|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyện 1,5 lần phá sản của chàng doanh nhân trẻ

07:39 | 17/07/2017
Chia sẻ
Sở hữu triệu USD chỉ sau 6 tháng khởi nghiệp, nhưng Hoàng Anh Tuấn cũng là doanh nhân trẻ phá sản... nhanh kỷ lục.

“Thất bại lớn đó cho tôi bài học vô cùng giá trị: không gì là mãi mãi”, Tuấn Anh nói vậy khi được hỏi về quá khứ “lừng lẫy” của mình.

Ngày đó, mới chỉ là du học sinh trên đất Australia, thấy chính phủ có chương trình trang bị tấm cách nhiệt miễn phí cho từng hộ dân, Hoàng Tuấn Anh đã cùng với anh trai thành lập doanh nghiệp, trở thành một trong những đơn vị thi công cho dự án này. Công việc suôn sẻ đến mức chỉ sau 6 tháng đầu tiên, ông chủ trẻ đã có trong tay “triệu đô”, số tiền mà bất cứ bạn trẻ nào cũng khao khát.

“Vậy mà số tiền đó bốc hơi chỉ sau vài cuộc điện thoại”, Tuấn Anh kể. Do nhiều đơn vị thi công khác làm việc không hiệu quả đã dẫn đến việc chính phủ Australia quyết định tạm ngưng chương trình hỗ trợ dân sinh này. Hợp đồng nhập hàng đã ký kết, đối tác triển khai cũng đã thỏa thuận xong... nên việc đình trệ đó không chỉ khiến Tuấn Anh thiệt hại về tài chính mà còn mất nhiều công sức lẫn chi phí để thanh lý nguyên vật liệu đã mua về. Do vậy, dù được chính phủ Australia bồi thường thiệt hại, anh vẫn rơi vào phá sản.

chuyen 15 lan pha san cua chang doanh nhan tre

Tuấn Anh hiện sử dụng cả đội ngũ nhân sự từ châu Âu để phát triển thị trường Việt Nam.

Kịp thời định thần lại sau cú sốc đầu đời, chàng du học sinh chuyên ngành xây dựng nhưng lại đam mê kinh doanh này tiếp tục thử sức trên thương trường bằng việc phân phối thiết bị công nghệ cho Samsung. Thị trường ngày đó do Samsung dẫn đầu, việc kinh doanh hết sức thuận lợi. Nhà phân phối phải nhập hàng, trả tiền trước mới lấy được sản phẩm. Ngay trong những ngày say men chiến thắng, một lần nữa, ông chủ trẻ lại chạm ngưỡng của sự thất bại.

“Thị trường đổi chiều, sản phẩm rớt giá trầm trọng. Một chiếc TV nhà phân phối lỗ 500 USD”, Tuấn Anh nhớ lại. Nhưng cũng nhờ bài học của lần phá sản trước giúp Tuấn Anh kịp tỉnh táo, rút khỏi cuộc chơi khi mà thiệt hại chưa ở mức quá nhiều. “Tính ra, tôi chỉ mới phá sản 1,5 lần”, chàng doanh nhân trẻ nói đùa.

Tổng kết lại tài khoản, thấy mình còn được vài trăm nghìn USD, con số không khác gì ngày mới tập tễnh kinh doanh nhưng bù lại, Tuấn Anh nhận ra rằng thương trường không có chỗ lâu dài cho người chỉ biết đua theo xu hướng. “Lúc đó, tôi mới biết mình cần một con đường lâu dài và chiến lược đầu tư bài bản nếu muốn tiếp tục cuộc chơi”.

Năm 2003, quay về Việt Nam thăm gia đình, đối chiếu sự chênh lệch giữa hai thị trường Việt Nam - Australia, Hoàng Tuấn Anh nhìn thấy cơ hội lớn cho mình. Toàn thị trường ổ khóa tại Việt Nam bấy giờ chỉ toàn là khóa cơ trong khi đó, người dân ở Australia đã bắt đầu đón nhận khóa điện tử, sản phẩm ứng dụng công nghệ bảo mật vân tay và mã hóa vào ổ khóa cửa, khóa nhà...

“Hình ảnh mẹ tôi, một bà chủ khu nhà trọ với một chùm chìa khóa to nặng trĩu tay loay hoay tìm chìa khóa của một căn phòng đã giúp tôi hiểu được người dùng cần gì”, Hoàng Tuấn Anh chia sẻ. Quay về Australia tìm nhà cung cấp, Tuấn Anh chọn được PHGlock, một thương hiệu có bề dày công nghệ. Đặt quan hệ độc quyền với đối tác, Tuấn Anh tự tin trở về Việt Nam, thành lập doanh nghiệp với cái tên khá nên thơ: Vũ Trụ Xanh.

Xác định đi theo con đường dài hơi, Tuấn Anh từng bước đầu tư bài bản, từ văn phòng, hệ thống phân phối, bảo hành rộng khắp cả nước dù rằng thị trường lúc đó là con số 0 tròn trĩnh. Thậm chí, giờ đây khách hàng còn dần quen với hình ảnh được các nhân viên người châu Âu trong công ty của chàng doanh nhân trẻ chăm sóc tận tình. Sau 5 năm gây dựng, hệ thống phân phối hiện đã hơn 300 đại lý và 30 trung tâm bảo hành trên cả nước.

"Theo khảo sát, trung bình mỗi người đều làm mất chìa khóa ít nhất một lần trong đời. Đa số là mất đến 3 lần. Do vậy, khóa điện tử hoàn toàn có cơ hội thay thế", ông chủ trẻ phân tích, đồng thời tiết lộ mức tăng trưởng của thị trường hiện nay đã là 10 lần. Dù với sự tham gia của nhiều thương hiệu như hiện nay, trong những năm tới, Tuấn Anh vẫn tự tin mức tăng này sẽ từ 2 đến 3 lần hiện tại.

“Chúng tôi đang hướng đến nhiều hơn đối tượng khách hàng doanh nghiệp, khách sạn, khu chung cư, tòa nhà...”, cựu du học sinh Australia nói và cho biết mục tiêu của công ty trong năm nay là cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng.

Phương Lâm