|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuỗi cung ứng đảo lộn vì dịch bệnh, cần một hướng đi lâu dài

11:22 | 01/05/2020
Chia sẻ
Sự biến mất của nhiều doanh nghiệp do dịch COVID-19 sẽ để lại những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.

Thế giới tiếp tục ghi thêm vào lịch sử những con số bi thương. Đại dịch virus Corona chủng mới (COVID-19) đã có mặt và ảnh hưởng đến 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 2,6 triệu người chính thức bị nhiễm bệnh trên toàn hành tinh, tính đến 7 giờ sáng ngày 23.4.2020. 

Và hàng tỉ người sống dưới lệnh cách ly. Đáng nói hơn, tiêu dùng gần như đóng băng ở châu Âu và Mỹ hoặc giảm đáng kể ở hầu hết các thị trường trên thế giới.

Thị trường tiêu dùng tổn thương nặng

Đây là bối cảnh không ai ngờ và đã thay đổi mạnh mẽ so với thời kỳ dịch bệnh mới bùng phát. Ở thời điểm đầu tháng 2.2020, trong suy nghĩ của hầu hết chúng ta, COVID-19 chỉ là một vấn đề đặc thù của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, ngay ở thời điểm ấy, lệnh phong tỏa áp đặt sớm ở Trung Quốc đã tạo ra sự hỗn loạn chưa từng thấy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc dừng đột ngột hoặc trì hoãn khiến cho tình trạng thiếu hụt xảy ra và hàng tồn kho của các công ty cạn kiệt nhanh chóng.

Các công ty bên ngoài Trung Quốc đã phải gấp rút tìm kiếm nguồn thay thế cũng như tìm đối tác vận chuyển khác để đảm bảo đơn đặt hàng. 

Dù vậy, theo khảo sát cuối tháng 3 của Công ty CEL, đến 83% doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hữu hình (nhà bán lẻ, vận chuyển, thương nhân, nhà sản xuất) tại Việt Nam gặp phải vấn đề nguồn cung cấp nguyên vật liệu trong 2 tháng vừa qua. 47% trong số đó gặp khó khăn nặng nề với nguồn cung từ Trung Quốc và phần lớn thiếu hụt nguyên liệu thô.

Chuỗi cung ứng đảo lộn vì dịch bệnh, cần một hướng đi lâu dài - Ảnh 1.

Sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng cũng bắt đầu xuất hiện khi các chuyến bay dần bị buộc phải ngừng vận hành và các dòng hàng hóa xuất nhập khẩu bị chậm lại do thiếu hụt nguồn nhân lực để vận hành các hoạt động: bốc dỡ hàng trong kho, tài xế xe tải, người vận hành nhà máy... 

Không ít người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, mất việc làm, giảm thu nhập và cuộc sống trở nên bấp bênh. 

Hiện diễn biến dịch tại Việt Nam đã khả quan hơn, Thủ tướng đã quyết định nới lỏng giãn cách xã hội trên cả nước kể từ 0 giờ ngày 23.4 trừ một số địa phương có nguy cơ cao. 

Tuy nhiên, rủi ro dịch bùng phát trở lại vẫn rất lớn, bởi tình hình dịch trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động giao thương toàn cầu chưa rã băng và Việt Nam sẽ chưa thể thoát khỏi dư chấn này.

Từ trong đại dịch, thói quen tiêu dùng của con người đã thay đổi. Tại Việt Nam, báo cáo từ Kantar Worldpanel Vietnam cho hay, nhu cầu sản phẩm chăm sóc cá nhân, thực phẩm đóng gói và ngành sữa đã tăng lên rõ rệt, với mức tăng lần lượt 29%, 26% và 10%. 

Dù vậy, sự gia tăng nhu cầu này đến từ mục đích tích trữ phòng bị hơn là gia tăng tiêu dùng lành mạnh. 

Một số công ty trong lĩnh vực tiêu dùng cơ bản, thiết yếu, chăm sóc sức khỏe đã may mắn hưởng lợi, còn các đơn vị trung gian phụ trợ như bán lẻ, vận chuyển… nỗ lực vượt khả năng cung cấp để đáp ứng các đơn hàng gia tăng đột biến.

Với các lĩnh vực khác, hầu hết các công ty cũng đã theo dõi diễn biến dịch bệnh trong tâm thế hy vọng Trung Quốc sẽ sớm phục hồi và cơn dịch nhanh chóng qua đi. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng, bầu trời đã trở nên tối hơn đối với các doanh nghiệp này. 

Đến thời điểm hiện nay, sự thật là nhu cầu tiêu dùng thực tế đang ở mức thấp nhất. Chẳng hạn, mức bán hàng trong lĩnh vực đồ uống, thời trang, điện tử, xe cộ, nông nghiệp, đồ nội thất, giày dép và nhiều loại khác đều đã bắt đầu biến mất trong phạm vi địa phương lẫn toàn cầu.

Chuỗi cung ứng đảo lộn vì dịch bệnh, cần một hướng đi lâu dài - Ảnh 2.

 Ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, các nhà sản xuất, bán lẻ bắt đầu thua lỗ, lượng dự trữ tiền mặt ít do khối lượng bán hàng quá thấp, không đủ bù vào định phí. 

Các công ty phụ thuộc xuất khẩu càng thê thảm hơn khi bị hủy đơn hàng mỗi ngày, nhất là đơn hàng từ châu Âu và Mỹ. 

Hậu quả là ngành vận tải toàn cầu bị ảnh hưởng theo và các công ty tại Việt Nam đang chứng kiến mức giảm từ 25-70%. Mới đây, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực vận tải giao nhận đã tuyên bố phá sản.

Nhân viên làm việc trong nhiều ngành công nghiệp đang cảm nhận cơn gió thất nghiệp tràn đến. 

Ngành bất động sản, xây dựng còn chịu thêm áp lực giảm giá khi các nhà bán lẻ bị hao tổn quá nặng và khó lòng cầm cự. Doanh nghiệp đều trông chờ những biện pháp của Chính phủ sẽ giải phóng họ khỏi sức ép, nhất là khi cuộc khủng hoảng vẫn chưa thấy hồi kết.

Nhanh chóng chuyển kênh

Bất chấp những giải pháp liên quan đến chuyển đổi kỹ thuật số, người tiêu dùng và lực lượng lao động vẫn là trung tâm của nền kinh tế hiện đại. Khi những nhân tố chủ chốt này đang bị tổn thương, họ ở nhà nhiều hơn, tiêu dùng ít đi thì mọi thứ bắt đầu rung chuyển và tạo thành hiệu ứng chuỗi. 

Người tiêu dùng nhìn chung đã thận trọng hơn trong chi tiêu. Qua khảo sát của CEL, các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối và dịch vụ hậu cần (không gồm thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối) đã ghi nhận doanh thu sa sút, giảm khoảng 25% so với mục tiêu đề ra trong quý I/2020 và dự kiến sẽ không thể phục hồi mức giảm này trong năm nay.

Chuỗi cung ứng đảo lộn vì dịch bệnh, cần một hướng đi lâu dài - Ảnh 3.

Nhưng cách ly xã hội buộc người tiêu dùng lựa chọn cách mua sắm thuận tiện và an toàn hơn cho nhu cầu hằng ngày. 

Thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tận nhà đã trở thành trung tâm của sự chuyển biến này. Doanh nghiệp và nhà hàng nhỏ vẫn có thể duy trì được hoạt động nhờ cung cấp những thứ cần thiết, theo hình thức “mang đi, mua về, giao tận nơi”. 

Báo cáo từ Lazada cho thấy, số lượng đơn đặt hàng tại Singapore tăng 300% và dịch vụ giao hàng của Grab tăng 200% tại Bangkok. Việt Nam chưa có số liệu chi tiết nhưng căn cứ diễn biến mua sắm ở các thành phố lớn thì có thể dự đoán mức tăng trưởng cũng tương tự.

Rõ ràng, một lượng hàng hóa lớn đang chuyển từ kênh phân phối ngoại tuyến sang kênh trực tuyến và các công ty phân phối chặng cuối chưa thể ứng phó với làn sóng gia tăng của các đơn giao hàng. 

Một trong những thách thức chính của sự dịch chuyển này là khả năng vận chuyển hàng hóa đường dài của các nhà phân phối nội địa. Lấy ví dụ, vận tải bằng đường hàng không và đường sắt giữa hai miền Nam - Bắc vẫn còn hạn chế. Xe chạy đường dài hiện cũng khan hiếm, dễ dẫn đến chậm trễ và gián đoạn hàng hóa.

Chuỗi cung ứng đảo lộn vì dịch bệnh, cần một hướng đi lâu dài - Ảnh 4.

Dù vậy, khi người dân đã quen với việc giao hàng tận nơi và mua hàng trực tuyến thì kể cả sau khủng hoảng, khi kênh bán lẻ ngoại tuyến dần phục hồi thì thói quen và nhu cầu mua sắm online, phục vụ tận nơi vẫn sẽ tiếp tục. Đây là xu hướng mới, cơ bản trong ngành hàng tiêu dùng. 

Cuộc khủng hoảng sẽ thúc đẩy nhanh hơn các sáng kiến của chính phủ điện tử, cho phép người dân thực hiện các nghĩa vụ hành chính trực tuyến mà không phải xếp hàng chờ đợi. Một khi cuộc khủng hoảng kết thúc, nhiều khả năng việc triển khai các giải pháp kỹ thuật số sẽ phát triển mạnh mẽ.

Cần thích nghi đủ nhanh

Có vẻ như châu Âu vẫn sẽ đối mặt với việc phong tỏa ít nhất đến tháng 6, tháng 7 năm nay. Trong viễn cảnh tốt nhất, cũng phải đến quý III và quý IV/2020, châu Âu mới phục hồi chậm. 

Về phía Mỹ chịu sức ép lớn hơn trong ít nhất 2 quý tới, bởi đã do dự trong thực thi các biện pháp chặn dịch lan rộng.

Thực tế, khi Mỹ vẫn còn khủng hoảng thì bất kể các quốc gia khác có phục hồi nhanh như thế nào, nền kinh tế thế giới vẫn sẽ đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Các chuyên gia còn lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 

Trước mắt, người tiêu dùng Mỹ đã giảm chi tiêu cho giày dép, điện thoại, thiết bị, quần áo, xe hơi, dụng cụ... trong khi đây đều là những mặt hàng sản xuất chính ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Chuỗi cung ứng đảo lộn vì dịch bệnh, cần một hướng đi lâu dài - Ảnh 5.

Dây chuyển xuất khẩu giày đi châu Âu. Ảnh: Quý Hoà

Nhìn sâu hơn, thế giới rõ ràng đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nhu cầu tiêu dùng. Mọi nhu cầu đều giảm, từ việc nhiều cửa hàng ở Tây Ban Nha hủy đơn đặt hàng rượu vang đỏ của Mỹ đến giảm sút mua sắm các thương hiệu thời trang Ý, giày Ấn Độ, cà phê ở Anh, sản phẩm nông nghiệp của Ethiopia…

Hơn bao giờ hết, đối với các công ty lúc này “tiền mặt là vua”. Không có tiền mặt, câu chuyện kết thúc. 

Đặc biệt, để tồn tại trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng quá thấp, những người đứng đầu doanh nghiệp cần hợp lý hóa danh mục sản phẩm, phát triển các dịch vụ hoàn chỉnh mới cho các khách hàng còn sót lại của họ.

Chuỗi cung ứng đảo lộn vì dịch bệnh, cần một hướng đi lâu dài - Ảnh 6.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần thực hiện chiến dịch quảng bá lớn và cắt giảm chi phí không cần thiết. 

80% doanh nghiệp Việt Nam đã hoặc đang xem xét triển khai các chương trình khuyến mãi đặc biệt để đảm bảo doanh số tối thiểu và 60% trong số này thực hiện những thay đổi trong dòng sản phẩm của mình, theo khảo sát mới nhất của CEL.

Như vậy vẫn chưa đủ. Các công ty cần phải đổi mới và tự sắp xếp lại với lượng nhu cầu mới, theo khuôn mẫu và xu hướng mới. Những doanh nghiệp nào không thích nghi đủ nhanh sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Lúc này đây, dù còn sớm để có thể dự đoán thế giới ra sao sau đại dịch COVID-19 nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng, nền kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chuyển biến đáng kể. 

Một vài xu hướng mới mà CEL đã nhìn thấy, đó là đặt hàng trực tuyến phổ biến hơn, các kênh thương mại điện tử càng tỏ rõ vai trò, trong cả danh mục tạp hóa.

Chuỗi cung ứng của các thị trường trưởng thành sẽ tăng tính tự chủ, tính địa phương hóa và tái thiết lập, từ đó giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Các hiệp định thương mại tự do có thể chịu sự thách thức. 

Người tiêu dùng sẽ ưu tiên cao hơn cho các sản phẩm nội địa. Lấy ví dụ, đầu tháng 4 năm nay, theo nghiên cứu từ CEL, 84% người dân Pháp đã bày tỏ mong muốn có nhiều hơn sản phẩm địa phương và giảm nhập khẩu từ châu Á. 

Người tiêu dùng cũng sẽ đòi hỏi cao hơn về tính minh bạch, dẫn đến việc yêu cầu về xuất xứ nguồn gốc, tiêu chuẩn vệ sinh và chất lượng hàng hóa phải được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn.

Trong hoàn cảnh mới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng cũng sẽ phải chống chọi rất nhiều hoặc thậm chí biến mất, để lại lỗ hổng trong chuỗi và buộc các công ty phải tìm những đối tác khác kiên cường hơn. 

Áp lực cho phía doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng còn đến từ tầm nhìn về hiệu suất kinh doanh, kết nối với các đối tác trong chuỗi giá trị cung ứng đòi hỏi phải làm tốt và chặt chẽ hơn mới có thể triển khai nhanh chóng các giải pháp kỹ thuật số. 

Ngoài ra, để giảm cơ sở tài sản, linh hoạt hơn trong một thị trường bất ổn định, doanh nghiệp cũng phải tăng tốc hơn nữa các dịch vụ thuê ngoài như logistics, sản xuất.

(*): Đối tác Điều hành Công ty CEL

Ngọc Thuỷ ghi

Julien Brun