|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia gợi ý những nhóm ngành tiềm năng khi định giá thị trường không còn hấp dẫn

17:43 | 28/02/2022
Chia sẻ
Trên nền định giá cao và lợi nhuận doanh nghiệp phân hoá, chuyên gia FiinGroup gợi ý nhà đầu tư nên quan tâm nhóm cổ phiếu tránh được rủi ro lạm phát, hưởng lợi từ đầu tư công và phục hồi sau đại dịch. Một số ngành được nhắc đến như dược, vật liệu xây dựng, bán lẻ, thủy sản.

Định giá thị trường không còn hấp dẫn

Sau năm chứng khoán thăng hoa, thị trường không còn dễ dàng đối với tất cả nhà đầu tư khi thiếu dòng dẫn dắt cùng thanh khoản kém. Trong buổi hội thảo "Triển vọng đầu tư năm 2022 - FiinGroup Invest Summit", bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup đã có những nhận định về thị trường năm 2022.

Theo bà Vân, ba yếu tố chính tác động lên thị trường chứng khoán năm 2022 gồm triển vọng tăng trưởng lợi nhuận, định giá và các yếu tố vĩ mô, trong đó hai yếu tố là quan trọng nhất. 

Về tăng trưởng lợi nhuận, chuyên gia FiinGroup lưu ý tăng trưởng của khối tài chính sẽ tích cực hơn khối phi tài chính. Bên cạnh đó, nhóm ngành tăng trưởng mạnh trong năm 2021 chưa chắc đạt được mức tăng trưởng tương đương, thậm chí đi ngang hoặc suy giảm. Ngược lại, những nhóm ngành suy giảm do COVID-19 sẽ hồi phục mạnh khi hoạt động kinh tế bình thường trở lại.

Nhìn chung, bức tranh lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết khá tích cực và là động lực trọng yếu hỗ trợ đà tăng của thị trường.

Về yếu tố định giá, bà Vân nhận định định giá của thị trường ở mức khá cao so với năm 2020. Định giá của VN-Index đang ở 17,2 lần, tương đương mức trung bình giai đoạn 2018 tới nay. 

Nhìn qua, mức định giá này rất hấp dẫn, tuy nhiên cần lưu ý định giá chung của VN-Index chịu ảnh hưởng lớn từ khối ngân hàng, chiếm 1/3 tổng giá trị lợi nhuận và vốn hoá toàn thị trường. Khi định giá ngân hàng phải nhìn vào chỉ số P/B hơn là nhìn vào P/E.

Chuyên gia gợi ý những nhóm ngành tiềm năng khi định giá thị trường không còn hấp dẫn - Ảnh 1.

(Nguồn: Hội thảo "Triển vọng đầu tư năm 2022 - FiinGroup Invest Summit").

Theo đó, để thấy rõ bức tranh vốn hoá, bà Vân cho rằng cần xem xét ngân hàng và phi tài chính một cách riêng biệt.

Khối phi tài chính sử dụng định giá bằng P/E, đang ở mức khá cao so với lịch sử. Trong khi đó, ngân hàng định giá theo P/B, tiệm cận 2,5 lần so với trung bình 10 năm gần đây. Trong lịch sử, tần suất định giá hai khối này chạm vùng đỉnh không quá nhiều. 

Điều này cho thấy định giá không còn thấp ngay khi bắt đầu năm 2022. Vì vậy, trong quá trình xây dựng danh mục đầu tư và lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư cần lưu ý hai điểm:

Thứ nhất, trên nền định giá cao, theo quy luật về giá trị, để giá cổ phiếu có cơ hội tăng tiếp thì lợi nhuận doanh nghiệp cần tăng cao hơn P/E. Thứ hai, lợi nhuận phải tăng trưởng bền vững và kéo dài sang năm 2023, tránh được câu chuyện đã từng xảy ra trong năm 2021 là tăng đầu năm và giảm cuối năm.

Chuyên gia gợi ý những nhóm ngành tiềm năng khi định giá thị trường không còn hấp dẫn - Ảnh 2.

(Nguồn: Hội thảo "Triển vọng đầu tư năm 2022 - FiinGroup Invest Summit").

3 nhóm ngành triển vọng năm 2022

Trên nền định giá cao và lợi nhuận doanh nghiệp phân hoá, chuyên gia gợi ý 3 nhóm ngành tiềm năng trong năm 2022.

Thứ nhất là nhóm ngành tránh được rủi ro lạm phát. Dự báo lạm phát năm nay sẽ tăng cao do độ trễ về hấp thụ giá nguyên liệu đầu vào. 

Điện và dược phẩm là hai nhóm ngành chuyên gia đặc biệt quan tâm vì tính chất phòng thủ và có triển vọng lợi nhuận hồi phục sau COVID-19. Đối với ngành dược, một số doanh nghiệp chuẩn bị có nhà máy đi vào hoạt động, do đó thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận không chỉ trong năm 2022 mà còn kéo dài sang năm 2023.

Thứ hai là những nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công, bao gồm ngân hàng, bất động sản và vật liệu xây dựng. 

Đối với riêng ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay nhờ 4 yếu tố gồm (i) tín dụng tăng trưởng do nỗ lực kích thích kinh tế của chính phủ, (ii) NIM tiếp tục được duy trì kể cả lãi suất huy động tăng, (iii) thu nhập từ phí giao dịch hồi phục và (iv) một số ngân hàng không cần phải trích lập dự phòng.

Chuyên gia gợi ý những nhóm ngành tiềm năng khi định giá thị trường không còn hấp dẫn - Ảnh 3.

Ngành bán lẻ được dự báo hưởng lợi từ cầu hồi phục sau dịch. Ảnh: Thu Hà.

Cuối cùng, nhà đầu tư nên quan tâm đến nhóm ngành hưởng lợi từ cầu hồi phục sau COVID-19 như bán lẻ, hàng cá nhân và thuỷ sản. Riêng ngành bán lẻ sẽ có triển vọng tăng trưởng phân hoá và cơ hội sẽ đến với doanh nghiệp có mức tăng trưởng thấp hơn so với trung bình ngành trong năm 2021.

Tương tự, những doanh nghiệp hàng tiêu dùng cá nhân tăng trưởng năm 2022 sẽ xuất phát từ mức nền tăng trưởng thấp, thậm chí suy giảm trong năm 2021.

Với nhóm thủy sản, dù năm 2021 đã ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực, tuy nhiên nếu mà so với giai đoạn trước khi COVID-19 xảy ra thì mức tăng trưởng lợi nhuận hiện vẫn chưa thực sự hồi phục, do đó dư địa cho năm nay vẫn còn.

Bảo Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.