|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ biến động thận trọng chờ số liệu CPI tháng 7

07:16 | 09/08/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm đầu phiên 8/8 nhưng đóng cửa quanh tham chiếu khi cổ phiếu ngành bán dẫn gây áp lực lên các chỉ số.

 Các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn còn kém xa mức đầu năm 2022.

S&P 500 giảm 0,12% còn 4.140 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,1% còn 12.644,5 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ 29 điểm, kết phiên ở 32.832,5 điểm.

Giá cổ phiếu Nvidia lao dốc 6,3% sau khi tập đoàn khổng lồ trong ngành sản xuất chip này công bố doanh thu thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích.

Cổ phiếu của các đối thủ cùng ngành chip như AMD và Broadcom cũng đi xuống, kéo tụt ngành công nghệ cũng như thị trường nói chung. Biểu đồ dưới đây cho thấy cổ phiếu công nghệ là nhóm giảm mạnh nhất chỉ số S&P 500 ngày 8/8.

Cổ phiếu công nghệ kéo tụt chỉ số S&P 500 trong phiên 8/8.

Một số cổ phiếu trong ngành năng lượng sạch đi lên sau khi Thượng viện phê chuẩn Dự luật Cắt giảm Lạm phát. Dự luật này bao gồm các khoản chi 300 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu.

Theo CNBC, tất cả thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa đều biểu quyết theo cương lĩnh của đảng mình, dẫn tới kết quả hòa 50-50. Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Hạ viện Kamala Harris đưa ra lá phiếu quyết định, giúp dự luật được thông qua theo ý của Đảng Dân chủ.

Dự luật đang được chuyển tới Hạ viện – nơi mà Đảng Dân chủ chiếm đa số. Nếu cả hai viện Quốc hội đều đồng ý, dự luật sẽ được chuyển tới cho tổng thống để ký ban hành hoặc phủ quyết. Tổng thống Joe Biden cũng là người thuộc Đảng Dân chủ nên khả năng dự luật này được ban hành trong thời gian ngắn là rất cao.

Cuối tuần trước, Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố số việc làm tạo mới trong tháng 7 là 528.000, tăng 33% so với tháng trước đó và gấp hơn hai lần dự báo của các chuyên gia do Dow Jones khảo sát.

Thông tin tích cực này củng cố quan điểm rằng nền kinh tế Mỹ chưa rơi vào suy thoái, đồng thời cho thấy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng mạnh lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.

Thứ Tư tuần này (10/8), báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 sẽ được công bố và cung cấp cho nhà đầu tư thêm thông tin về tình hình lạm phát và đường hướng chính sách của Fed trong cuộc họp thường kỳ ngày 20-21/9.

Ông Tom Essaye, nhà sáng lập công ty nghiên cứu Sevens Report, cho rằng số liệu kinh tế tích cực đột biến cuối tuần trước khiến cho báo cáo lạm phát tuần này càng thêm quan trọng.

Nếu tỷ lệ lạm phát vẫn cao trong lúc nền kinh tế khỏe mạnh và tạo ra nhiều việc làm, Fed sẽ không ngần ngại tăng lãi suất để hạ nhiệt giá cả và hoạt động kinh tế, kéo theo thị trường đảo chiều đi xuống.

Ngược lại, nếu số liệu lạm phát có dấu hiệu quay đầu, Fed có thể sẽ nhẹ tay hơn trong chiến dịch thắt chặt tiền tệ.

Mỹ tạo ra thêm 528.000 việc làm trong tháng 7/2022, vượt xa dự báo của giới phân tích

“Thị trường đã phục hồi mạnh dựa trên giả định rằng Fed sẽ đổi hướng chính sách. Báo cáo việc làm thứ Sáu tuần trước (5/8) không ủng hộ hy vọng này và có thể sẽ khiến Fed quyết tâm hơn trong việc nâng lãi suất”, ông Essaye nhận định.

"Giờ đây, lạm phát cần phải cho thấy dấu hiệu rõ ràng là đã lập đỉnh và đang đi xuống. Nếu không, thị trường sẽ phải từ bỏ hy vọng Fed đảo chiều chính sách và biến động sẽ tăng lên”.

Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo CPI tháng 7 tăng khoảng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức tăng 9,1% của tháng 6.

CNBC dẫn lời ông Scott Redler, Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty nghiên cứu T3live.com, đánh giá: “Nếu chúng ta nhận được một số liệu lạm phát nóng, tôi nghĩ thị trường sẽ giảm rất nhanh”.

Có khả năng tỷ lệ lạm phát tháng 7 sẽ thấp hơn tháng 6.

Song Ngọc