Chuyên gia: Giảm lãi suất là hành động cần thiết khi sức ép tỷ giá không còn quá 'ghê gớm' trong năm 2023
Biểu lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng liên tục ghi nhận xu hướng giảm, nhất là sau những chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian gần đây nhằm giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Một số nguồn tin cho biết theo cuộc họp mới đây do NHNN chủ trì, từ ngày 6/3 tới đây, các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ giảm toàn bộ 0,5 điểm % lãi suất huy động so với bảng lãi suất hiện hành, áp dụng đối với các kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, lạm phát ở mức tương đối thấp, tình hình thanh khoản cũng đã được cải thiện. Do đó, việc hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay trở thành một trong những đòi hỏi bắt buộc.
Đúng ra, lãi suất phải theo thị trường nhưng thị trường không tự điều tiết được. Vì vậy, NHNN phải yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất huy động. Bên cạnh đó, cơ quan điều hành sẽ có cơ chế điều hành khác nhau như bơm, hút tiền,… Nếu xảy ra vấn đề thanh khoản, NHNN sẽ có các khoản cho vay với kỳ hạn dài và lãi suất phù hợp.
Chuyên gia cho rằng đây cũng là một cách buộc các NHTM giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay từ đó hỗ trợ giảm chi phí vốn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Về cơ bản, từ nay đến tháng 4/2023, lãi suất cho vay dự báo sẽ tiếp tục hạ khoảng 1,5-2%.
Liên quan đến các tác động từ bên ngoài, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng vấn đề tỷ giá không ảnh hưởng đến Việt Nam bởi giá USD đã chững lại và xuống giá vào cuối năm 2022. Kể cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tăng lãi suất thêm nữa, chẳng hạn với mức 0,25 điểm % mỗi lần, thì việc NHNN điều hành tỷ giá hối đoái cũng rất dễ dàng.
Đến cuối năm, mức tăng giá của đồng USD so với VND dự báo chỉ rơi vào khoảng 2-3%. Sức ép về tỷ giá không có gì “ghê gớm” trong năm nay, ông Thịnh cho hay.
Lãi suất cho vay đang giảm nhanh hơn lãi suất huy động?
Chưa đến ngày phải hạ 0,5% lãi suất (6/3), nhiều ngân hàng đã nhanh chóng điều chỉnh giảm lãi suất huy động ngay vào đầu tháng. Mới đây nhất, OCB đã ra thông báo giảm lãi suất huy động tại kỳ hạn 12 tháng từ 8,9%/năm xuống 8,4%/năm. Đối với lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm, lãi suất cũng đồng loạt giảm 0,5%/năm. Đối với gửi tiết kiệm online, ngân hàng cũng giảm 0,5%/năm tại nhiều kỳ hạn.
Tại MSB, lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đều giảm 0,5 điểm % so với trước đó. Mức lãi suất huy động cao nhất được MSB niêm yết hiện đã giảm từ 9,5% xuống còn 9%/năm. Tương tự, PG Bank giảm 0,3 - 0,7 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên; Sacombank điều chỉnh lãi suất giảm 0,05 - 0,5% tuỳ theo từng kỳ hạn;...
Chia sẻ trên VTV, Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, cho biết lãi suất sẽ giảm nhanh trong một vài tuần tới. Tôi kỳ vọng không chỉ giảm 0,5% mà lãi suất huy động có thể giảm 1 - 2% trong thời gian rất nhanh, trong một vài tuần tới một tháng. Hiện nay, lãi suất có vẻ ưu đãi doanh nghiệp nhiều hơn vì lãi suất cho vay còn giảm nhanh hơn lãi suất huy động.
Các ngân hàng thương mại cũng ghi nhận lãi suất huy động trên thị trường đã giảm bình quân 1% so với giai đoạn cao điểm năm 2022, trong khi lãi suất cho vay đã giảm 1,5 - 2%/năm.
Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, lãi suất bắt đầu giảm từ quý I và có thể từ quý II xu hướng sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên cũng có những yếu tố từ bên ngoài tác động tới tỷ giá và qua đó tác động tới lãi suất huy động. Tuy nhiên ACB có niềm tin lãi suất huy động sẽ giảm dẫn tới lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect cho biết lãi suất huy động có xu hướng đi ngang kể từ đầu năm 2023. Tính tới ngày 21/2/2023, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng TMCP tư nhân và TMCP Nhà nước ở mức 8,2% và 7,4%.
Công ty chứng khoán kỳ vọng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý I/2023 và sau đó giảm dần kể từ quý II. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng được dự báo sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023.