|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giám đốc Giao dịch phái sinh SSI: 'Không ai muốn làm giá chứng quyền'

08:49 | 01/07/2019
Chia sẻ
Trả lời về khả năng 'làm giá' chứng quyền, ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch phái sinh Chứng khoán SSI cho rằng "Nếu làm giá tôi cho rằng không có ai muốn làm giá. Bởi vì nếu làm giá thì người đang nắm chứng quyền muốn giá chứng khoán cơ sở tăng. Cái đó thì CTCK cũng có lợi trong việc làm giá đó".

Ngày 28/6 vừa qua, sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (covered warrant) chính thức được đưa vào vận hành trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Hiểu đơn giản, khi mua sản phẩm chứng quyền, nhà đầu tư trả phí cho CTCK để được quyền mua chứng khoán cơ sở tại một mức giá và thời điểm xác định trước. Công ty chứng khoán là đơn vị phát hành chứng quyền đó.

Xuất phát từ đặc điểm đó, nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo 'win – win' giữa họ và công ty chứng khoán, liệu có việc 'làm giá' chứng quyền trên thị trường.

Làm giá chứng quyền không dễ!

Tại buổi giới thiệu hệ thống giao dịch chứng quyền của Chứng khoán SSI (Mã: SSI), người viết đã đặt ra câu hỏi này với ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch phái sinh của công ty chứng khoán này.

Theo ông Thông: "Nếu làm giá tôi cho rằng không có ai muốn làm giá. Bởi vì nếu làm giá thì người đang nắm chứng quyền muốn giá chứng khoán cơ sở tăng. Cái đó thì CTCK cũng có lợi trong việc làm giá đó, vì CTCK đang nắm giữ chứng khoán cơ sở để bảo đảm cho các chứng quyền này. Về phía CTCK thì không có lợi lộc gì từ việc làm giá chứng khoán cơ sở trong những ngày đáo hạn như thế".

"CTCK cũng không cho rằng việc làm giá như thế là dễ bởi khối lượng chứng quyền phát hành trong thanh khoản chứng khoán cơ sở hàng ngày không là nhiều nên khó mà ảnh hưởng được thị trường. Chứng quyền có quy định 'room' là 10%, nên tổng số chứng quyền trên mã cơ sở của toàn thị trường do CTCK phát hành không chiếm tỉ trọng quá lớn để chi phối thị trường", ông Thông đánh giá.

Á1

Ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch phái sinh Chứng khoán SSI. Ảnh: Nhật Minh

Khi được người viết đưa ra một trường hợp: Vào ngày đáo hạn, nếu chứng khoán cơ sở giảm thì việc lỗ của tự doanh là lỗ trạng thái còn NĐT là mất tiền thật. Có cơ chế nào bảo vệ NĐT khỏi hoạt động đó không?

Giám đốc Giao dịch chứng khoán phái sinh SSI nhận định: "Hiện không có cơ chế nào, bởi NĐT khi đầu tư vào chứng quyền cũng biết được rủi ro của mình vào ngày đáo hạn là như thế".

Với chứng quyền, nhà đầu tư cố định được mức lỗ

Về mặt bản chất, rủi ro chính của nhà đầu tư trên giao dịch chứng quyền đến từ việc sai lệch trong dự báo diễn biến giá của chứng khoán cơ sở. Giả sử, nhà đầu tư dự đoán giá cổ phiếu HPG sẽ tăng trong 3 tháng tới và muốn kiếm lợi nhuận từ khoản chênh lệch giá trong tương lai với hiện tại. Giả sử, công ty chứng khoán phát hành chứng quyền cổ phiếu HPG với mức giá thực hiện 33.600 đồng/cp với tỉ lệ hoán đổi 2:1 (2 chứng quyền đổi 1 cổ phiếu). Giá của chứng quyền mua cổ phiếu HPG là 1.900 đồng/cw. Trường hợp này, điểm hòa vốn nếu tại ngày đáo hạn giá cổ phiếu HPG ở 37.400 đồng/cp (chưa tính thuế và phí giao dịch). 

 Nếu ba tháng sau, cổ phiếu HPG có giá thấp hơn giá thực hiện là 33.600 đồng/cp, nhà đầu tư mất toàn bộ số tiền mua chứng quyền. Mức lỗ đó là cố định, không giống như giao dịch chứng khoán cơ sở.

Nhà đầu tư dùng 'tiền thịt' để mua chứng quyền, tránh việc bị 'call margin'

Cũng tại buổi trao đổi, theo đại diện của Chứng khoán SSI, khi mua chứng quyền, theo quy định sẽ không được mua bằng tiền margin (PV – Kí quỹ), chính vì thế chỉ có tài khoản mà khách hàng có tiền mặt sẵn thì mới đặt được lệnh mua chứng quyền trên sàn.

SS1

Đại điện Chứng khoán SSI chia sẻ về tài khoản giao dịch chứng quyền. Ảnh: Phan Quân

Về tài khoản thì có CTCK tách bạch giữa tài khoản tiền mặt và tài khoản margin, nhưng có công ty thì hai tài khoản này là một. Trong những tình huống đấy, đều phải là tài khoản dư tiền thì mới đặt được lệnh mua chứng quyền. Chứng quyền sẽ không mua bằng sức mua của tài khoản margin, chỉ mua bằng tiền mặt ở dạng tiền có thể rút hoặc tiền chờ về.

Bản thân chứng quyền không được mua bằng nợ vay và cũng không được tính là tài sản đảm bảo của các khoản nợ margin, chính vì vậy nguy cơ bị 'call margin' của chứng quyền là hoàn toàn không có. Tài khoản nếu có bị 'call margin' thì do các mã cổ phiếu chứ không vì chứng quyền. Thậm chí đến ngày đáo hạn mà không thực quyền tức là nhà đầu tư mất hết quyền phí thì cũng không phải nguyên nhân 'call margin' hay cháy tài khoản. Bản chất khi thua lỗ chứng quyền là nhà đầu tư mất phần phí đã đầu tư vào chứng quyền, đại diện Chứng khoán SSI chia sẻ.

Phan Quân