Chủ tịch Fed ra tín hiệu tích cực, Dow Jones lần đầu vượt 27.000 điểm
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 27.000 điểm trong lịch sử hơn 100 năm tồn tại của mình sau khi tăng 227,88 điểm trong phiên 11/7.
Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 11/7. Nguồn: Bloomberg.
Dow Jones lần đầu vượt 26.000 điểm vào tháng 1/2018; như vậy phải mất hơn 1,5 năm để chỉ số này tăng thêm 1.000 điểm. Theo nhận định của CNBC, đà tăng gần đây chủ yếu nhờ vào kì vọng Fed giảm lãi suất giúp thị trường giảm tác động tiêu cực từ nền kinh tế giảm tốc và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Đường lên 27.000 của Dow Jones. Nguồn: CNBC/FactSet.
Cổ phiếu thành phần diễn biến tích cực nhất kể từ khi Dow Jones vượt 26.000 điểm đến nay là Microsoft, tăng tới 50%. Các cổ phiếu Visa, Cisco, Nike cũng nhảy vọt trong thời gian này.
Việc Dow Jones vượt 27.000 điểm là dấu mốc mới của đợt tăng điểm dài nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ, bắt đầu từ tháng 3/2009. Khi đó, Dow Jones đang giao dịch quanh khoảng 6.600 điểm và S&P 500 đang dưới 1.000 điểm.
Phiên 11/7, chỉ số S&P 500 tăng 0,23% và đóng cửa ở mức đỉnh mới 2.999,91 điểm. Trong phiên 11/7 cũng như phiên trước đó 10/7, đã có nhiều lúc chỉ số này giao dịch trên mốc 3.000 nhưng rồi đánh mất mốc này về cuối phiên.
Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,1% xuống còn 8.196,04 điểm.
Các cổ phiếu y tế như UnitedHealth, CVS Health và Cigna cùng tăng mạnh, lần lượt hơn 5%, 4,7% và 9,2% sau thông tin về chính sách có lợi từ phía Nhà Trắng. Cổ phiếu Delta Airlines tăng 1,1% sau khi công bố lợi nhuận cao hơn kì vọng.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Các dịch vụ Tài chính của Hạ viện ngày 10/7, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ thời gian gần đây đã chậm lại "rõ rệt" trong bối cảnh triển vọng kinh tế tiếp tục thiếu chắc chắn.
Hệ quả tất yếu của nhận định này là các nhà đầu tư càng thêm hi vọng Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp diễn ra trong hai ngày 30-31/7 tới đây nhằm kích thích nền kinh tế.
Trong buổi điều trần, ông Powell còn nói: "Nhiều thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã nhận thấy tình hình hiện nay đòi hòi chính sách tiền tệ cần có phần nới lỏng hơn".
"Dựa vào các số liệu và diễn biến mới, có vẻ những bất định về căng thẳng thương mại và lo ngại về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế Mỹ".
Biên bản cuộc họp Fed diễn ra trong tháng 6 vừa được công bố cũng thể hiện nội dung tương tự như lời phát biểu của ông Powell trước Hạ viện.
Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy kì vọng Fed giảm lãi suất trong tháng 7 này là 100%, trong đó có 76,5% kì vọng lãi suất giảm 0,25 điểm phần trăm và 23,5% kì vọng lãi suất giảm 0,5 điểm phần trăm.
Sau phiên điều trần trước Hạ viện ngày 10/7, ông Powell sẽ tiếp tục ra điều trần trước Thượng viện Mỹ trong ngày hôm nay 11/7.
Trong một diễn biến khác, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng – một thước đo lạm phát rất được quan tâm – tăng 0,1% trong tháng 6. Tỉ lệ lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,3% trong tháng qua, mức cao nhất kể từ tháng 1/2018 đến nay.