|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyện chàng trai lách luật để kinh doanh nhà trọ giá rẻ ở Mỹ

15:26 | 28/09/2019
Chia sẻ
Để có thể cung cấp nhà ở giá rẻ cho hàng triệu người thu nhập thấp ở Mỹ, một chàng trai phải lách luật và đối mặt với sự phản đối của một bộ phận công chúng.

Mô hình kinh doanh cho thuê phòng đơn bắt nguồn từ đô thị đã lan rộng sang các khu vực khác của nước Mỹ từ nhiều thập kỉ trước. PadSplit, một công ty ở thành phố  Atlanta, bang Georgia, Mỹ hợp tác với chủ các căn hộ để cho thuê phòng trống và thu phí mỗi tuần. 

PadSplit đang quản lý hơn 400 phòng trong nhiều khu dân cư có thu nhập trung bình và thấp, theo Bloomberg.

Arjan Shütte - nhà sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Core Innovation Capital - nói: "Chúng tôi đầu tư vào mô hình cho thuê này vì tin rằng trong tương lai nhu cầu thuê phòng giá rẻ sẽ tăng chóng mặt".

Doanh nghiệp phải lách luật để kinh doanh

Dưới sự điều hành của Atticus LeBlanc, PadSplit hướng dẫn chủ nhà thiết kế lại căn phòng theo tiêu chuẩn của công ty và sau đó quản lí chúng với một khoản chi phí nhất định. 

Do chính quyền Atlanta không cho phép thuê phòng của những căn nhà chỉ có một gia đình cư trú, nên PadSplits bố trí sao cho những người thuê nhà tạo thành nhóm giống như một gia đình bình thường.

-1x-1

Atticus LeBlanc, người sáng lập công ty PadSplit. Ảnh: Bloomberg

Thông thường một ngôi nhà có từ 5 tới 8 phòng ngủ. Mỗi phòng ngủ có đầy đủ nội thất, phòng tắm, nhà bếp, phục vụ bữa ăn, phòng giặt ủi cùng tất cả các tiện ích khác như mạng internet và dịch vụ dọn phòng tính phí khoảng 140 USD một tuần. Người thuê trả tiền bằng hình thức thanh toán trực tuyến. 

Các phòng cho thuê của PadSplits thường nằm gần trạm xe buýt và trông giống như một hộ gia đình thông thường. Mọi căn phòng đều có lớp sơn mới và không có phòng khách. Mặt bàn bếp làm bằng đá granite, với đầy đủ các thiết bị hiện đại và thiết bị giặt là mới. 

Công ty chỉ cho phép mỗi phòng có tối đa hai người lớn. Các cặp vợ chồng có thêm con nhỏ sẽ phải thuê nhiều phòng hơn. Mỗi phòng tốt nhất chỉ nên dành cho một người ở vì không gian phòng tắm hạn hẹp.

Mô hình nhà ở đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người

LeBlanc ước tính ít nhất 14 triệu người ở Mỹ đang tìm thuê căn hộ như PadSplit cung cấp nên anh đã lên kế hoạch nhân rộng mô hình sang các khu vực lân cận.  Đối tác mà LeBlanc tìm là những chủ nhà còn phòng trống. 

Lợi nhuận của các đối tác sẽ tăng từ 6% lên 9% vì không gian nội thất mà PadSplit thiết kế tích hợp thiết bị tiết kiệm năng lượng. Theo tính toán của công ty, việc cho thuê đều đặn một ngôi nhà 6 phòng ngủ sẽ thu về 43.000 USD hằng năm.

PadSplit2

Nội thất bên trong một phòng trọ do công ty PadSplit quản lý. Ảnh: Bloomberg

Hồi thập niên 90, những căn hộ chỉ có một phòng đơn bị coi là nhà ổ chuột nên nhiều thành phố cấm hoặc giới hạn sự xuất hiện của chúng. LeBlanc nói mô hình của anh cung cấp cho người thu nhập nhấp nơi ở với giá rẻ. Tới 40% người thuê phòng của PadSplit là người vô gia cư và lao động chân tay. 

Kẻ ủng hộ, người phản đối

Mô hình cho thuê nhà của PadSplit vấp phải sự phản đối của một số người da đen. Tại một cuộc họp cộng đồng vào tháng 6, nữ nghị sĩ đại diện cho thành phố - Andrea Boone  - đã phát biểu: "Tôi cảm thấy rất khó chịu khi thấy quảng cáo của PadSplit cho thuê nhà tại khu vực chúng tôi sinh sống. Khách thuê nhà của PadSplit không được bảo vệ pháp lí, họ không có hợp đồng thuê dài hạn và có thể phải rời khỏi nơi ở bất cứ lúc nào".

Các chuyên gia nhà đất cũng bày tỏ nhiều quan điểm trái chiều. Ông Chris Ptomey - giám đốc của Viện đất đô thị tại Washington - bình luận rằng những người ủng hộ đều hi vọng hình thức cho thuê nhà của PadSplit nhân rộng, tạo điều kiện cho người lao động thu nhập thấp thuê nhà. Ông nghĩ mô hình cho thuê nhà như vậy vẫn có thể hạ giá thuê hơn nữa.

Giáo sư Dan Immergluck của Đại học Georgia nhận xét mô hình kinh doanh PadSplit là một minh chứng cho mức độ thiếu hụt trầm trọng nhà ở cho người thu nhập thấp. Họ cung cấp chỗ ở cho những người lao động có mức thu nhập chỉ từ 10 USD đến 12 USD mỗi giờ.

Quan điểm của LeBlanc là anh sẽ giúp các chủ căn hộ kiếm thêm thu nhập, đồng thời cung cấp nơi ở giá rẻ cho người thu nhập thấp. Anh cần nỗ lực hơn để chứng minh với các chủ căn hộ rằng mô hình cho thuê này thực sự mang lại lợi nhuận cao so với các dự án đầu từ khác. 

Tuy nhiên, giáo sư Immergluck cho rằng giá trị  nhà đất ngày càng tăng cao, nên việc bán vài căn hộ sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn so với đầu tư vào PadSplit.

Khảo sát của Ủy ban khu vực Atlanta cho thấy, hơn một nửa trong số người đi tàu điện ngầm phải chi hơn một phần ba tiền lương để thuê nhà với giá cao hơn các khu vực khác. 

Chính quyền Atlanta đã xây dựng thêm nhà ở nhưng phần lớn chúng nằm ở khu vực cao cấp. Thị trưởng của Atlanta - bà Keisha Lance Bottoms - khi nhận chức vào năm 2017 đã cam kết khắc phục tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ. 

Vào tháng 6, bà đã công bố kế hoạch trị giá 1 tỉ USD để xây dựng và cải tạo 20.000 căn hộ cho thuê giá rẻ mới vào năm 2026. LeBlanc dự đoán các phòng PadSplit cho thuê sẽ đóng góp 8.000 phòng trong số đó.

Ý tưởng kinh doanh nảy sinh từ tình huống thực tế

LeBlanc bắt đầu mô hình kinh doanh cho thuê nhà giá rẻ vào năm 2007, thời điểm cuộc khủng hoảng tịch thu nhà tại khu dân cư đen Atlanta diễn ra. Bắt đầu với khoản vay tín dụng 70.000 USD, 230.000 USD từ gia đình và bạn bè cùng các khoản vay lãi suất cao, anh đã mua 100 căn hộ một gia đình và 450 căn hộ khác. 

Ý tưởng thành lập PadSplit xuất hiện trong tâm trí LeBlanc khi một người đàn ông bị đuổi khỏi nơi ở tồi tàn và bất hợp pháp. Người đàn ông muốn thuê một phòng đơn trong nhà của LeBlanc và trả tiền theo tuần. 

Mô hình kinh doanh của PadSplit được nhiều chủ căn hộ chấp thuận. Nhờ vậy, họ có thêm 300 phòng cho thuê. Đại lý bất động sản Josh Stanton tại Atlanta đang mua thêm nhà để nhân rộng mô hình cho thuê của PadSplit sang thành phố New York và London.

Ngọc Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.