Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống bất chấp thông tin vĩ mô tích cực, Dow Jones giảm 6 tuần liên tiếp
Chỉ số S&P 500 mất 0,57% và đóng cửa ở 4.123 điểm. Nasdaq cũng mất 1,4% trong phiên cuối tuần 6/5. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 98,6 điểm, tương đương 0,3% và kết phiên ở 32.899 điểm.
Trong tuần qua, cả ba chỉ số đều tăng điểm trong ba phiên đầu rồi quay đầu đi xuống trong hai phiên kế tiếp. Thống kê bên dưới cho thấy 4/5 và 5/5 là hai phiên biến động mạnh nhất.
Riêng phiên 5/5, Dow Jones rớt hơn 1.000 điểm, Nasdaq Composite sụt 5%. Cả hai chỉ số này đều ghi nhận trong tuần 1/5 - 6/5 phiên tăng mạnh nhất và phiên giảm sâu nhất kể từ 2020. S&P 500 sụt 3,56% trong ngày 5/5, đánh dấu phiên giảm mạnh thứ 2 trong năm nay.
Cú lao dốc ngày 5/5 đã xóa sạch thành quả tăng điểm ngày 4/5 sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo kết luận cuộc họp chính sách thường kỳ. Chủ tịch Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ chưa tính đến phương án nâng lãi suất thêm 0,75 điểm % trong mỗi cuộc họp như nhiều nhà đầu tư lo ngại.
Phát biểu của ông Powell đã châm ngòi cho một đợt tăng mạnh cuối ngày 4/5. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá bản chất chính sách của Fed vẫn là diều hâu, tức là thắt chặt tiền tệ, và rủi ro chính với thị trường là lạm phát cao. Nếu lạm phát chưa hạ nhiệt thì Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất, gây áp lực lớn lên thị trường chứng khoán.
CNBC dẫn lời ông Emmanuel Cau, chiến lược gia thị trường tại ngân hàng Barclays, nhận xét: “Mặc dù kế hoạch tăng lãi suất 75 điểm cơ bản không được xem xét, nhưng chu kỳ thắt chặt tiền tệ phía trước vẫn rất đáng ngại, theo quan điểm của chúng tôi. Nếu lạm phát không đảo chiều đi xuống trong báo cáo CPI thứ Tư tuần sau, các ngân hàng trung ương sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài làm chậm tăng trưởng kinh tế để kiểm soát lạm phát và giữ lòng tin của công chúng”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Chứng khoán Mỹ bị thổi bay 1.300 tỷ USD vốn hóa trong một ngày, các chuyên gia cảnh báo ‘bẫy lùa gà’, ‘chặt chém nhỏ lẻ’ 06/05/2022 - 09:01
Tính chung cả tuần qua, Dow Jones giảm 0,24% và ghi nhận tuần đi xuống thứ 6 liên tiếp, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. S&P 500 và Nasdaq mất lần lượt 0,21% và 1,54%, đánh dầu tuần giảm điểm thứ 5 liên tục. Đây là chuỗi sa sút dài nhất của Nasdaq kể từ năm 2012.
Bloomberg dẫn lời ông Chris Gaffney, Giám đốc thị trường toàn cầu tại công ty dịch vụ tài chính TIAA Bank, nói: “Việc ông Powell nói rằng Fed sẽ không tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản đã tạo nên đợt hồi phục ngày 4/5. Nhưng thực tế là Fed vẫn thắt chặt tiền tệ, với tốc độ nhanh hơn nhiều người từng nghĩ đến chỉ một thời gian ngắn trước đây. Vậy nên nhà đầu tư khó có thể mua đuổi được”.
Ông Gaffney nói thêm: “Tình hình tài chính nói chung sẽ ngày càng thắt chặt trong tương lai và rủi ro suy thoái kinh tế vẫn còn đó”.
Ông Dennis Dick, Giám đốc cấu trúc thị trường và là một nhà giao dịch tự doanh tại Bright Trading, nói: “Thị trường vẫn còn nhiều nỗi sợ. Mọi người nghĩ rằng tín hiệu ngày 4/5 là đèn xanh để nhảy vào nhưng giờ đây lại bị chặn lại. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cứ bước chân vào là bị chặt chém. Những người đầu tư theo kiểu trái ngược đang thắng thế trong năm 2022”.
“Điều duy nhất có thể dẫn tới một đợt quay đầu tăng điểm bền vững là khi lạm phát hạ nhiệt”, ông Dennis Dick nói thêm: “Bất kỳ đợt hồi phục nào không dựa trên sự cải thiện trong số liệu lạm phát đều là cái bẫy 'lùa gà'”.
Riêng phiên cuối tuần 6/5, cổ phiếu công nghệ là một trong những nhóm giảm mạnh hơn thị trường chung, như biểu đồ bên trên cho thấy. Các tên tuổi lớn đều đóng cửa trong sắc đỏ, Amazon sụt 1,4%, Microsoft và Meta (Facebook) mất tương ứng 0,9% và 2,2%.
Những cổ phiếu mang tính đầu cơ trong ngành công nghệ sinh học và năng lượng mặt trời bị bán tháo mạnh nhất trong phiên 6/5. Illumina cắm đầu giảm 14% trong khi Enphase Energy sụt 8,4%.
Công nghệ, đặc biệt là nhóm thương mại điện tử, thua kém thị trường chung trong suốt tuần qua. Giá cổ phiếu Amazon và Shopify hiện thấp hơn lần lượt 7,7% và 11,6% so với đầu tuần.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite hiện nay đang kém đỉnh lịch sử thiết lập tháng 11 năm ngoái khoảng 25%, tức là đang chìm sâu trong vùng thị trường gấu.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày cuối tuần diễn biến tiêu cực bất chấp báo cáo việc làm tháng 4 khả quan. Sáng 6/5, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết số việc làm phi nông nghiệp tháng 4 tăng thêm 428.000, cao hơn so với mức 400.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm 0,2 điểm % xuống còn 62,2%, tương ứng với việc lực lượng lao động giảm 363.000 người và đánh dấu tháng đi xuống đầu tiên kể từ tháng 3/2021. Các nhà kinh tế tin rằng nếu tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đi lên, tiền lương có thể sẽ tăng chậm lại và lạm phát chung sẽ hạ nhiệt.
Khía cạnh lạm phát có một số tín hiệu khả quan: Tiền lương trung bình hàng giờ tiếp tục tăng, nhưng tốc độ chỉ là 0,3% một tháng, thấp hơn mức 0,4% mà các nhà kinh tế dự báo. So với cùng kỳ năm ngoái, tiền lương tăng 5,5%, thấp hơn so với tỷ lệ lạm phát chung.
Trong một diễn biến khác, Fed cho biết dư nợ tiêu dùng tại Mỹ tăng thêm 52,4 tỷ USD trong tháng 3, gấp hơn hai lần dự báo của các nhà kinh tế mà Dow Jones khảo sát.
Ở châu Âu, các thị trường chứng khoán cũng đồng loạt chìm trong biển đỏ, đà giảm của các chỉ số ở Anh, Pháp, Đức nhìn chung lớn hơn so với Mỹ.