|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ liên tục lập kỉ lục: Đáng lo hơn đáng mừng

15:03 | 16/07/2019
Chia sẻ
Các chuyên gia nhận định mặc dù nhiều chỉ số chứng khoán của Mỹ gần đây liên tục lập đỉnh lịch sử, việc đường cong lợi suất đảo ngược là dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái có thể đang đến gần. Kết quả kinh doanh quí II ảm đạm, căng thẳng thương mại vẫn tiếp diễn cũng là những yếu tố đáng ngại.

Nguy cơ từ đường cong lợi suất đảo ngược

Theo Nikkei, số liệu lịch sử 60 năm qua cho thấy sau khi đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đảo ngược, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trung bình 29% rồi sau đó giảm sâu khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Tuần qua chứng kiến lần đầu tiên chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones vượt ngưỡng 27.000 điểm còn S&P 500 lần đầu vượt 3.000 điểm. 

Nhân tố thúc đẩy đà tăng được cho là phát biểu của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell thể hiện rõ ý định cắt giảm lãi suất vào cuối tháng này.

Tại châu Á, các thị trường chứng khoán lớn cũng hồi phục. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đại lục đã tăng 20% kể từ đầu năm, các chỉ số của Hong Kong, Thai Lan và việt Nam cũng tăng trưởng khoảng 10%.

yield dj

Chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ và diễn biến chỉ số Dow Jones. Nguồn Nikkei (phần màu xanh thể hiện giai đoạn suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, lợi suất tín phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 3 tháng đang ở mức 2,14%, cao hơn lợi suất trái phiếu kì hạn 2 và 5 năm đang ở khoảng 1,8%, đồng nghĩa với việc đường cong lợi suất của Mỹ bị đảo ngược.

Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này là nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng liên tục kể từ tháng 7/2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giai đoạn tăng trưởng này đến nay đã bước sang năm thứ 11 – kỉ lục dài nhất kể từ khi có số liệu thống kê vào những năm 1850.

Do những lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế đang dần đi tới hồi kết, các nhà đầu tư thường chọn các trái phiếu kì hạn dài để đảm bảo thu nhập. Nhu cầu tăng làm giá trái phiếu tăng kéo theo lợi suất giảm và đường cong lợi suất bị đảo ngược.

Hiện tượng lợi suất ngắn hạn cao hơn dài hạn thường có tác động tiêu cực lên ngân hàng do đặc thù hoạt động nhận tiền gửi ngắn hạn và cho vay lại dài hạn. Mặc dù chỉ số S&P 500 liên tục lập đỉnh mới, nhóm cổ phiếu tài chính của chỉ số này hiện vẫn chưa vượt qua mức đỉnh cũ vào năm 2007.

Theo bà Michelle Meyer, một nhà kinh tế tại Bank of America Merrill Lynch, đường cong lợi suất đảo ngược có thể gây ra một cuộc suy thoái nếu nó có kênh tác động trực tiếp lên nền kinh tế. 

Về lí thuyết, đường cong lợi suất đảo ngược khiến cho hoạt động cho vay kém hấp dẫn hơn trước và do vậy làm giảm tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, lợi suất tín phiếu Mỹ kì hạn 3, 6 và12 tháng đã nhiều lần tăng lên trên lợi suất 10 năm. Và chênh lệch giữa lợi suất kì hạn 2 năm và 10 năm – thước đo quan trọng được nhiều nhà đầu tư theo dõi – hiện đã thu hẹp lại chỉ còn 28 điểm cơ bản.

Đây là xu thế kéo dài liên tục. Nikkei dẫn các số liệu lịch sử cho thấy sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998, Fed bắt đầu chu trình cắt giảm lãi suất. Thị trường chứng khoán sau đó tăng trưởng hơn 40% rồi sụp đổ do bong bóng công nghệ vỡ tan vào năm 2001 và gây ra cuộc suy thoái mới.

Khi đường cong lợi suất đảo ngược sau năm 2005 trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng trưởng được hơn 30%.

Điều mà các nhà đầu tư lo ngại hiện nay là thị trường chứng khoán sẽ lao dốc nếu nền kinh tế thực gặp vấn đề. Trong 6 lần đường cong lợi suất đảo ngược, 5 lần chứng kiến thị trường chứng khoán sụt giảm trong khoảng 10-50%.

Nhật Bản và Châu Âu cũng từng trải qua kịch bản này. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei tăng lên mức kỉ lục vào cuối năm 1989 sau khi lãi suất ngắn hạn vượt lãi suất dài hạn, nhưng rồi chỉ số này cắm đầu khi bong bóng kinh tế xì hơi.

Tại Đức năm 2007 trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường chứng khoán cũng tăng mạnh rồi giảm sâu sau khi chênh lệch lãi suất kì hạn ngắn và kì hạn dài thu hẹp về 0.

Nikkei dẫn một khảo sát của Invesco – một công ty quản lí tài sản tại Mỹ cho thấy 90% các quĩ đầu tư quốc gia trên thế giới đang giảm tỉ trọng đầu tư vào cổ phiếu với kì vọng pha tăng trưởng sẽ kết thúc và chuyển thành suy thoái trong hai năm nữa.

Kì vọng quá nhiều vào Fed

Kì vọng quá nhiều vào chính sách giảm lãi suất của Fed có thể khiến nhiều nhà đầu tư phải thất vọng. Đa số đều cho rằng trong cuộc họp vào cuối tháng 7 tới đây, Fed sẽ hạ lãi suất để ứng phó với suy yếu kinh tế trong nước cũng như toàn cầu.

Fed

Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ảnh: CNBC.

Tuy nhiên theo chuyên gia ngân hàng Wells Fargo, ông Michael Schumacher, nhà đầu tư đang kì vọng mức cắt giảm lên tới 65 – 70 điểm cơ bản; trong khi Fed nhiều khả năng sẽ chỉ giảm lãi suất hai lần trong năm, mỗi lần 25 điểm, tổng cộng giảm 50 điểm cơ bản.

"Vì vậy, theo quan điểm của Wells Fargo, Fed sẽ giảm lãi suất nhưng thị trường vẫn sẽ thất vọng vì mức độ giảm hông lớn như dự báo", ông Schumacher trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC.

Thực tế, kì vọng Fed giảm lãi suất là nhân tố tích cực duy nhất giúp thị trường chứng khoán Mỹ liên tục phá kỉ lục trong mấy tuần gần đây giữa bối cảnh căng thẳng thương mại chưa được giải quyết, nguy cơ suy thoái kinh tế đến gần và dự báo lợi nhuận quí II tiêu cực.

Nín thở chờ lợi nhuận quí II

Thị trường chứng khoán Mỹ có thể gặp nhiều trắc trở nếu các doanh nghiệp công bố lợi nhuận quí II sụt giảm do tác động từ chiến tranh thương mại hoặc tăng trưởng giảm tốc.

Thậm chí, mùa công bố lợi nhuận này bị coi là rủi ro nhiều hơn là cơ hội đối với thị trường chứng khoán.

Ông Peter Boockvar – Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group nhận định: "Mùa công bố kết quả kinh doanh tới đây sẽ như là một bãi mìn bởi sẽ có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan và tốc độ tăng trưởng đi xuống. Thị trường thì đang ở trên đỉnh lịch sử nên khả năng suy giảm là rất cao.

Sáng 15/7, ngân hàng Citigroup mở đầu mùa công bố kết quả kinh doanh quí II với lợi nhuận vượt kì vọng của giới phân tích. Tuy vậy, giá cổ phiếu ngân hàng này vẫn đóng cửa dưới vạch tham chiếu.

Các ngân hàng lớn khác như JP Morgan Chase, Morgan Stanley, Bank of America và Goldman Sachs đều lên lịch công bố lợi nhuận trong tuần này. Theo FactSet, các nhà phân tích dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 có thể giảm khoảng 3% so với cùng kì 2018.

Song Ngọc