|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ liên tục phá đỉnh: Tiềm ẩn những rủi ro

16:17 | 13/07/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua tăng trưởng mạnh mẽ với thông tin Fed nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất vào cuối tháng. Tuy nhiên ngoài lãi suất, dường như không còn thông tin nào khác có thể hỗ trợ đà tăng của thị trường trong thời gian tới. Thậm chí nhiều tín hiệu tiêu cực đã xuất hiện.

Kết phiên 12/7, chỉ số S&P 500 tăng gần 0,5% lên 3.014 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số này đóng cửa trên mốc 3.000 trong lịch sử tồn tại của mình. Tuần qua cũng chứng kiến lần đầu tiên chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones vượt ngưỡng 27.000 điểm.

Tính chung cả tuần qua, S&P 500 tăng 0,8%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 1% và Dow Jones tăng 1,5%.

Cổ phiếu thua trái phiếu

Nguyên nhân thúc đẩy đà tăng được cho là phát biểu của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell thể hiện rõ ý định cắt giảm lãi suất vào cuối tháng này.

Tuy vậy, thị trường chứng khoán Mỹ cũng có nhiều điểm đáng ngại và nhà đầu tư không nên vội vã ăn mừng quá sớm.

1000x-1

Nhà đầu tư không nên mở rượu champagne ăn mừng quá sớm. Ảnh: Getty Image.

Từ đầu năm đến nay S&P 500 đã tăng 20,2%, nhưng nếu tính từ cuối tháng 1/2018 khi ông Trump leo thang cuộc chiến thương mại bằng việc đánh thuế lên tấm pin mặt trời và máy giặt từ Trung Quốc, S&P 500 mới tăng khoảng 4,5%. Nói cách khác, chứng khoán Mỹ chỉ đang lấy lại những gì đã mất trong cuộc chiến tranh thương mại.

Mức tăng "nhỏ mọn" này khó có thể được coi là đột phá.

Theo số liệu của Bloomberg Barclays U.S. Treasury Index, tỉ lệ tăng 4,5% nói trên còn thấp hơn cả lợi suất do trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lại. Nói cho đúng ra thì thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay đang rất chơi vơi với nhiều rủi ro rình rập.

sp treasury

Tỉ suất sinh lợi của chỉ số S&P 500 và chỉ số trái phiếu chính phủ Bloomberg Barclays. Nguồn: Bloomberg.

Triển vọng lợi nhuận u tối

Chỉ trong vòng 9 tháng gần đây, S&P 500 đã có 3 tháng giảm trên 6,5%, trong khi từ trước đó trở về đến năm 2011 chưa từng có tháng nào lao dốc mạnh tới mức này. Và mặc dù đà phục hồi từ đợt bán tháo hồi tháng 5 có vẻ khá ấn tượng, công lớn thuộc về các công ty có quan hệ chặt chẽ với giá dầu và được hưởng lợi khi giá loại đầu vào này giảm.

Tỉ lệ P/E kì vọng năm nay là 18 lần, tăng so với mức 15 lần vào cuối năm ngoái. Cổ phiếu không phải là quá đắt đỏ ở mức P/E này, tuy nhiên tăng trưởng lại gần như hoàn toàn đến từ sự đi xuống của lợi suất trái phiếu khiến cho thu nhập trong tương lai được chiết khấu có giá trị cao hơn ở hiện tại, còn lợi nhuận doanh nghiệp thực tế không tăng lên. 

Theo số liệu của Bloomberg News, các nhà phân tích phố Wall đã dần dần hạ ước tính thu nhập cả năm của chỉ số S&P 500 từ 172 USD hồi tháng 1 xuống còn 166 USD như hiện nay.

Và tình hình còn có thể tồi tệ hơn nữa. Theo Bloomberg Intelligence, ước tính lợi nhuận mà các nhà phân tích nhận được từ doanh nghiệp đang ở mức tiêu cực nhất kể từ quí I/2016.

Trong số 51 doanh nghiệp S&P 500 đã công bố ước tính lợi nhuận, hơn một nửa phải điều chỉnh giảm so với dự báo trước đó. FactSet thì ước tính lợi nhuận của nhóm S&P 500 trong quí II giảm khoảng 2% so với cùng kì 2018.

Chính vì vậy nên thị trường đã "vỡ òa trong sung sướng" khi Chủ tịch Fed Jerome Powell gần như khẳng định trước quốc hội về kế hoạch giảm lãi suất cuối tháng này. Đó là thông tin tích cực duy nhất thúc đẩy thị trường đi lên.

Giảm vay kì hạn dài - biểu hiện của thiếu niềm tin

Nếu sắp tới Fed giảm lãi suất, sẽ có nhiều người cho rằng Fed chịu khuất phục trước áp lực chính trị từ ông Trump bởi mọi việc có vẻ vẫn ổn, bằng chứng là thị trường chứng khoán liên tiếp phá kỉ lục.

Thực tế không hoàn toàn là màu hồng như vậy, cụ thể là với thị trường thương phiếu (commercial paper). Theo số liệu của Fed, gần đây, qui mô thị trường này liên tục tăng lên, chạm ngưỡng 1.160 tỉ USD – mức cao nhất kể từ năm 2011.

Thương phiếu là các công cụ giúp doanh nghiệp vay kì hạn ngắn 3, 6, 9 tháng và biến động của thị trường này có thể báo hiệu hướng đi của nền kinh tế. Cụ thể, khối lượng vay ngắn hạn tăng lên phần nào chứng tỏ doanh nghiệp không có đủ tự tin để vay dài hạn; thay vào đó doanh nghiệp dùng thương phiếu ngắn hạn để đợi đến khi tình hình rõ ràng hơn.

Số liệu của Fed ủng hộ giả thuyết này: Tổng giá trị vay thương mại và công nghiệp trong quí II/2019 chỉ nhích 0,15% lên 2.340 tỉ USD – mức tăng thấp nhất kể từ cuối 2017.

cp

Giá trị vay ngắn hạn qua thương phiếu tăng sốc trong khi vay dài hạn thương mại và công nghiệp gần như đi ngang. Nguồn: Bloomberg.

Tăng trưởng cho vay chậm lại bất chấp một khảo sát do Fed công bố hồi tháng 5 cho thấy các ngân hàng nói chung đã nới lỏng một số điều kiện quan trọng khi cấp các khoản vay thương mại và công nghiệp cho công ty vừa và lớn.

Nói cách khác, ngân hàng muốn cho vay nhưng doanh nghiệp không muốn nhận. Trong phiên điều trần trước quốc hội, Chủ tịch Jerome Powell cũng nói: "Sản xuất, thương mại và đầu tư trên khắp thế giới đều suy yếu".

 Giá dầu tăng, chi phí sản xuất tăng

Giá dầu thô thời gian gần đây liên tục lên cao, đặc biệt ngày 10/7 tăng tới 4,67%. Đây là ngày có mức tăng cao thứ hai trong năm nay, chỉ sau mức 5,38% của hôm 20/6.

Tính từ đầu tháng 7 đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 20%. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí nhiên liệu của các doanh nghiệp tăng lên trong bối cảnh tăng trưởng doanh thu chậm lại.

wti

Giá dầu đang tăng trở lại. Nguồn: Bloomberg.

Nguyên nhân của việc giá dầu tăng cao được cho là do các nhà sản xuất bắt đầu giảm sản lượng sau một thời gian dài nguồn cung dồi dào.

Số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy dầu thô tồn kho của Mỹ tuần trước giảm 9,5 triệu thùng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 trở lại đây.

Chưa kể, ông Trump từng thề sẽ tăng cường cấm vận Iran và một cơn bão trên vịnh Mexico buộc các giàn khoan ngoài khơi phải sơ tán nhân sự - gây ảnh hưởng tới sản xuất.

"Hàng tồn kho của Mỹ giảm và những tuyên bố hiếu chiến của Iran đang dọn đường cho giá dầu tiếp tục đi lên", ông Howie Lee – một nhà kinh tế tại Ngân hàng OCBC Singapore nhận định.

"Tuy nhiên đường đi lên của giá dầu cũng sẽ gặp nhiều trắc trở do lo ngại về nhu cầu năng lượng sụt giảm". Lo ngại này liên quan đến những điều mà ông Powell và các lãnh đạo ngân hàng trung ương khác từng nhắc đến, cụ thể là cuộc chiến thương mại lan rộng sẽ kìm hãm hoạt động kinh tế toàn cầu.

Song Ngọc

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.