|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ bị thổi bay 1.300 tỷ USD vốn hóa trong một ngày, các chuyên gia cảnh báo ‘bẫy lùa gà’, ‘chặt chém nhỏ lẻ’

09:01 | 06/05/2022
Chia sẻ
Chỉ một ngày sau khi ăn mừng việc Fed không tăng lãi suất quá mạnh, thị trường chứng khoán Mỹ đã rớt thảm khi nhà đầu tư lo ngại ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không chế ngự được lạm phát và gây ra suy thoái.

 

Phiên 5/5, nhà đầu tư trên thị trường Mỹ bán tháo cả cổ phiếu, trái phiếu và tiền mã hóa. Chỉ số S&P 500 sụt 3,56%, đồng nghĩa với việc 1.300 tỷ USD vốn hóa đã bị xóa sổ trong vòng một ngày.

Các chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite và Nasdaq 100 cùng lao dốc 5%, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2020. Dow Jones cũng rớt hơn 1.000 điểm, tức 3,1%.

Vừa phiên trước đó (4/5), các chỉ số chứng khoán Mỹ còn đi lên mạnh mẽ khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell phát biểu rằng Fed chưa tính đến việc tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % trong các cuộc họp tới như nhiều người lo ngại.

Phiên lao dốc 5/5 đã xóa sạch thành quả tăng điểm của ngày 4/5, đồng thời là cú giảm mạnh thứ 2 của chỉ số S&P 500 trong năm 2022 như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.

S&P 500 lao dốc mạnh trong hai phiên 29/4 và 5/5.

Bloomberg dẫn lời ông Chris Gaffney, Giám đốc thị trường toàn cầu tại công ty dịch vụ tài chính TIAA Bank, nói: “Việc ông Powell nói rằng Fed sẽ không tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản đã tạo nên đợt hồi phục ngày hôm qua. Nhưng thực tế là Fed vẫn thắt chặt tiền tệ, với tốc độ nhanh hơn nhiều người từng nghĩ đến chỉ một thời gian ngắn trước đây. Vậy nên nhà đầu tư khó có thể mua đuổi được”.

Ông Gaffney nói thêm: “Tình hình tài chính nói chung sẽ ngày càng thắt chặt trong tương lai và rủi ro suy thoái kinh tế vẫn còn đó”.

Sau hai ngày họp 3-4/5, các quan chức Fed quyết định nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (tức 0,5 điểm %), đồng thời dự kiến thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán bắt đầu từ tháng 6. Những quyết định này đều đã được các chuyên gia Phố Wall dự báo từ trước.

Tuy nhiên, việc Fed không có ý định tăng lãi suất 75 điểm cơ bản khiến một số nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu Fed có thể chế ngự được ngọn lửa lạm phát đang ở đỉnh 4 thập kỷ hay không. 

Ông Dennis Dick, Giám đốc cấu trúc thị trường và là một nhà giao dịch tự doanh tại Bright Trading, nói: “Thị trường vẫn còn nhiều nỗi sợ. Mọi người nghĩ rằng tín hiệu ngày hôm qua (4/5) là đèn xanh để nhảy vào nhưng giờ đây lại bị chặn lại. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cứ bước chân vào là bị chặt chém. Những người đầu tư theo kiểu trái ngược đang thắng thế trong năm 2022”.

“Điều duy nhất có thể dẫn tới một đợt quay đầu tăng điểm bền vững là khi lạm phát hạ nhiệt”, ông Dennis Dick nói thêm: “Bất kỳ đợt hồi phục nào không dựa trên sự cải thiện trong số liệu lạm phát đều là cái bẫy 'lùa gà'”.

 

Bà Kim Forrest, Nhà sáng lập và Giám đốc đầu tư của Bokeh Capital Partners nói: “Tôi đã không thể lường trước được đợt ‘ói hàng’ đang diễn ra trên thị trường. Chúng tôi sống vì những ngày kiếm ra tiền cho nhà đầu tư, đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Bây giờ tôi đang làm nhà đầu tư mất tiền, tuy mất ít hơn người khác nhưng cũng không lấy gì làm vui vẻ”.

Một số ngành giảm mạnh hơn thị trường chung trong ngày 5/5. Chỉ số gồm các cổ phiếu phần mềm đắt đỏ tụt dốc hơn 10%, tiêu cực nhất kể từ tháng 3/2020. Một chứng chỉ quỹ ETF gồm các công ty mới lên sàn sụt 7,6%, còn cổ phiếu của các công ty công nghệ thua lỗ cũng mất 11% giá trị trong ngày 5/5.

 Tất cả 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều giảm sâu trong phiên 5/5.

Ông Frank Davis, Giám đốc điều hành cao cấp tại công ty chứng khoán LEK Securities nhận xét: “Có vẻ như một số nhà đầu tư coi phiên tăng mạnh 4/5 là thời cơ tốt để rời khỏi thị trường và mọi chuyến cứ thể tiếp diễn trong sáng nay 5/5. Thị trường cần phải đi xuống và xác định lại giá trị, nhưng mức độ thảm khốc của cú giảm hôm nay thực sự đáng chú ý”.

Bà Fiona Cincotta, nhà phân tích thị trường cao cấp tại City Index, nói: “Việc chỉ số S&P 500 ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ 2020 đúng vào ngày Fed quyết định nâng lãi suất là điều rất đáng ngờ. Vậy nên thị trường hôm nay phải định giá lại, không có gì đáng ngạc nhiên. Suy cho cùng thì rủi ro vẫn còn đó, lạm phát vẫn ở mức cao và Fed đang nóng lòng hành động”.

Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi trên Phố Wall tăng vọt 22,7% trong phiên 5/5, hiện cao gần gấp đôi đầu năm 2022.

Ông Stephen Carl, Giám đốc giao dịch tại công ty dịch vụ tài chính Siebert Williams Shank, chia sẻ với Bloomberg: “Mức độ sụt giảm ngày hôm nay có phần đáng ngạc nhiên. Chúng tôi từng coi 4.200 điểm là ngưỡng hỗ trợ cứng của S&P 500 nhưng giờ đây chỉ số đã tụt xuống dưới ngưỡng này. Đây có vẻ như là phản ứng bột phát sau phiên tăng nóng hôm qua khi một số nhà đầu tư quyết định chốt lời”.

Ông Randy Frederick, Phó Giám đốc phụ trách giao dịch và phái sinh tại tập đoàn Charles Schwab, nhận định: “Nhiều người đang đợi một phiên đầu hàng, khi tất cả đều từ bỏ thị trường. Có lẽ hôm nay chính là ngày đầu hàng. Một số cổ phiếu có định giá cao và lợi nhuận thấp đã lao dốc 60-70% từ đỉnh nhưng dường như không có ai mặn mà lao vào bắt đáy”.

“Chúng tôi biết những phiên kiểu này cuối cùng sẽ xảy ra. Chúng tôi đã thấy trong quá khứ và đã cố gắng cảnh báo các nhà đầu tư trẻ, nhưng bọn họ không muốn nghe. Tôi nghĩ thị trường sau này sẽ tốt lên vì nhà đầu tư sẽ thực sự phải tìm kiếm cổ phiếu chất lượng”.

Song Ngọc - Đức Quyền