Chứng khoán Mỹ ngày 10/10: Dow Jones mất hơn 830 điểm trong phiên thị trường đỏ lửa
Chứng khoán Mỹ 11/10: Giảm thêm 546 điểm trong hoảng loạn, Dow Jones mất tổng cộng gần 1.400 điểm sau hai ngày |
Cụ thể, chỉ số Dow Jones giảm 831,83 điểm còn 25.598,74 điểm, trong đó cổ phiếu Intel và Microsoft cùng mất 3,5%.
Chỉ số S&P 500 giảm 3,3% còn 2.785,68 điểm trong đó nhóm ngành công nghệ diễn biến xấu. Đây là phiên giảm điểm thứ 5 của chỉ số này – chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 11/2016, đồng thời chỉ số này cũng giảm xuống dưới các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng là đường trung bình trượt 50 và 100 ngày.
Chỉ số Nasdaq giảm 4% còn 7.422,05 điểm.
Diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ ngày 10/10. Nguồn: Bloomberg. |
Đối với cả Dow Jones và S&P 500, đây là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu tháng 2 năm nay. Đối với Nasdaq, đây là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày 24/6/2016.
Tính từ đầu tháng 10 đến nay, chỉ số S&P 500 và Dow Jones đã giảm lần lượt 4,3% và 3,3%. Chỉ số Nasdaq thì ‘bay’ tới hơn 7,5%.
Những phiên giảm điểm mạnh nhất của chỉ số Dow Jones trong năm nay. Nguồn: CNBC/FactSet. |
Giá cổ phiếu của Amazon giảm 6,2%, Netflix giảm 8,4%, Facebook và Apple cùng giảm trên 4%. Đây đều là những cổ phiếu đã tăng giá rất mạnh trong năm nay và trong suốt giai đoạn thị trường giá lên hiện tại. Tính chung cả nhóm công nghệ của chỉ số S&P 500 giảm 4,8%, phiên giảm mạnh nhất trong 7 năm gần đây.
Theo ông Larry Benedict CEO của The Opportunistic Trader, “Nhà đầu tư đang ‘thoát hàng’ các công ty công nghệ nổi tiếng. Tôi nghĩ nhà đầu tư đang không rào chắn rủi ro đầy đủ, nhiều đau đớn còn đang ở phía trước”.
Lo ngại lãi suất tăng cao cũng gây áp lực đè nặng lên thị trường cổ phiếu. Sau khi chạm ngưỡng cao nhất kể từ năm 2011, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giao dịch quanh mốc 3,23% trong phiên 10/10. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm leo lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
Đà tăng này khiến các nhà đầu tư lo ngại chi phí vay vốn sẽ tăng lên, làm nền kinh tế giảm tốc.
Ông Jeremy Klein, giám đốc chiến lược thị trường tại FBN Securities nhận định: “Các yếu tố căn bản vẫn hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu. Tôi cho rằng những lo ngại về lãi suất tăng cao đã bị thổi phồng một cách thái quá. Nói cụ thể hơn, tôi không nghĩ là lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài có thể tăng mạnh thêm nữa”.
Ngày 10/10, mặt bằng lãi suất chung tăng lên sau khi chính phủ Mỹ công bố số liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất tăng 0,2% trong tháng 9 và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thước đo lạm phát rất được quan tâm.
Đợt tăng lãi suất gần đây diễn ra khi thị trường đang chuẩn bị vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Các ngân hàng như J.P. Morgan Chase, Wells Fargo và Citigroup sẽ là những doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh đầu tiên trong tuần này. Tính chung, các chuyên gia được FactSet khảo sát kỳ vọng lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp có thể tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên ông Art Hogan, giám đốc chiến lược thị trường tại B. Riley FBR, cảnh báo “Chi phí đầu vào tăng lên là vấn đề mà nhiều nhà đầu tư rất lo ngại. Các vấn đề như đồng USD mạnh lên và căng thẳng thương mại liên tục được đề cập trong các dự báo của doanh nghiệp, và đây là tín hiệu xấu. Chúng ta lại quay lại triển vọng mà thị trường đã giả định sai, rằng một khi đã đạt được NAFTA 2.0, chúng ta sẽ quay sang giải quyết vấn đề với Trung Quốc. Tuy nhiên tình hình căng thẳng với Trung Quốc lại đang diễn biến xấu đi, không tốt lên”.
Thị trường chứng khoán Châu Âu cũng giảm mạnh do lo ngại về ngân sách của Italia. Chỉ số Stoxx 600 giảm 1,6% trong khi chỉ số Dax của Đức giảm 2,2%, chỉ số CAC của Pháp giảm 2,1%.