|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bloomberg: Nguy cơ chứng khoán Mỹ tụt dốc từ nay đến cuối năm

08:19 | 08/07/2019
Chia sẻ
Sau nửa đầu năm thành công chưa từng thấy trong nhiều thập kỉ, thị trường chứng khoán Mỹ đang đứng trên đỉnh cao lịch sử. Nhiều nhà đầu tư đã nghĩ đến việc chốt lời và các chuyên gia dự báo đà tăng ấn tượng vừa qua sẽ khó có thể tiếp tục trong nửa cuối năm.

Nửa đầu năm với những kỉ lục hoành tráng

Bloomberg mới đây đưa tin, tình hình thị trường chứng khoán Mỹ có vẻ đang hết sức thuận lợi. Các chỉ số đang ở đỉnh lịch sử, Tổng thống Trump mang lại tín hiệu tích cực từ mặt trận thương mại, số liệu việc làm mới vượt xa kì vọng và Cục dự trữ Liên bang (Fed) ít nhất cũng đang xem xét việc cắt giảm lãi suất.

Dẫu vậy, các nhà đầu tư ở phố Wall lại không lạc quan cho lắm.

Những nhà dự báo chuyên nghiệp thường đưa ra các nhận định tương tự nhau và hiện nay đa phần đều vẽ nên một bức tranh u ám.

Bất chấp việc vốn hóa thị trường tăng thêm 5.000 tỉ USD, dự báo về nửa sau năm 2019 có vẻ khá bi quan khi đà tăng từ đầu năm đến nay được cho là rất khó duy trì. Thị trường không thể chiến thắng trọng lực mà bay lên mãi được, các nhà dự báo nhận định.

Ông Arthur Hogan, giám đốc chiến lược thị trường tại National Securities Corp. nói "Nhiều nhà đầu tư đã chốt lời. Chỉ số S&P 500 tăng trưởng 19% trong nửa đầu năm nay, đó là một khởi đầu tuyệt vời. Tôi nghĩ đến cuối năm, mức tăng trên sẽ không còn nữa".

740x-1 (1)

Chỉ số S&P 500 lập đỉnh lịch sử tuần vừa qua. Nguồn: Bloomberg.

Ông Hogan nói rất có lí. Nếu đợt tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ dừng lại ngay bây giờ, kết quả cũng không hề tệ. Chỉ số S&P 500 vừa có 6 tháng đầu năm tích cực nhất từ 1997 đến nay, còn Dow Jones cũng có nửa đầu năm tăng điểm mạnh nhất trong hơn 80 năm qua.

Trong tuần giao dịch vừa qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới. Thị trường trái phiếu cũng tăng sốc với kì vọng Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp cuối tháng 7. Tuy nhiên số liệu việc làm khả quan được công bố hôm thứ Sáu đã dội một gáo nước lạnh lên khả năng Fed giảm lãi suất, chỉ số S&P 500 giảm 0,2% trong phiên cuối tuần.

Tăng trưởng giảm tốc và căng thẳng thương mại: Những mối lo vẫn còn đó

Những lo ngại về nền kinh tế và căng thẳng thương mại không hề biến mất. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ được nối lại, nhưng dường như đó là tất cả những gì mà cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G-20 đạt được.

Những lời hứa hẹn về thương mại tuần trước nghe có vẻ tốt, nhưng các nhà đầu tư đang nhận ra rằng hầu như không có thông tin nào mới – và điều này không hề tốt cho tâm lí thị trường.

"Các nhà đầu tư đang dần dần nhưng chắc chắn cảm thấy 'chai lì' với những lời dỗ ngọt kiểu 'Chúng ta sắp đạt được thỏa thuận rồi' vì trước đó đã có người nói 'Thỏa thuận đã hoàn thành 90%' nhưng rốt cuộc chẳng đi đến đâu", ông Shawn Cruz – Giám đốc chiến lược giao dịch tại TD Ameritrade nhận định. "Cuối cùng thị trường sẽ càng ngày càng khó lên đỉnh mới".

Không ai tỏ ra sốt sắng trong việc nâng mức dự báo chỉ số S&P 500 thời điểm cuối năm. Đa phần các chuyên gia được Bloomberg khảo sát đều cho rằng S&P 500 sẽ kết năm ở mức thấp hơn hiện tại.

Chẳng hạn, Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) giữ nguyên quan điểm rằng chỉ số sẽ dừng ở 2.950 điểm – thấp hơn so với hiện nay khoảng 1,3%.

Citigroup cũng giữ nguyên dự báo 2.850 điểm. Cả RBC và Citigroup đều cảnh báo đợt tăng điểm vừa qua sẽ không thể duy trì. Chuyên gia của Credit Suisse thì khuyến nghị "chọn vị thế thận trọng" trong bối cảnh đà tăng suy giảm.

Nhưng cũng phải nói thêm rằng 6 tháng đầu tăng điểm mạnh mẽ đã làm nhiều nhà đầu tư hi vọng vào một năm thực sự bùng nổ như các năm 2013 và 1995 khi chỉ số S&P 500 vọt lên 30%.

Theo thống kê của LPL Financial, từ thập niên 1950 đến nay đã có 10 lần thị trường chứng khoán Mỹ tăng trên 15% trong 6 tháng đầu năm, sau đó có 5 lần là thị trường tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, và 5 lần thị trường đi xuống.

Cũng theo LPL, thị trường suy yếu là biểu hiện bình thường sau một đợt tăng nóng và đà giảm cũng thường khá nghiêm trọng.

JP Morgan Chase và một số ngân hàng khác đang khuyến nghị khách hàng chốt lời hoặc tái cơ cấu danh mục trong hoàn cảnh thị trường chứng khoán lơ lửng ở ngưỡng kháng cự mà các đợt tăng trước không vượt qua được.

Bà Samantha Azzarello – Chiến lược gia thị trường cho quĩ ETF của JP Morgan nhận định: "Rủi ro sụt giảm sau đợt tăng vừa qua là quá lớn, vì vậy tôi nghĩ bước đi hợp lí là chốt lời một phần, cân bằng lại danh mục và nắm giữ thêm tiền mặt".

Các dữ liệu kinh tế cũng không giúp nhà đầu tư an lòng hơn. Dù báo cáo việc làm vừa công bố là khá tích cực. Đa phần các số liệu khác đều thể hiện sự suy yếu. Đa phần nhà đầu tư đều hi vọng vào việc Fed giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng trong khi "mớ bòng bong" về thương mại đang được gỡ rối.

Nhưng ngay cả hành động của Fed có lẽ cũng sẽ là quá ít ỏi, quá muộn màng, theo đánh giá của Morgan Stanley.

Chỉ số hoạt động sản xuất tại Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016, nhiều số liệu khác cũng đang lao dốc. "Việc Fed nới lỏng tiền tệ có thể giúp nền kinh tế hạ cánh mềm hơn chứ không thể chặn được đà rơi", ông Mike Wilson - chuyên gia của Morgan Stanley nhận định.

Gần đây ông và nhóm nghiên cứu của mình dự báo S&P 500 sẽ điều chỉnh 10% trong quí III vì các số liệu kinh tế suy yếu.

740x-1

Chỉ số hoạt động sản xuất của Viện Quản lí Nguồn cung (ISM) ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016. Nguồn: Bloomberg/ISM.

Dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp trong S&P 500 ngày càng xấu. Trong số các công ty đã đưa ra dự báo mới, 80% cắt giảm ước tính lợi nhuận của mình.

Tại Citigroup, một cuộc khảo sát khách hàng cho thấy đa phần đánh giá dự báo lợi nhuận năm sau đang quá cao.

Ông David Spika, Giám đốc GuideStone Capital Management nhận định: "Chúng tôi dự đoán thị trường sẽ thêm biến động. Trong nửa đầu năm, tất cả các nhóm tài sản đều tăng giá, cả những loại an toàn lẫn rủi ro. Điều này không thể duy trì được".

Song Ngọc

Ngành thép Việt có hưởng lợi từ chính sách 'cứu' bất động sản của Trung Quốc?
Giới chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng rằng ngành thép Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc "cứu" thị trường bất động sản trong thời gian tới, tuy nhiên mức độ tác động ra sao và có kéo dài hay không thì cần theo dõi mức độ thẩm thấu chính sách vào nền kinh tế.