tư vấn qui hoạch đúng, cùng định hướng với chủ đầu tư để tìm được tiếng nói chung. 

Theo ông Công, đây là vấn đề mấu chốt quyết định để giải quyết bài toán qui hoạch mà vốn dĩ ở Việt Nam vẫn làm chưa tốt.

Chưa hết, để làm đô thị đáng sống thì phải có người ở. Người dân khi có ý định mua nhà ở sẽ đặt những câu hỏi như con cái học ở đâu, chữa bệnh thế nào, làm việc, vui chơi ra sao...

Do đó, câu chuyện hạ tầng xã hội phải đi trước. Các chủ đầu tư phải đặt mình ở vị trí là khách hàng để thấy những nhu cầu cơ bản cho một nơi đáng sống.

Ngoài ra, một đô thị đáng sống cũng cần đảm bảo những tiêu chí về môi trường, công nghệ, không gian xanh...


Hoàng Huy