|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia chứng khoán: Kì vọng khởi sắc quý III, thận trọng về cuối năm, giới đầu tư trong nước 'ngóng' diễn biến quốc tế

19:30 | 01/07/2019
Chia sẻ
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, 6 tháng cuối năm có thể có những diễn biến trái chiều, thị trường sẽ tích cực hơn trong quý III khi giá cổ phiếu đã giảm thấp như hiện nay. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên thận trọng trong quý IV với diễn biến khó lường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua 6 tháng đầu năm 2019 với diễn biến trong quý I nhưng lại biến động mạnh trong II. Đóng cửa 6 tháng, VN-Index và HNX-Index lần lượt tăng 6,53% và 0,81%. 

Để tìm hiểu về triển vọng đầu tư nửa cuối năm 2019 và những lưu ý cho nhà đầu tư tham gia trên thị trường, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (Mã: CSI)

PV: Cuối tháng 6, Việt Nam chính thức kí Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, ông đánh giá sự kiện này có tác động như thế nào đến các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

NDM_6538

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Tôi nghĩ rằng việc Việt Nam chính thức kí kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một thông tin rất tốt cho thị trường và cho nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Bởi vì bản chất là nó sẽ tạo cho Việt Nam rất nhiều những cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu sang những thị trường lớn cho Việt Nam. Có rất nhiều ngành nghề và hàng hoá hiện nay Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu sẽ được hưởng lợi nhiều, có thể kể đến như dệt may, da giày, thuỷ sản, các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Một số mặt hàng tiêu dùng Việt Nam xuất khẩu theo đơn đặt hàng từ châu Âu cũng rất lớn.

Ngoài những ngành được hưởng lợi ra, kinh tế chung của Việt nam chắc chắn sẽ đón nhận nhiều những dòng vốn đầu tư nước ngoài hơn. Hiện nay, Việt Nam gia nhập rất nhiều những hiệp định FTA như với Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Đó là những thị trường rất lớn. Do đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam FDI tận dụng những lợi thế xuất khẩu của Việt Nam như hàng hoá bị đánh thuế thấp, nguồn nhân công giá rẻ, chi phí hàng hoá giá rẻ ở Việt Nam.

Tôi cho rằng trào lưu này còn mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Đấy là lợi thế của Việt Nam nếu tận dụng được những làn sóng đầu tư mới chắc chắn sẽ làm cho kinh tế Việt Nam mở rộng về mặt quy mô, thu nhập người dân tăng cao hơn do đó kinh tế cũng phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, thị trường Việt Nam được đánh giá khá tiềm năng với các doanh nghiệp châu Âu bởi hiện các hàng hoá tiêu dùng như thực phẩm, đồ uống của châu Âu vào Việt Nam chắc chắn tạo được môi trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế Việt Nam. Thách thức với doanh nghiệp Việt Nam được đặt ra. Khi đó bản thân những doanh nghiệp Việt Nam chắn chắn phải chuyên nghiệp hơn, phải nâng cao tính cạnh tranh hơn nữa để có thể cạnh tranh đươc trên sân nhà. Cân đối giữa những cơ hội và thách thức, tôi cho rằng cơ hội là nhiều hơn bởi quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, vẫn còn phải dựa vào đầu tư nước ngoài mới phát triển được. Do đó, lợi ích có thể nhiều hơn so với thách thức.

A124

Lễ kí Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) diễn ra cuối tháng 6. Ảnh: Lâm Khánh

PV: Về vĩ mô, Việt Nam đón nhận thông tin tích cực như việc dòng vốn FDI ghi nhận mức cao kỉ lục 5 tháng đầu năm, lạm phát ở mức ổn định… Trái ngược với diễn biến đó, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm của nhiều nhóm ngành. Ông đánh giá như thế nào về mặt bằng giá cổ phiếu hiện nay?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Mặt bằng giá cổ phiếu đều có xu hướng xu giảm trong 6 tháng qua, nhiều cổ phiếu ở mặt bằng thấp nhất trong một năm trở lại đây, còn những cổ phiếu ở đáy 6 tháng là phần lớn. Thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng qua tương đối khó khăn. Nếu nhìn trên danh mục đầu tư của các quỹ nước ngoài từ đầu năm đến nay, rõ ràng hiệu quả không cao.

PV: Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm nay thể hiện tâm lí thận trọng của giới đầu tư. Dường như, NĐT tại Việt Nam đang 'nghe ngóng' để hành động với những thông tin quốc tế nhiều hơn. Ông có đánh giá sao về động thái này?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Tôi cho rằng sự quan tâm của NĐT đối với thông tin quốc tế và những thông tin đó ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn là xu thế tất yếu. Bởi hiện nay, độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Phần lớn thu nhập của Việt Nam đến từ xuất khẩu, rồi dòng vốn đầu tư trực tiếp – gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng rất lớn trong những năm qua và ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình chung của nền kinh tế.

Với độ mở lớn như vậy, rõ ràng những biến động trên thị trường quốc tế ảnh hưởng tương đối mạnh đến kinh tế Việt Nam cũng như những trào lưu đầu tư trong nước. Đấy là lý do NĐT càng quan tâm nhiều hơn đến diễn biến quốc tế. Bởi nó tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán Việt Nam.

_DSC7994

Giới đầu tư đang giao dịch thận trọng hơn trong nửa đầu năm 2019. Ảnh: Hoàng Linh

PV: Với những gì đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm nay, ông có đánh giá như thế nào về triển vọng thị trường và nhà đầu tư nên lưu ý điều gì trong phần thời gian còn lại của năm nay?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: 6 tháng cuối năm có thể có những diễn biến trái chiều. Theo quan điểm của tôi, thị trường sẽ tích cực hơn trong quý III, bởi 6 tháng đầu năm giảm về vùng thấp như hiện nay. Những vấn đề quan trọng hiện đã có những tín hiệu khả quan hơn như Fed có thể tiến hành giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng. Việc họ có thể giảm 1-2 lần lãi suất trong năm nay cũng là thông tin tốt hơn so với đầu năm với dự báo rằng Fed có thể không tăng lãi suất hoặc tăng ít. 

Yếu tố thứ hai, chiến tranh thương mại giữ Mỹ  - Trung hiện nay, hầu hết các NĐT dựa vào đó để họ dự báo xu hướng thị trường thời gian tới. Nếu cuộc chiến tranh thương mại giữ Mỹ  - Trung này có diễn biến tích cực hơn sau cuộc gặp Mỹ - Trung gắp tới tại hội nghị G20. Nếu họ có thể đình chiến, tiến đến thoả thuận và đàm phán trong năm nay, đấy cũng là một thông tin rất tích cực. Nếu diễn biến tích cực hội nghị G20 này, xu hướng chung của TTCK thế giới và Việt Nam có thể cải thiện trong quý III. Tôi cũng hy vọng trong quý III, thị trường sẽ có đợt hồi phục khá tốt.

Đương nhiên, nếu chiến tranh thương mại tiếp tục tiêu cực, xu hướng lình xình hoặc giảm giá của các TTCK thế giới và Việt Nam tiếp diễn. Thông thường trong quý IV, TTCK Việt Nam cũng khá khó lường. Nhìn chung, năm nay là một năm khó khăn, tôi cũng cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng trong quý IV. 

Xin cảm ơn ông đã tham gia phỏng vấn!

Hoàng Linh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.