|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VN-Index 'dậy sóng' hậu chứng khoán phái sinh vận hành, kịch bản nào sau khai trương chứng quyền?

08:17 | 29/06/2019
Chia sẻ
Các chỉ số đều giảm điểm trước thời điểm ra mắt sản phẩm phái sinh, tuy nhiên, thị trường đã hồi phục và tăng mạnh một tháng sau đó. Vậy, với chứng quyền có bảo đảm, kịch bản thị trường liệu có lặp lại?

Thị trường khởi sắc sau khi ra mắt sản phẩm chứng khoán phái sinh

Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam chính thức hoạt động vào ngày 10/08/2017 với tài sản cơ sở là hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Trong khoảng thời gian này, thị trường chứng khoán cơ sở có những biến động tương đối lớn, với sự đồng thuận của các chỉ số.

Cụ thể, các chỉ số thị trường gồm VN-Index, HNX-Index, VN30 - Index đều giảm điểm trước thời điểm ra mắt sản phẩm phái sinh. Tuy nhiên, các chỉ số này đều hồi phục và tăng mạnh một tháng sau đó.

cw

Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp

Một tuần trước khi sản phẩm phái sinh chính thức giao dịch (3/8/2017 - 10/8/2017), các chỉ số chính của thị trường đều giảm điểm. Trong đó, VN-Index giảm 1,9% từ 788,5 điểm xuống 773,4 điểm. VN30-Index, chỉ số làm tài sản cơ sở cho hợp đồng tương lai, cũng giảm 1,9% từ 757,9 điểm xuống 743,4 điểm. Ngoài ra, HNX-Index giảm 0,5 điểm xuống còn 101 điểm, tương ứng tỉ lệ giảm 0,5%.

Diễn biến sau đó, thị trường thu hẹp đà giảm trong tuần ra mắt phái sinh. Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm 0,8%, HNX-Index giảm 0,5% trong khi VN30-Index không thay đổi.

Sau khi thu hẹp đà giảm, thị trường cân bằng trở lại và bật tăng. Đáng chú ý, trong vòng một tháng sau đó, các chỉ số có sự bứt phá mạnh. VN30-Index dẫn đầu với tỉ lệ tăng 5,6% lên 784,7 điểm, theo sau là VN-Index tăng 27,8 điểm tương ứng 3,6%. HNX-Index mặc dù tăng yếu hơn nhưng cũng đạt tỉ lệ đến 2,9%.

VIC của Vingroup từng bật tăng và 'kéo' VN30 - Index mạnh nhất

Đối với nhóm cổ phiếu VN30, đa số các mã đều giảm giá trước thời điểm ra mắt phái sinh, thậm chí cổ phiếu SBT giảm 26,47% chỉ trong một tuần. Bên cạnh đó, cổ phiếu BID giảm 11,35%, CTG (7,94%), HNG (5,39%), REE (5,24%), DHG (4,81%).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu CII ngược dòng tăng 6,93%, theo sau là MWG (5,09%), PVD (4,42%), ITA (3,18%) và HSG (1,28%).

ps

Diễn biến nhóm phiếu VN30 thời điểm ra mắt sản phẩm phái sinh. Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp

Sau khi sản phẩm chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động, nhóm cổ phiếu VN30 liên tục có sự bứt phá với 20/30 mã tăng giá. Trong đó, dẫn đầu là cổ phiếu MSN với mức tăng hơn 18,49%, theo sau là cổ phiếu VIC (18,36%) và GAS (10,33%). Ngoài ra, một số cổ phiếu có mức tăng hơn 5% như HPG (6,84%), KBC (6,74%), BID (5,99%), SBT (5,71%).

Trong diễn biến khác, cổ phiếu BMP giảm 12,26%, PVD (10,53%), CII (9,1%), NT2 (6,3%).

Kịch bản tương tự: VN-Index lao dốc trước thời điểm ra mắt chứng quyền có đảm bảo

Sản phẩm chứng quyền có đảm bảo chính thức khai trương ngày 28/6. Đến thời điểm hiện tại, đã có 7 công ty chứng khoán phát hành chứng quyền dựa trên 6 mã cổ phiếu gồm MWG, HPG, MBB, VNM, PNJ và FPT.

Tương tự như khi ra mắt phái sinh, thị trường giao dịch lình xình trong tuần giao dịch trước khi chứng quyền chính thức được niêm yết do nhà đầu tư vẫn đứng ngoài quan sát. Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm 1% từ 959,2 điểm xuống 949,9 điểm. VN30-Index giảm 0,3%, mất 2,3 điểm xuống còn 864,2 điểm. HNX-Index giảm 1,2%, xuống còn 103,5 điểm.

cw3

Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp

Đáng chú ý, phiên giao dịch ngày (27/6), ngay trước thời điểm ra mắt chứng quyền có đảm bảo, VN-Index mất 16,02 điểm (tương ứng 1,67%) còn 943,11 điểm. Đây là mức thấp nhất của chỉ số này kể từ giữa tháng 2 năm nay.

Cùng xu hướng chung của thị trường, cổ phiếu "nhóm chứng quyền" cũng ghi nhận giao dịch kém khởi sắc trong tuần qua  (24 - 28/6) với 4 mã giảm giá so với 2 mã tăng giá.

Trong đó, cổ phiếu VNM của Vinamilk giảm mạnh 1,99% xuống 123.000 đồng/cp, tương ứng mức giảm 2.500 đồng/cp. Theo sau, cổ phiếu MBB của MBBank giảm 400 đồng/cp, tương ứng tỉ lệ giảm 1,88% về 20.900 đồng/cp.

Bên cạnh đó, cổ phiếu PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giảm 1,62% về 73.000 đồng/cp. Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm 200 đồng/cp, tương ứng tỉ lệ 0,84%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động tăng 1,98% lên 92.800 đồng/cp, là một trong số ít những cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá trong tuần qua.

Ngoài ra, cổ phiếu FPT cũng tăng nhẹ 0,22%, đóng cửa phiên 28/6 tại 45.500 đồng.

cw4

Diễn biến cổ phiếu "nhóm chứng quyền" tuần 21-28/6. Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp

Cổ phiếu "nhóm chứng quyền" khởi sắc trong phiên khai trương

Hưởng ứng sự kiện ra mắt chứng quyền, hầu hết cổ phiếu "nhóm chứng quyền" có diễn biến tích cực trong phiên 28/6. Kết phiên giao dịch, có 5/6 mã chứng khoán cơ sở đóng cửa trong sắc xanh, với mức tăng dao động từ 0,2% đến 4,2%.

nhomchungquyen

Diễn biến cổ phiếu "nhóm chứng quyền" phiên 28/6. Nguồn: VNDirect

Trong đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu với mức tăng 950 đồng/cp lên 23.500 đồng/cp, tương ứng tỉ lệ tăng 4,2%, đồng thời là phiên tăng giá manh nhất trong 3 tháng gần đây. Khối lượng khớp lệnh cổ phiếu HPG trong phiên đạt hơn 3,9 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua 1,34 triệu đơn vị và bán 1,36 triệu đơn vị.

Xếp thứ hai về mức tăng, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động tăng 2% lên 92.800 đồng/cp, tương ứng mức tăng 1.800 đồng/cp. Trong phiên hôm nay, cổ phiếu này khớp lệnh 714.920 đơn vị, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua 11.100 đơn vị và không ra ra cổ phiếu nào.

Hai cổ phiếu MBB của MBBank và PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận có tỉ lệ tăng hơn 1%. Cụ thế, cổ phiếu MBB tăng 1,5% lên 20.900 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh hơn 2,4 triệu đơn vị. Cổ phiếu PNJ tăng 1,4% lên 73.000 đồng/cp, khớp lệnh 385.570 đơn vị. Khối ngoại không có giao dịch đối với hai cổ phiếu này trong phiên hôm nay. Ngoài ra, cổ phiếu FPT của CTCP FPT khớp lệnh hơn gần 2,5 triệu đơn vị, tăng 0,2% lên 45.500 đồng/cp.

Trái ngược với các mã khác trong nhóm, cổ phiếu VNM của Vinamilk giảm 0,1% xuống 123.000 đồng/cp, trong phiên có lúc mã này tăng lên giá cao nhất 123.200 đồng/cp, tương ứng tăng 0,1%. Khối lượng khớp lệnh cổ phiếu này trong phiên đạt 919.970 đơn vị, không có đột biến so với mức trung bình.

Sơn Tùng