|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ tăng tuần thứ 4 liên tiếp khi lạm phát chuyển biến tích cực

07:37 | 13/08/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 12/8 đi lên mạnh mẽ và khép lại tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp của S&P 500. Lạm phát giá sản xuất (PPI) và giá tiêu dùng (CPI) cùng giảm xuống đã hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã khôi phục khoảng một nửa mức giảm trong năm nay.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 424 điểm, tương đương 1,27%, và đóng cửa ở 33.761 điểm. S&P 500 có thêm 1,73% và kết phiên ở 4.280 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite diễn biến tích cực nhất khi tăng 2,09% lên 13.047 điểm.

Tính chung cả tuần qua, S&P 500 tăng 3,26%, đánh dấu tuần đi lên thứ 4 liên tiếp. Theo CNBC, đây là chuỗi tăng theo tuần dài nhất của S&P 500 kể từ tháng 11/2021. Dow Jones thêm 2,92% và Nasdaq tăng 3,08%. Với Nasdaq, đây cũng là tuần khởi sắc thứ 4 liên tục.

S&P 500 có chuỗi 4 tuần tăng liên tục.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ diễn biến khả quan sau thông tin tích cực từ mặt trận lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 không tăng so với tháng 6, chủ yếu nhờ giá xăng hạ nhiệt bù đắp cho mức tăng trong giá lương thực. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 7 tăng 8,5%, thấp hơn mức 9,1% của tháng 6 và con số 8,7% mà các nhà kinh tế dự báo.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 7 giảm 0,5% so với tháng liền trước, đánh dấu lần đi xuống đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Số liệu mới công bố ngày 12/8 cho thấy giá nhập khẩu cũng giảm mạnh hơn dự kiến.

Đà tăng của CPI và PPI đều đã chậm lại.

Đà tăng của các chỉ số trong tuần qua đã giúp thị trường tiến xa hơn so với đáy hồi giữa tháng 6.

S&P 500 đã tăng 16,7% tính từ phiên 16/6 và đã khôi phục một nửa mức giảm tính từ đỉnh hồi đầu năm. Dow Jones và Nasdaq Composite cũng đã tăng tương ứng 13% và 22,6% so với đáy ngắn hạn.

Các thông tin tích cực giúp một số nhà đầu tư tin rằng đây không chỉ là một đợt hồi phục ngắn trong thị trường gấu mà các chỉ số chứng khoán Mỹ đã thực sự tạo đáy và bắt đầu đi lên.

Phiên 12/8, cổ phiếu các ngành tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ và dịch vụ viễn thông là những nhóm tăng mạnh nhất chỉ số S&P 500.

Tất cả 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều tăng điểm trong phiên 12/8.

Nhà đầu tư nổi tiếng Michael Burry từng xuất hiện trong bộ phim “The Big Short” cảnh báo thói quen “nghiện” tiêu dùng của người dân Mỹ báo hiệu nhiều vấn đề nguy hiểm phía trước.

“Dư nợ tín dụng ròng đang tăng với tốc độ nhanh kỷ lục vì người tiêu dùng tiếp tục bạo chi chứ không cắt giảm chi tiêu trong môi trường lạm phát”, ông Burry đăng tweet hôm 12/8.

“Không còn chuyện dư thừa tiết kiệm như trước. Tiền rải từ trực thăng trong thời COVID đã dạy người dân cách tiêu tiền và nay đã gây nghiện. Ông Burry cảnh báo: “Mùa đông đang đến rồi”, ý nói thời kỳ kinh tế khó khăn có thể sắp xảy ra.

Trong suốt mùa hè, giới phân tích ở Phố Wall đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm. Nhưng số liệu thực tế cho thấy kết quả kinh doanh quý II vẫn duy trì ở mức tốt, và các thống kê kinh tế gần đây đã xoa dịu những nỗi lo về khả năng suy thoái.

Ông John Stoltzfus, Giám đốc Điều hành và Chiến lược đầu tư tại công ty quản lý tài sản Oppenheimer, cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp trong các quý tới có thể lạc quan một cách bất ngờ.

“Dựa vào những số liệu mới trong tuần này như việc làm và đặc biệt là CPI và PPI, tình hình có thể sẽ rất tích cực cho lợi nhuận các công ty. Các yếu tố cơ bản đang tốt lên mặc dù nhiều thách thức vẫn còn tồn tại, ông Stoltzfus chia sẻ trên kênh CNBC.

Số liệu do Đại học Michigan vừa công bố cho thấy chỉ số tâm lý người tiêu dùng sơ bộ tháng 8 là 55,1 điểm, cao hơn mức 52,5 điểm mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.

Niềm tin người tiêu dùng Mỹ cải thiện sau khi chạm đáy 4 thập kỷ. 

Kỳ vọng lạm phát trong một năm sắp tới giảm từ 5,2% xuống còn 5%. Khảo sát của Đại học Michigan gần đây rất được quan tâm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell coi số liệu kỳ vọng lạm phát trong cuộc khảo sát này là lý do để Fed mạnh tay nâng lãi suất.

Khi kỳ vọng lạm phát hạ nhiệt, lạm phát thực tế nhiều khả năng cũng đi xuống và ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ.

Đa số thị trường chứng khoán lớn trên thế giới diễn biến tích cực trong phiên cuối tuần 12/8.

Song Ngọc

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.