Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Lợi nhuận giảm 35% khi tự doanh cắt lỗ 576 tỷ đồng, danh mục nắm giữ đang âm 300 tỷ đồng
Năm vừa qua TPS ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt trên 2.720 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm trước đó. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận theo FVTPL trong năm 2022 tăng gấp ba lần so với năm 2021, từ 356,2 tỷ đồng lên 1.068 tỷ đồng.
Cùng chiều với doanh thu, chi phí hoạt động năm 2022 của TPS cũng tăng hơn 2,6 lần từ 781,1 tỷ đồng năm 2021 lên 2.045 tỷ đồng. Chi phí tăng mạnh chủ yếu do công ty ghi nhận lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận theo FVTPL hơn 1.384 tỷ đồng.
Kết quả là, TPS ghi nhận lãi ròng gần 135,7 tỷ đồng trong năm 2022, giảm khoảng 35,6% so với năm trước đó là gần 210,7 tỷ đồng.
Giải trình về biến động lợi nhuận năm 2022 so với năm 2021, TPS cho biết trong năm vừa qua doanh thu và chi phí tăng chủ yếu ghi nhận lãi lỗ của hoạt động đầu tư tài sản tài chính và doanh thu, chi phí của nghiệp vụ lưu ký chứng khoán. Theo đó, dù doanh thu trong kỳ tăng nhưng với việc tăng cao chi phí đã dẫn đến kết quả kinh doanh của năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm trước.
Về hoạt động tự doanh trong năm 2022, Chứng khoán Tiên Phong lỗ từ việc bán trái phiếu chưa niêm yết 538,6 tỷ đồng khi năm trước đó lỗ 96,9 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng lỗ từ việc bán cổ phiếu niêm yết 40,4 tỷ đồng khi trong năm 2021 lãi 52,9 tỷ đồng.
Bên cạnh việc cắt lỗ tổng cộng 579 tỷ đồng đối với trái phiếu chưa niêm yết và cổ phiếu niêm yết trong năm qua, danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết tại thời điểm cuối năm 2022 của TPS cũng đang tạm lỗ khoảng 299,4 tỷ đồng.
Chi tiết về danh mục cổ phiếu niêm yết, tính đến cuối năm 2022, TPS đầu tư nhiều nhất vào cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn với giá trị đầu tư hơn 97,6 tỷ đồng (đang ghi nhận lỗ 18,6 tỷ đồng, tương úng lỗ 19,1%). Tiếp theo sau là 93,4 tỷ đồng cổ phiếu BCG của CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (lỗ 66,8 tỷ đồng, tương ứng 71,6%); và 88,5 tỷ đồng NLG của CTCP Đầu tư Nam Long (lỗ 36,5 tỷ đồng, tương ứng 41,2%).
Ngoài ra, TPS cũng đang ghi nhận lỗ ở những cổ phiếu khác như PLX (lỗ 33,8 tỷ đồng, tương ứng 43,1%); TCB (lỗ 32,8 tỷ đồng, tương ứng 46,6%); HNG (lỗ 34,3 tỷ đồng, tương ứng 56,2%); PTB (lỗ 21,3 tỷ đồng, tương ứng 42,8%); và VND (lỗ 26,7 tỷ đồng, tương ứng 56%).
Năm 2022, danh mục cổ phiếu của TPS được mở rộng khi có thêm 6 mã gồm VHC, NLG, PLX, HNG, PTB và VND, đồng thời công ty chứng khoán này cũng tăng tỷ trọng với mã TCB. Ngược chiều, BCG là mã cổ phiếu TPS giảm tỷ trọng trong năm 2022.
Về từng khoản đầu tư vào trái phiếu chưa niêm yết, TPS đang nắm giữ 262,8 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Tập đoàn R&H; 204,5 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai; 96,7 tỷ đồng trái phiếu của CTCP BCG Land; 69,1 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư phát triển Công nghiệp và Vận tải.
Ngoài ra, TPS cũng đang nắm giữ trái phiếu của các công ty khác như CTCP Điện Biên (61,1 tỷ đồng); CTCP Đầu tư và Dịch vụ Helios (52,9 tỷ đồng); CTCP Hưng Thịnh Land (38,1 tỷ đồng); và CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang (26,7 tỷ đồng).